Trên mảnh đất nghề Phú Yên, ngày mới thường bắt đầu bằng tiếng kêu xèn xẹt của lưỡi cưa nghiến vào thớ gỗ, tiếng đục, tiếng gõ lách cách phát ra từ hàng trăm xưởng mộc. Với người ngoài, những âm thanh tưởng chừng nhức tai ấy thực ra lại là nét đặc trưng rất thi vị mà chỉ có thể qua tiếp xúc và đồng điệu cùng người làng nghề mới thẩm thấu được.
Làng Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nức tiếng xa gần với những người thợ khéo tay, chuyên làm các đồ mỹ nghệ tinh xảo trong nghề mộc. Nhận thấy thế mạnh của địa phương mình, nhiều hộ gia đình ở đây đã liên kết lại với nhau, nhận làm các ngôi nhà cổ ở khắp nơi mang về làng dựng đã mở ra hướng đi mới để địa phương này phát triển kinh tế từ nghề mộc truyền thống.
Là một trong số những người đầu tiên nhận công việc dựng nhà cổ về cho người dân ở địa phương làm, Ông Nguyễn Chí Điền (67 tuổi), thôn Phù Yên chia sẻ, nghề dựng nhà cổ mới bắt đầu có ở làng từ năm 1991. Vào thời gian đó chiếc nhà cổ ông Điền nhận đầu tiên trong làng và cần tới 20 thợ làm dòng dã trong suốt 6 tháng mới xong.
Những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, một số người có điều kiện kinh tế có nhu cầu phục dựng và làm mới nhà giả cổ. Đây không chỉ là thú chơi đơn thuần mà còn là tín hiệu tích cực trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng nghề mộc, nề mỹ nghệ trong tỉnh đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật kết hợp tinh hoa kinh nghiệm, tay nghề vào các khâu phục dựng, làm nhà giả cổ, đem đến cho khách hàng những ngôi nhà có phong cách cổ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, hiện đại.
Theo ông Nguyễn Chí Điền (70 tuổi) ở làng mộc Phù Yên thì cho rằng, để dựng được một ngôi nhà cổ, người thợ phải “đa năng” và hội tụ nhiều hiểu biết. Nói cách khác, họ phải biết và am tường từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng. Bởi theo quan niệm xưa, một ngôi nhà đẹp, chất lượng tốt, vừa phải đảm bảo yếu tố tâm linh phong thủy. Vì vậy, người thợ cần phải am hiểu về thuật phong thủy và có tâm sáng mới làm được nghề. Theo những nghệ nhân làng nghề, việc lựa gỗ tưởng đơn giản, nhưng lại cần nguyên tắc riêng. Kinh nghiệm của người thợ nơi đây là khi chọn gỗ phải chú ý, không dùng gỗ cưa cụt ngọn, hoặc cây bị sét đánh bởi như thế sẽ làm mất lộc của gia chủ.
Ngày nay, trung bình một chiếc nhà cổ làm trong khoảng 6 tháng với trên 13 thợ đục. Người làm nhà cổ phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo để các mộng phải kín vào nhau. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ.
Bên cạnh đó, người thợ phải am hiểu các điển tích để có sự kết hợp các hoa văn một cách hài hòa. Như trong bộ tranh tứ quý, mỗi loại cây lại kết hợp với một con vật riêng. Cây tùng kết hợp với chim hạc, trúc kết hợp với chim công, mai lại phải đi với chim điểu… Mỗi chi tiết đều phải thể hiện được hồn cốt riêng để tạo nên một công trình tổng thể sống động.
Hiện nay, các loại gỗ được ưa chuộc để dựng nhà cổ thường là xoan, lim, mít. Một chiếc nhà cổ nếu được làm bằng gỗ xoan có giá từ 7 – 8 trăm triệu, gỗ lim khoảng 2 tỷ đồng, còn cao cấp dựng nhà cổ là gỗ mít thì giá thành khoảng trên 3 tỷ đồng
Được biết, hiện nay có rất nhiều địa phương ở phía Bắc cũng có nghề làm nhà cổ như Hà Nam, Nam Định, Nghệ An. Tuy nhiên, theo so sánh và đánh giá của nhiều người thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm thường có hoa văn trang trí đẹp hơn so với thợ làm nhà cổ ở các nơi khác. Cũng chính vì lý do đó nên khách hàng từ khắp nơi cũng lặn lội tìm đến làng Phù Yên để đặt nhà cổ.
Theo ông Nguyễn Xuân Vần, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên, thôn Phù Yên hiện có hơn 100 xưởng sản xuất đồ mộc, trong đó có hơn 50 hộ chuyển hướng sang làm nhà cổ, còn lại làm đồ mộc dân dụng như giường, tủ, sập, bàn ghế… Nhận thấy tầm quan trọng của nghề dựng nhà cổ, chính quyền địa phương đã thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà cổ và lập hồ sơ đệ trình lên Thành phố Hà Nội công nhận Trường Yên là làng nghề truyền thống. Một ngôi nhà truyền thống ngoài chức năng che mưa nắng còn có chức năng giáo dục. Mỗi gia đình có những giáo lý riêng làm nền tảng để phát triển và gìn giữ tổ ấm. Ai nấy đều mong có một ngôi nhà đẹp, cầu kỳ cũng là vì lẽ ấy. Với sự năng động và tài hoa trong thiết kế, phục dựng nhà giả cổ, người thợ làng Phù Yên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề mà còn góp phần “ghi danh” một thương hiệu mới qua các công trình kiến trúc phong cách cổ được người tiêu dùng đón nhận.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram