Làng Vọc nằm cuối huyện Bình Lục, cái rốn của Hà Nam nên mệnh danh là vùng đất “chiêm khê mùa thối”, quanh năm ngập nước. Nổi tiếng với nghề nấu rượu. Thứ rượu có tên dân giã chính là tên của làng, rượu làng Vọc.
Ngoài công việc chính làm ruộng, hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia ít nhiều vào nghề nấu rượu: hoặc làm men, buôn bán men, nấu rượu hay mở cửa hàng bán rượu.
Xưa kia, cuộc sống của người dân làng Vọc vất vả, bữa đói, bữa no. Lam lũ, tần tảo sớm khuya, nhưng lũ lụt triền miên cùng với chế độ phong kiến hà khắc khiến không ít người dân làng Vọc phải ngậm ngùi bỏ làng, bỏ quán phiêu bạt khắp nơi, kiếm kế sinh nhai. Chính trong những năm tháng bươn trải nơi đất khách, người dân làng Vọc đã học được một nghề để kiếm sống, đó là nghề nấu rượu. Nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nghề làm men nấu rượu của làng mới thực sự phát triển và nổi tiếng.
Cũng như bao nghề truyền thống khác, nghề nấu rượu làng Vọc cũng lắm công phu. Để có được mẻ rượu ngon, người làm nghề phải có cái tâm và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Thời tiết chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng của rượu và tháng 8 âm lịch được người làng Vọc coi là thời điểm lý tưởng để nấu rượu.
Công đoạn đầu tiên trong quy trình nấu là tạo men. Men được bào chế từ 16 đến 36 vị thuốc bắc theo một tỷ lệ nhất định. Thông thường, thời gian ủ một mẻ men sẽ vào khoảng 24 giờ (nếu thời tiết ấm) và 48 giờ (nếu thời tiết lạnh), nhiệt độ phải luôn bảo đảm ổn định từ 20 đến 25oC. Men chuẩn khi mở ra có hương thơm, màu men trắng, sau một ngày sẽ chuyển sang màu hanh vàng, có vân lăn tăn, nhẹ và tơi xốp… Gạo dùng để nấu rượu có thể là nếp hay tẻ, khi nấu hoặc đồ phải bảo đảm độ chín. Khi chín, xới ra nong để nguội, sau đó đem cho vào cong (vò sành) đậy kín bằng lá chuối hoặc nilon để ủ. Sau 48 giờ ủ, đem chưng cất 2 lần sẽ được một loại rượu 50C, trong suốt như nước mưa, lắc nhẹ thấy sủi tăm, loại rượu thượng hạng này được gọi là rượu dày hay rượu tăm.
Người dân nơi đây dùng nồi bằng đồng hoặc nồi đất nung nấu rượu để hương vị rượu đạt chuẩn nhất. Nhiều người trong làng còn cho rằng thứ làm nên hương vị đặc trưng của rượu Vọc chính là do thiên nhiên ưu đãi một nguồn nước trong lành và mát lịm. Chính vì thế, rượu làng Vọc chỉ ngon khi được nấu tại chính ngôi làng này.
Từ lâu người làng Vọc đã xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Vọc, rượu chỉ dùng men thuốc Bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hiện nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người làng Vọc vẫn cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Cầm chai rượu trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai bám chặt với nhau toả ra hương thơm ngát.
Hiện nay, có khoảng trên 200 hộ làm nghề nấu rượu ở làng Vọc đem hương vị truyền thống của con người Hà Nam đến với thị trường cả nước, đặc biệt là thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… và được du khách mua mang sang các nước Nhật, Đức, Pháp, Nga… để làm quà đồng thời cũng để quảng bá thương hiệu.
Trải qua bao thăng trầm, có thời kỳ nấu rượu bị coi là bất hợp pháp, đến thời kinh tế mở cửa, lương thực dồi dào, làng nghề dần được khôi phục và phát triển. Rượu Vọc vào Nam lên ngược, chẳng những được tiêu thụ trong nước, mà đã có mặt ở nước ngoài và là món quà quý cho du khách nước ngoài, Việt kiều mỗi khi về thăm quê.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram