Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng làm bánh đa Kế

Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang. Xã có mười một thôn, trong đó có sáu thôn làm bánh đa. Người dân trong vùng thường gọi là bánh đa Kế…

Xã Dĩnh Kế, xưa kia vốn có tên là Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương – Trấn Kinh Bắc. Một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, quê hương của vị trạng nguyên tài, đức Giáp Hải (1515-1585). Đặc biệt, vùng đất này đã khai sinh ra nghề làm bánh đa độc đáo, gia truyền hàng trăm năm nay.

Đến làng Kế, khách tham quan không chỉ được thưởng thức bánh đa mà còn được thăm đền Dĩnh Kế (còn gọi là Nghè Cả). Đây là một công trình kiến trúc cổ theo kiểu thức dân tộc với kỹ thuật chạm khắc đẹp và tinh xảo, tài nghệ.

Đền thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương – hai vị tướng của Hùng Vương phò vua giúp nước. Đồng thời là nơi đặt bia Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, trong đó có trạng nguyên Giáp Hải (còn gọi là trạng Kế).

Cạnh đền Dĩnh Kế là chùa Đống Nghiêm (còn gọi là chùa Kế), một công trình kiến trúc cổ – một trung tâm thờ Phật của nhân dân trong xã. Chùa còn giữ được nhiều pho tượng đẹp, nhiều cổ vật và những tài liệu quý có giá trị lịch sử, văn hóa. Chùa có tên “Nguyên cổ tích danh lam Đống Nghiêm tự” dựng năm Cảnh Hưng thứ 2 (1759).

Đặc biệt, vào mùa xuân có lễ hội chùa Dĩnh Kế vào mồng 4 tháng giêng, đó là sinh hoạt Phật giáo lớn của tăng ni, phật tử, các tín đồ cùng khách địa phương.

Bánh đa Kế

Những ngày nắng, ai đi qua Dĩnh Kế cũng thấy một màu trắng của những chiếc bánh đa to, tròn trên những chiếc giàn phơi, dọc theo quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà.

Ban đầu chiếc bánh đa làm từ nguyên liệu chính là sắn. Nhưng trong quá trình làm người dân nơi đây thấy sắn là nguyên liệu khó làm vì nó rất dính, bắt bụi và côn trùng, không đảm bảo vệ sinh, chất lượng chiếc bánh không cao nên họ tìm cách cải tiến, thay thế sắn dần bằng gạo tẻ. Từ đó, họ thấy chất lượng chiếc bánh được nâng lên rõ rệt.

Để làm bánh ngon, phải chọn loại gạo ngon, được để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, nó cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong.

Người ta vo gạo rất nhẹ nhàng, làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo ấy. Sau đó đem gạo ngâm nước, ngày xưa người ta thường ngâm vào những chậu bằng sành, gốm cho đến khi hạt gạo có vị chua và căng mọng lên đem vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào xay. Ngày nay người ta xay gạo bằng máy, dễ dàng hơn trước kia rất nhiều, trước đây người dân xay gạo bằng cối đá rất vất vả và công phu. Phải xay gạo thật nhuyễn, hạt gạo hoà cùng những giọt nước trong trẻo tan ra thành bột mịn và trắng muốt.

Bánh đa Kế

Cũng có khi người ta còn làm thành cơm rồi mới đem xay cùng với gạo, lúc đó cơm sẽ được dàn ra cho nguội, không được nát và cũng không quá cứng. Xay gạo cùng với cơm làm cho bánh đa có độ dẻo cần thiết.

Theo kinh nghiệm của người dân làng Kế, để có được chiếc bánh hảo hạng thì khâu quan trọng nhất là tráng bánh.

Tuy tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ lành nghề. Là loại bánh dùng để nướng nên khi tráng phải dày hơn. Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt, lớp hai được trải đều ngay trên lớp một, tuy nhẹ tay nhưng đều và phẳng.

Trước khi đem bánh ra phơi, người làng Kế thường rắc rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên mặt bánh còn bốc hơi nóng hổi. Tuy nhiên, không phải rắc thế nào cũng được. Lạc vừng rắc phải đảm bảo trải đều trên mặt bánh, nhưng tập trung ở phần tâm để khi nướng lạc vừng chín tới. Điều này không những giúp bánh đa Kế ăn vừa miệng mà còn vừa mắt người ăn.

Bánh đa Kế

Những sản phẩm bánh đa Kế được làm ra vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng, lại mang đậm hương vị cửa làng quê Kinh Bắc. Và có lẽ bởi sự kỳ công và khéo léo như vậy mà bánh đa Kế luôn giữ được chất riêng, không thể lẫn lộn. Cũng giống như con người làng này. Chỉ cần cần cù, chịu khó, hết lòng với sản phẩm mình làm ra thì dù có bao nhiêu làng nghề làm bánh đa khác xuất hiện cũng không bao giờ thay thế được làng bánh đa Kế này.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x