Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề đan cỏ tế xã Phú Túc

Hình thành cách đây khoảng 4 thế kỷ, nghề đan cỏ tế (hay còn gọi là guột tế) mang lại cho người dân xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cuộc sống ổn định. Dù trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng sự gắn bó, tâm huyết của bao thế hệ đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cho tới hôm nay.

Xã Phú Túc có 8 thôn thì cả 8 thôn đều làm nghề đan cỏ tế. Gồm làng nghề cỏ tế thôn Lưu Động, thôn Tư Sản, Trình Viên, Đường la, Phú Túc, Hoàng Xá, Lưu Xa và nổi bật cũng như lâu đời hơn cả là thôn Lưu Thượng. Từ người cao tuổi đến trẻ em, từ con gái đến con trai trong làng, ai ai cũng biết và say mê với nghề đan cỏ tế của cha ông để lại.

Đến Phú Túc hôm nay, đi trên con đường phơi kín sản phẩm đầy màu sắc, du khách không khỏi háo hức trước khung cảnh nên thơ của một làng nghề nổi tiếng ở “đất trăm nghề”…

Vào khoảng thế kỷ 17, dân cư ở Phú Túc còn thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại. Lúc đó, bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc an cư, lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình.

Thấy vậy, dân trong vùng học làm theo rồi tiếp tục truyền nghề từ đời này sang đời khác. Để ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ tế, người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng.

làng nghề cỏ tế Phú Túc

Cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Từ cỏ tế, người thợ Phú Túc với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như: rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống…

Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp).

Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc.

Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều.

Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.

làng nghề cỏ tế Phú Túc

Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn… để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã.

Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông…

Đến với xã Phú Túc, về các làng nghề đan cỏ tế truyền thống, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất đan cỏ tế mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Những sản phẩm rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống… với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x