Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng Thổ Hà

Làng cổ Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nằm cách Hà Nội khoảng 48km, nằm dọc theo dòng chảy của bờ Bắc sông Cầu, mảnh đất này được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Với ba mặt là mênh mông sóng nước, khách tham quan đến đây hay người dân ra khỏi làng phần lớn đều phải đi đò.

Vào thế kỷ 14, Thổ Hà từng là một trong các trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất nhì của người Việt. Gốm Thổ Hà có những đặc điểm riêng như không tráng men mà dùng kỹ thuật nung đến độ men của đất tự chảy ra, bởi vậy mà sản phẩm có độ sành cao, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp không nơi nào có được.

Trục đường chính qua làng Thổ Hà chỉ có một con đường duy nhất. Từ đó chia thành từng ngõ nhỏ, ngõ nào cũng hẹp. Những con ngõ  cảm giác sâu hẹp tạo cảm giác sâu hun hút được coi như một thứ đặc sản của vùng quê giàu truyền thống văn hóa độc đáo này. Tuy nhiên, nghề gốm ở đây không còn phát triển hưng thịnh như xưa nữa. Người dân ở đây đã chuyển qua làm bánh đa nem và nhanh chống nổi tiếng xa gần bởi đọ dẻo dai, thom ngon, hấp dẫn và giúp người dân có thu nhập ổn định.

Nhắc đến làng Thổ Hà, phải kể đến những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII như di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là đình Thổ Hà, chùa Thổ Hà (Đoan Minh Tự), Văn chỉ,…

Ngôi đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm. Đình thờ thành hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Đào Trí Tiến. Đình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ 2 ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ được tạo dựng năm 1576), đình được xây dựng vào thời Lê Chính Hoà (1686).

Đình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc thể hiện phong cách thời Lê trung hưng rõ nét, độc đáo. Đề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là “tứ linh”, “tứ quý” hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng vờn thiếu nữ…

Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được 9 tấm bia cổ, qua những thư tịch cổ, bia đá cổ đã là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình. Bởi vậy không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại coi đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1962 đình Thổ Hà đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa.

So với Đình, Chùa Thổ Hà có kiến trúc đơn giản hơn và cũng có tuổi đời cao hơn. Có tài liệu nói Chùa được xây dựng năm 1653. Tuy nhiên, trên lưng rồng đá ở hiên ghi năm mua rồng đá là 1584 tức Chùa đã có cách đây hơn 400 năm. Không cầu kỳ, sinh động trong kiến trúc và điêu khắc gỗ nhưng quy mô của Chùa khiến ta ngạc nhiên về sự bề thế của hai Tam Bảo, các hành lang, trung đường.

Hiện trong chùa còn 18 pho tượng ở Tam bảo thượng và 26 pho tượng ở Tam bảo hạ là tượng cổ, mỗi pho tượng cổ đều là những kiệt tác của nghệ thuật nặn, điêu khắc và đúc tượng của các nghệ nhân xưa.

Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ XVII (theo tấm bia còn lưu giữ thì được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5, năm 1680) thờ Khổng Tử, Tứ Phối, 72 vị tiên hiền…, nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính. Năm 1994, Văn Chỉ được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa.

Người dân làng Thổ Hà trân trọng nghề làm bánh đã nem như cách họ cẩn trọng trong từng khâu, từng bước làm bánh này. Từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh đến cắt bánh… đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, vội vàng trong bất cứ công đoạn nào đều có thể làm hỏng cả một dàn bánh.

Với những bí quyết riêng, bánh đa của làng Thổ Hà nổi danh khắp chốn. Với hơn 400 hộ gia đình gắn bó với nghề cùng tính chịu thương chịu khó của người dân nông thôn miền Bắc, đặc sản bánh đa của Thổ Hà được ưa chuộng khắp mọi vùng miền.

Tới thăm làng cổ Thổ Hà, người ta bắt gặp hình ảnh của những phên bánh đa được phơi ở bất cứ nơi đâu quanh làng quê mộc mạc này. Những mẻ bánh đa sau khi tráng xong được trải đều trên những tấm phên, đến khi khô giòn mang cất trong cót thành chồng.

Đặc thù công việc đòi hỏi khá nhiều công đoạn tỉ mỉ khiến người dân vùng đất này tất bật luôn tay. Họ mong chờ những ngày có nắng để tạo nên những thành phẩm chất lượng nhất, để làm nổi danh hơn làng nghề truyền thống của quê hương.

Bánh đa nem Thổ Hà được làm bằng gạo với các công đoạn: Gạo ngâm từ tối hôm trước, đến mờ sáng hôm sau sẽ bắt đầu xay bột, tráng bánh, rồi trải ra trên từng tấm phên tre (còn gọi là giàng). Khi mặt trời vừa rạng, các phên bánh được mang ra phơi trong khoảng 2 đến 3 giờ.

– Khi bánh đã khô, người ta bóc ra khỏi phên để cắt. Bánh được chia thành từng khúc bằng nhau sao cho vừa với máy cắt, thông thường với loại phên to thì cắt thành 7 khúc, phên bé thì cắt thành 9 khúc. Sau đó, bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy theo đơn hàng.

Tưởng chừng không cầu kỳ phức tạp, nhưng để làm được những mẻ bánh ngon lại phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm ngâm gạo và kỹ thuật tráng bánh. Quá trình phơi cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp mưa thì bánh sẽ mốc, nếu nắng to sẽ ròn, nứt vỡ.

Hiện nay, người dân làng Thổ Hà đã tráng bánh đa nem bằng máy thay vì hì hục tráng bằng tay như trước kia nên cho năng suất cao và chất lượng đồng đều hơn. Bánh đa nem Thổ Hà thành phẩm có màu trắng ngần, mùi thơm nhẹ, dẻo dai ngon miệng, nên vừa có tiếng với thị trường trong nước vừa được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mùa làm bánh bận rộn nhất ở đây kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau.

Bánh đa nem, dù mất không nhiều thời gian để hoàn thiện sản phẩm, nhưng kỹ thuật của người làm bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo.

Các sản phẩm bánh đa nem ở làng Thổ Hà đã không ngừng nâng cao chất lượng, hình mẫu đa dạng và giá cả hợp lý để phù hợp với nhu cầu người dùng cũng như hợp lý với túi tiến của người mua.

Từ tất cả những nét cổ kính trầm mặc, một bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và sự sống vẫn nhộn nhịp, những nghề truyền thống vẫn được lưu truyền, Thổ Hà như là một cây cầu nối liền hiện tại với quá khứ, là địa điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x