Làng nghề tre trúc thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh từ bao đời nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống dùng cây tre, cây trúc, cây nứa, cây mây để làm ra các sản phẩm hữu ích. Những sản phẩm thân thiện phục vụ đời sống người dân Việt.
Theo các sử liệu còn lưu giữ được nghề làm tre trúc Xuân Lai có từ lâu đời. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVII-XVIII) nơi đây đã nổi tiếng là làng nghề thủ công. Chuyên làm các mặt hàng đan nát nông cụ, làm thang, giường tre, giát giường…
Ngày nay, người dân Xuân Lai đã sáng tạo làm ra các sản phẩm như: bàn, ghế, đặc biệt là dòng tranh tre nghệ thuật đặc sắc với các chủ đề về phong cảnh và tranh dân gian phục vụ thị trường nội địa. Ngoài ra còn xuất khẩu sang thị trường các nước: Đức, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Làng nghề Mây Tre đan thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Từ bao đời nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống dùng cây tre, cây trúc, cây nứa, cây mây để làm ra các sản phẩm hữu ích. Những sản phẩm thân thiện phục vụ đời sống người dân Việt.
Để có được những sản phẩm hun khói đẹp là cả một kỳ công. Sau khi khai thác, tre trúc thường được ngâm dưới ao vài tháng để tránh mối mọt, đồng thời tăng độ dẻo dai. Trước khi được vớt lên, tre được nắn thẳng và xếp vào lò hun bằng rơm trộn đất sét. Lò chỉ có khói, không có lửa và được trát kín nhiều ngày đêm.
Tuỳ thuộc vào màu sắc yêu cầu, thời gian được điều chỉnh phù hợp: Nếu là màu nâu, thời gian sẽ ngắn hơn; màu đen bóng yêu cầu thời gian hun dài hơn và có thể phải hun nhiều lần hơn.
Tạo màu sắc mong muốn đã khó, việc sử dụng nguyên liệu tre đã hun để tạo thành các vật dụng lại càng yêu cầu tính sáng tạo và sự khéo léo của người thợ Xuân Lai. Có biết bao các sản phẩm đã được tạo ra, từ các loại, bàn, ghế, xích đu, giường, tủ kệ sách báo… cho đến các loại bình phong, đèn khay… với các kiểu dáng và kích thước khác nhau. Tất cả, đều được người thợ Xuân Lai làm một cách kỹ lưỡng tạo nên sự chắc chắn mà vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp mộc mạc của chất liệu tre hun, mang chất đặc thù, không loại nguyên liệu nào có được.
Nghề tre trúc hun khói ở Xuân Lai cũng trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nghề truyền thống của làng thu hút ít lao động tham gia, các hộ trong làng vẫn chủ yếu sống bằng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, do hiệu quả kinh tế từ sản phẩm quá thấp.
Trước nguy cơ đó, một số người con tâm huyết của làng nghề ngày đêm trăn trở, lăn lộn, tìm hướng đi mới cho sản phẩm và làng nghề.
Từ năm 1990 trở lại đây, làng nghề Xuân Lai đang ngày càng khởi sắc hơn do đã tìm được hướng đi mới đúng đắn. Đó là tập trung vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng trong nước và không ngừng tìm kiếm các thị trường tiềm năng.
Sản phẩm của làng nghề đã từng bước vươn xa, mang hình ảnh cây tre Việt đến với bạn bè thế giới, là xu hướng trang trí nội thất của nhiều công trình lớn, hiện đại, mang tính nghệ thuật và được người tiêu dùng ưa thích. Chất hoài cổ trong các sản phẩm làm từ mây tre của làng Xuân Lai – sẽ mãi mãi là những “sứ giả” mang nét văn hoá Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram