Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đã từ lâu, tò he được biết đến như là một thứ đồ chơi dân gian quen thuộc của trẻ em Việt Nam nhưng ít ai biết tường tận nguồn gốc cho sự ra đời của tò he. Có ai đó đã từng trân trọng nói về những món quà quê gợi nhớ bao kỉ niệm: “Thứ nhất bánh cuốn, thứ nhì bánh đa, thứ ba chim cò”… và chim cò là cái gốc của tò he.

Tò he hay còn được gọi là chim cò vốn xuất phát từ việc làm đồ thờ cúng trong những dịp lễ tết, đặc biệt là tết Trung Thu, do các nghệ nhân xưa dùng bột nếp nặn những mâm ngũ quả, ông tiến sĩ và 12 con giáp hay những con vật gần gũi với nông thôn Việt Nam để phục vụ việc cúng lễ. Chim cò khi cúng xong, chia cho trẻ nhỏ chơi (là một hình thức của việc chia lộc – thụ lộc, mang ý nghĩa tâm linh cao) khi chơi chán đem hấp với cơm có thể ăn được. Trẻ em rất thích chơi chim cò nên các nghệ nhân xưa đã phát triển thành nghề làm đồ chơi.

Đầu tiên đó chỉ là hình những con chim, con cò giản dị. Tới thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, các nghệ nhân chuyển sang nặn bộ đội. Ngày nay, trẻ em nhỏ ưa chuộng những nhân vật hoạt hình, hoa lá cỏ cây, người nghệ nhân sáng tạo thêm một cây kèn lá nhỏ gắn vào dưới thân con giống, khiến nó phát ra tiếng tò te tí te, mà chuyển sang tên “TÒ HE” như người ta vẫn quen gọi và biết đến. Như vậy, từ một hình thức đồ lễ mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa cao, qua thời gian, tò he ( hay chim cò) đã trở thành một thú vui chơi trong sáng, giản dị và đậm màu sắc dân gian.

con bánh chim cò

Cái nghề làm tò he cũng lắm công phu. Đó là lí do vì sao, nó ko chỉ đơn giản là một thức chơi quê mùa mà còn được tôn vinh như một nét đẹp văn hóa Việt. Cái hay của tò he là đã sử dụng những nguyên liệu quen thuộc của đồng quê mà đi bất cứ vùng miền nào của dải đất hình chữ S này, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Tò he được làm từ bột gạo nếp, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Lắm lúc nhào xong, khi gạo nếp đã đóng thành một khối trắng tinh khôi, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Trong việc nặn tò he, làm bột và luộc bột là một trong những công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của con giống.

Sau đó khối bột được chia thành 7 phần để nhuộm màu, thuật ngữ nghề nghiệp còn gọi là thấu màu. Tò he có 7 màu cơ bản như: xanh, đỏ, vàng, hồng, tím, đen và trắng. Các loại màu được lấy từ thực vật tự nhiên, có trong đời sống hàng ngày như: màu xanh lấy từ lá tràm, trầu không; màu đỏ lấy từ quả gấc; màu vàng lấy từ củ nghệ; màu hồng lấy từ cánh hoa sen; màu tím từ trái mùng tơi; màu đen lấy từ lá nhọ nhồi; chỉ có màu trắng là không cần phải nhuộm. Khi cần thiết các nghệ nhân có thể pha thêm các màu có sẵn như: màu trắng trộn với màu hồng thành màu hồng nhạt, màu vàng trộn với màu đỏ để thành màu da cam,… và tạo ra những cục bột chín dẻo thơm hương vị của đồng quê. Chính vì vậy mà tò he được các nghệ nhân làm nên có dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng, và đậm chất dân dã, ẩn chứa vẻ đẹp bình dị của chốn thôn quê.

làng nghề nặn tò he Xuân La

Quê tôi xưa: thôn Trại Xuân – tổng Phượng Vũ – phủ Thường Tín – tỉnh Hà Đông nay thuộc thôn Xuân La – xã Phượng Dực – huyện Phú Xuyên – thành phố Hà Nội là nơi có làng nghề truyền thống tò he duy nhất ở Việt Nam. Nghề tò he có từ bao giờ? Vào thời đại nào? Ai là ông tổ nghề?… Đó là những câu hỏi của rất nhiều phóng viên,nhà báo và rất nhiều người quan tâm đến nghề nặn tò he thường hỏi nhưng do chiến tranh ngôi đình làng đã bị tàn phá, gia phả thất lạc nên không ai còn biết được nguồn gốc của nghề. Các cụ cao tuổi trong làng cũng chỉ biết rằng từ lâu cả làng Xuân La đã biết nặn tò he. Có nhiều gia đình đã có tới 9-10 đời làm nghề tò he, hiện nay rất nhiều gia đình còn tồn tại 3 thế hệ làm nghề tò he: ông, con và cháu cứ thế đời này truyền cho đời kia. Cả làng đều bảo lưu nghề lặn tò he các bậc tiền bối xưa đã để lại cho con cháu chúng tôi.

Một nghề thật quý giá. Nó đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả bây giờ. Nhưng hơn thế, điều làm những người con làng Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

làng nghề nặn tò he Xuân La

Cứ thế tò he được các nghệ nhân làng tôi đem tới mọi miền Tổ Quốc. Đặc biệt năm 2003 cố nghệ nhân cụ Đặng Văn Tố, là người đầu tiên được bộ văn hóa cử sang nước ngoài để biểu diễn nghệ thuật nặn tò he. Tiếp đó tháng 7-2005 kỉ niệm 10 năm quan hệ Việt Mỹ, để đánh dấu các sự kiện này nước ta đã cử một đoàn nghệ thuật gồm: ca múa nhạc dân gian, tranh hàng trống và đại diện làng nghề tò he. Được cử đi là nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận, đi đến đâu tò he cũng gây được sức hấp dẫn đến lạ kì không chỉ trẻ em, người lớn và cả những người nước ngoài. Chỉ với đôi bàn tay khéo léo, trong phút chốc người nghệ nhân đã biến những cục bột màu thành những: bông hoa, con rồng, con gà, các nhân vật hoạt hình… tất cả đều sinh động, đáng yêu và đầy màu sắc. Các kiều bào rất xúc động khi bắt gặp tò he nó gợi nhớ cho họ về kí ức tuổi thơ và hình ảnh quê hương đất nước.

Tò he hoa trái đủ màu
Tay tiên một thoáng ra nhiều thú vui
Tò he là nghề du chơi
Ngày xuân rong duổi cho đời mãi xuân
Làm nghề là phải chuyên cần
Nghề này đích thực làng mình từ xưa
Xin đừng chớ có bỏ qua
Người người ca ngợi có đôi tay vàng.

làng nghề nặn tò he Xuân La

Đó là những câu thơ của người ông đáng kính thường đọc cho chúng tôi nghe. Giờ đây ở tuổi bát tuần ông không còn đủ sức khỏe để làm nghề được nữa nhưng ông vẫn luôn căn dặn chúng tôi phải giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Sau những năm tháng làm nghề tôi đã có biết bao những kỉ niệm vui buồn cùng tò he, càng ngày tôi càng thấy yêu thấy thương nghề nhiều hơn. Tôi cũng may mắn được tham gia nhiều các lễ hội văn hóa lớn của Việt Nam, tiêu biểu như: Festival Huế, lễ hội làng nghề phố nghề, lễ hội di sản, và được bảo tàng các dân tộc Việt Nam tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia truyền dạy, trình diễn tại Bảo tàng các dân tộc Việt Nam. Đó là động lực để tôi luôn cố gắng phát triển nghề tò he để cho đời con tôi, cháu tôi có thể theo nghề.

Bài: nghệ nhân Đặng Văn Hậu (viết 2014). Ảnh: Ngô Quý Đức.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Dang Kim
Dang Kim
3 năm trước

Mình tìm cái này đã lâu, chẳng biết tên gọi là gì ? Chỉ biết hồi nhỏ đi chợ thấy người ta bán cũng mua vài con để chơi, nhưng bây giờ không thấy ai bán hết, gặp bài viết này mừng ghê, ít ra cũng biết được cái tên tò he ! Nghề truyền thống Việt Nam rất quý, mong rằng tất cả đều được tồn tại theo kiểu truyền thống mới quý .

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x