Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tiếng đàn bầu

Trong kho tàng văn hoá âm nhạc dân tộc Việt Nam, đàn bầu là loại nhạc cụ được coi là độc đáo và hấp dẫn nhất. Tiếng đàn du dương, trầm lắng khiến ai đã nghe một lần thì thật khó quên, chẳng thế các cụ ngày xưa đã kín đáo nhắc nhủ: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”.

“Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha
Ngân nga em hát, tích tịch tình tang”

Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hoà quyện với tiếng lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Ðiều gì đã khiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến vậy?

Thuở hàn vi, cây đàn bầu đơn sơ làm bạn với bác xẩm mù ở góc chợ quê, trên manh chiếu cũ. Bác xẩm đầu gối đè giữ hộp đàn tre, dây tơ ngân lên tiếng thở than cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ -những “Làn thảm” của chèo, “Bèo dạt mây trôi” của quan họ, “Nam ai” xứ Huế… Và vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị “Hoa thơm bướm lượn”. Lại cả khi vui nhộn yêu đời với “Trống cơm”, “Con gà rừng”…

Ai cũng mê tiếng đàn bầu, nên các bác xẩm mù trở thành “nhạc sư” dân dã của trẻ em và trai tráng các làng quê. Trai làng sau một ngày vất vả cày bừa, tối đến mượn tiếng đàn bầu mà trải lòng mình dưới ánh trăng suông, khiến ai nghe cũng thấy mủi lòng. Chả thế, các nhà có con gái lớn mới dặn con “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”!

Khi “Ông hoàng” đã có được vị thế đáng nể trong cộng đồng, thì trên hành trình chinh phục con tim có thêm các “cận vệ” dân gian tháp tùng, mà gắn bó, hòa đồng hơn cả là đàn tranh, sáo trúc. Bộ ba hòa tấu này tạo ra âm hưởng hòa quyện giầu âm sắc, đằm thắm, khúc triết, tao nhã mà bay bổng, có sức quyến rũ đặc biệt.

Một thời kháng chiến, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào cả nước, bộ đội các chiến trường đã từng say mê tiếng đàn bầu Mạnh Thắng, Đức Nhuận… với những “Ru con” Nam Bộ, “Hoa thơm bướm lượn” Quan họ Bắc Ninh, những tình khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”…

Và chinh phục nhất là độc tấu đàn bầu có dàn nhạc cụ dân tộc làm nền: “Vì miền Nam”, “Vũ khúc Tây Nguyên”… Nghệ sĩ Mạnh Thắng sáng chế que gẩy ngắn, đưa thiết bị khuếch đại âm thanh vào đàn bầu, và là người đầu tiên đưa đàn bầu đi trình diễn quốc tế, mang về giải thưởng cao quí cho Việt Nam. Sau đó, với que gẩy ngắn, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận phát minh kỹ thuật vê dây, cùng cách chơi tạo ra bồi âm kép.

Cây đàn bầu xếp gọn trong ba lô, hành quân dọc Trường Sơn, làm bạn tâm tình cùng chiến sĩ. Đó là công lao của nhạc sĩ Phan Chí Thanh, người đã cải tiến đàn bầu thành nhiều loại. Ông mang ra trận loại “Đàn bầu du kích”, thân đàn là những ống tre xếp lồng vào nhau cho gọn, gắn cuộn dây cảm ứng, thêm 1 đài bán dẫn nhỏ, biểu diễn cho bộ đội nghe.

Tiếng đàn bầu Việt Nam từ xa xưa đến bây giờ và mai sau nữa, với sức lay động sâu xa, quyến rũ lòng người, được người Việt Nam ta say mê đặc biệt. Còn với người nước ngoài lâu nay, tiếng đàn bầu Việt Nam ở đâu cũng gây ấn tượng mạnh vì sự độc đáo của cây đàn một dây có âm sắc tuyệt đẹp, có thể chơi cả dân ca, nhạc phẩm mang hồn Việt lẫn nhạc phẩm các xứ sở trên thế giới, truyền cảm lạ lùng.

Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến VN, nhiều khách nước ngoài đã xem cây đàn Bầu như một biểu tượng của VN “Ðất nước đàn Bầu”, “Quê hương đàn Bầu”. Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: “Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú”.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x