Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng dệt Hồi Quan

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1A, 1B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng ta tới với làng dệt Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn. Đất Hồi quan tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang, người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.

” Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”

Ẩn sau luỹ tre làng là một báu vật truyền thống đến nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển, đó chính là nghề dệt Hồi Quan.

Đến làng Hồi Quan, qua cổng làng xưa cũ, theo con đường lớn lát gạch chỉ đã mòn đi theo thời gian, du khách gặp những nếp nhà cổ kính, mái ngói rêu phong, rộn ràng tiếng thoi đưa khung cửi ở từng xóm ngõ.

Làng Dệt Hồi Quan hiện nay có khoảng 898 hộ (3.650 khẩu) thì có tới 90% làm nghề dệt, trong đó chiếm khoảng 10 % là các hộ sản xuất lớn.

Đình làng Hồi Quan -Tương Giang là một ngôi nhà to, rộng được dựng bằng 6 cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Được xây dựng từ năm Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tức năm 1715. Vì, kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi xây bít đốc hoặc làm bốn góc đầu đao cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt, tục gọi là “lưỡng long triều nguyệt” hay “lưỡng long tranh châu”.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửi. Từ xa xưa, người Hồi Quan đã có tục con gái đến tuổi trưởng thành, ai cũng đều phải biết được các công đoạn từ lúc có con sợi, mộc, cho đến khi ra vuông vải bông khổ hẹp, hay tấm lụa tơ tằm để đem đi bán ở các chợ phiên quanh vùng. Trước Cách mạng tháng Tám, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm.

Các sản phẩm được làm từ làng nghề chủ yếu là vải lụa dệt mành tre dùng trong gia đình hay khách sạn, và xuất khẩu sang nước ngoài vải làm khố, gối cho trẻ em khăn mùi xoa, khăn mặt. Ngoài ra còn các sản phẩm khác như vải trắng mềm tiệt trùng tẩy trắng dùng trong y tế.

Ban đầu, người dân Hồi Quan dệt vải bằng những khung cửi truyền thống, dệt khổ nhỏ với phương pháp thủ công để dệt vải màn, đũi, vải dày, vải màu kẻ đổ dọc, vải tơ tằm… Với tính cần cù, chịu khó cộng với đôi bàn tay khéo léo, người dân trong làng đã làm ra những sản phẩm dệt độc đáo mang sắc thái riêng, phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và các tỉnh lân cận.

Cách dệt ở Hồi Quan xưa rất lạ, ngay từ khâu chuẩn bị sợi đã lắm công phu. Người ta nối một đầu sợi với guồng rồi quay đều tay thành các cuộn sợi. Từ các cuộn sợi ấy, người thợ dùng chày đập trong 15 phút cho sợi mềm ra rồi ngâm vào nước. Sau hai ngày, họ đem cuộn sợi ra vò với cơm chín rồi đem phơi. Sau khi sợi khô sẽ được ngâm với dầu tây, mỡ lợn rồi đem vào đánh ống.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bằng sự năng động, sáng tạo, người dân trong làng phát triển thêm với các khung dệt khổ rộng kết hợp khung sử dụng máy công nghiệp để dệt các mặt hàng như: Gạc y tế, khăn trẻ sơ sinh, vải khổ rộng, sợi xe cung cấp cho nhà máy sản xuất giày dép, khăn mặt… Đồng thời, mở rộng thêm nghề dệt mành tăm và gia công quần áo trẻ em, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia.

Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân cùng sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền các cấp tạo tiền đề để làng nghề dệt Hồi Quan vững tin trên đường hội nhập, phát triển. Đồng thời, đóng góp chung vào bức tranh đa sắc màu về các làng nghề truyền thống trên vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh.

Vượt qua khó khăn, người dân làng Hồi Quan luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra những sản phẩm mới của làng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Cũng từ việc coi trọng giữ gìn nghề dệt truyền thống, người dân nơi đây đã góp phần gìn giữ nét văn hóa của quê hương và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x