Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề đúc đồng Quảng Bố

Cánh đồng bát ngát bao la
Quảng Bố nơi ấy chính là quê tôi
Quảng Phú tên xã tuyệt vời
Lương Tài tên huyện, tỉnh thời Bắc Ninh.

Thôn Quảng Bố nằm dọc Tỉnh lộ 284 phía Đông giáp thôn Phú Thọ (làng Cao), phía Tây giáp thôn Đại Bái (làng Bưởi), phía Bắc giáp thôn Quỳnh Bội (làng Bũi), phía Nam giáp thôn Ngọc Xuyên. Thôn Quảng Bố còn được gọi với cái tên dân gian là làng Vó, ngày xưa vốn thuộc huyện Lang Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Trải qua nhiều thời đại, người dân trong làng đã xây dựng và phát triển danh tiếng của làng nghề đúc đồng truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề rất tinh xảo và đa đạng, đã in dấu trên mọi miền đất nước.

Hiện nay, làng Vó có 945 hộ dân (cả hộ dân tạm trú), đã có 50 công ty đăng kí kinh doanh nhà nước, 60% các hộ dân làm nghề đúc đồng và gia công cơ khí chính xác, thu hút mỗi ngày gần 200 lượt lao động vào làng làm thuê. Lợi nhuận của các doanh nghiệp, hộ sản xuất thu được trong năm 2011 từ nghề truyền thống lên tới 80 tỷ đồng.

Làng nghề đúc đồng Quảng Bố nằm ở vị trí xung quanh có những di tích khảo cổ thuộc văn hóa đồ đồng Đông Sơn, nổi tiếng là di chỉ Lãng Ngâm ở chân dãy núi Thiên Thai.

Di chỉ Lãng Ngâm là một di chỉ khảo cổ học lớn, kéo dài từ chân núi Cả cho đến suốt cánh đồng Mả Vường, được chia làm 2 khu vực là khu mộ táng và khu cư trú. Khu mộ táng nằm ven theo chân núi Cả, khu cư trú kéo dài từ chân núi Cả ra suốt cánh đồng Mả Vường. Tuy phân bố thành 2 khu, nhưng hiện vật hoàn toàn giống nhau cả về chất liệu và trình độ chế tác. Vì vậy di chỉ Lãng Ngâm vừa là nơi cư trú đồng thời vừa là nơi mai táng.

Di chỉ Lãng Ngâm có một tầng văn hóa đồng nhất, về kỹ thuật chế tác, về chất liệu và kiểu dáng đó là một di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Đông Sơn, Tuy nhiên có một số chi tiết hơi khác với những hiện vật của những địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn đó là các loại giáo có lỗ thủng ở hai bên rìa lưỡi và loại đồ gốm có màu xám mốc. Những đặc điểm đó cho phép ta có thể xếp di chỉ Lãng Ngâm vào văn hóa Đông Sơn – loại hình Đường Cồ (di tích khảo cổ học thuộc thôn Lật Phương, xã Chí Minh, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, có hiện vật gốm màu xám mốc)

Hiện vật thu được tại di chỉ Lãng Ngâm gồm có:

Những hiện vật bằng đồng như: Rìu đồng (rìu lưỡi xéo cân xứng, rìu hình chữ nhật, rìu gót vuông, rìu xéo minh khí); giáo đồng (giáo có tiết diện hình trám dẹt); lao đồng; dao găm cán hình người; cái mổ; mảnh che ngực; dao gọt; đục đồng; nắp bình đồng, quả cân; mảnh quai trống hoặc quai thạp; trống đồng minh khí; mảnh đồng trang trí hình người, hình động vật.

Hiện vật bằng đá: Có 1 chiếc vòng đá đã bị gãy nhưng gắn lại vẫn giữ được hình dáng cũ. Chất liệu được làm bằng đá nê-frit, vòng có một khe hở cắt vuông góc với vòng tròn, hai bên khe hở có hai lỗ thủng có lẽ lỗ để buộc dây.

Hiện vật bằng gốm như: Dọi se chỉ và những mảnh đồ gốm cho thấy đây là đồ dùng và đồ đun nấu. Miệng đồ gốm rất đa dạng, đặc điểm càng lên thành miệng càng dày. Chân đế có 2 loại, chân đế thẳng và chân đế loe được trang trí bằng những đường chải dọc. Nhìn chung đồ gốm có màu xám trắng, một ít có màu xám hồng và xám đen, có 2 loại chất liệu là mịn và thô, có độ nung cao nên mảnh gốm cứng.

Để có được cuộc sống no đủ, thịnh vượng như ngày hôm nay, phải kể đến công lao to lớn của Đức Tổ Nguyễn Công Nghệ. Nguyễn Công Nghệ từng là một vị quan nhưng sau đó ông đã từ quan để về giúp dân dựng lò lập nghiệp. Ông không may qua đời vào ngày 23 tháng 8 năm Kỉ Mùi. Khi đó ông mới 36 tuổi. Dân làng đã lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ tổ nghề. Hằng năm, vào ngày này, người dân làng Vó lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ tới Đức Tổ truyền nghề. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày từ 21 đến 23 tháng 8 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần là phần lễ, rước và phần hội.

Từ xưa, làng Quảng Bố (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đã nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng. Hiện nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty mở rộng thị trường kinh doanh, sản xuất.

Từ năm 2011, số lượng công ty ở làng đã tăng lên đến con số hàng trăm, ở đủ các quy mô lớn nhỏ, chưa kể đến hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ước chừng số hộ gia đình tham gia vào nghề sản xuất cơ khí từ đồng chiếm đến 75% tổng hộ gia đình trong toàn thôn.

Do là làng nghề sản xuất các sản phẩm là chi tiết máy móc, sử dụng trong các ngành cơ khí, chế tạo nên hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đều sản xuất mặt hàng chuyên biệt khác nhau.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người dân làng Vó vẫn luôn hăng hái thi đua sản xuất đưa tên tuổi của làng nghề đúc đồng truyền thống tiếp tục phát triển theo xu hướng hội nhập. Và sẽ còn đó, những câu ca dao:

Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Làng Vó với anh thì về
Làng Vó có gốc cây đề
Có sông tắm mát có nghề nặn khuôn.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x