Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đất nghề Ngọc Mỹ

Nằm sát thị trấn Quốc Oai, tuy không tránh khỏi quá trình đô thị hóa, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai vẫn giữ được dáng vẻ của làng quê Việt Nam truyền thống với những ngôi nhà, mái chùa cổ kính. Người dân nơi đây không chỉ giỏi làm nông nghiệp, mà còn duy trì và phát triển mạnh ngành nghề truyền thống, đời sống ngày càng sung túc. Xã Ngọc Mỹ có hai thôn Phú Mỹ và Ngọc Than, cả hai thôn đều có nghề truyền thống, làm nón, mũ lá và nghề mộc dân dụng.

Trên vùng đất xứ Đoài xưa, chùa Ngọc Than (có tên chữ là Vĩnh Khánh tự) là một di tích kiến trúc nghệ thuật quan trong của xã Ngọc Mỹ, 5 huyện Quốc Oai và của thành phố Hà Nội. Chùa hiện còn lưu giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ mang phong cách nghệ thuật độc đáo. Với trí sáng tạo phong phú, các nghệ nhân dân gian đă tạo nên ngôi chùa này mà cho đến ngày nay vẫn là niềm tự hào của mỗi người dân làng Ngọc Than. 

Trước kia, công việc chính của làng mộc Ngọc Than là làm các đồ dùng gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ và làm nhà mái chảy lợp ngói hoặc lợp tranh. Đến những năm 2000, làng nghề mới phát triển thêm chạm khắc gỗ cao cấp. Hiện nay, chạm khắc đang tạo nên tên tuổi của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu của làng giờ là đồ thờ, hoành phi, câu đối, áng văn, cuốn thư, đình, chùa cổ… Bằng sự sáng tạo và những đôi tay tài hoa, người thợ Ngọc Than đã tạo nên nhiều sản phẩm kiệt tác từ gỗ. 

Nghề chạm khắc các công đoạn đều làm thủ công. Vì vậy, khi chọn cần rất cẩn thận chọn loại gỗ ít cong vênh, có độ dẻo, dai đảm bảo khi khô không bị mối mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc sảo, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc sinh động, có hồn. Đây là nghề không đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, kiên trì, khéo léo và tâm huyết thì mới có thể chạm đến sự thăng hoa thổi hồn vào những khối gỗ, giúp chúng trở nên sống động và lan truyền cảm xúc tới người thưởng lãm.

Hiện nay, làng Ngọc Than có trên 100 xưởng mộc với quy mô lớn, quy tụ hàng trăm thợ trẻ có tay nghề cao. Tên tuổi và uy tín của làng nghề ngày càng được nhiều người biết đến, sản phẩm đã vươn ra được thị trường khó tính. Đặc biệt, trong làng đã xuất hiện nhiều “phó cả” nghề mộc có thể đảm đương được việc phục dựng các công trình nhà cổ, đình, chùa… ở khắp cả nước. Thậm chí, nhiều người thợ trong làng còn được đi thi công các công trình lớn ở nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…

Làng nghề mộc Ngọc Than có vai trò rất quan trọng với địa phương. Ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế, làng nghề còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương và một số địa phương lân cận. Đặc biệt, nhờ có nghề mà thanh niên trong làng rất chí thú làm ăn, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định. Tuy nhiên, việc thiếu mặt bằng sản xuất đang là một khó khăn lớn của làng nghề. Tới đây, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm công nghiệp làng nghề để người dân có điều kiện tốt hơn trong phát triển nghề truyền thống, xa hơn nữa là phát triển thành một địa điểm du lịch làng nghề trong tương lai.

Ngoài nghề mộc, Ngọc Mỹ còn có nghề làm nón, mũ lá ở thôn Phú Mỹ . Mặc dù mấy năm trở lại đây nhu cầu sử dụng nón, mũ lá giảm, nhưng nó vẫn là nghề “cứu tinh” cho biết bao phụ nữ lúc nông nhàn.

Ở nước ta có nhiều làng làm nón lá, trong đó những thương hiệu nổi tiếng nhất là nón Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nón quai thao (tỉnh Bắc Ninh) hay nón Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nón lá Phú Mỹ tuy không vang danh bằng nhưng lại có lịch sử lâu dài và thị trường rộng lớn.

Theo truyền thuyết, nghề làm nón lá cổ truyền của làng Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) do Thánh Mẫu (hiện thờ tại miếu Cốc) truyền dạy cho dân làng từ xa xưa. Còn theo các tư liệu thành văn thì người đem nghề làm nón, áo tơi lá về dạy cho dân làng là Tiên Nga Thánh Mẫu Huyền Dung ở thời Hậu Lê.

Nón lá Ngọc Mỹ

Người làng Phú Mỹ, nón lá Phú Mỹ nguyên thủy là nón chảo rang, có kiểu dáng riêng, không lẫn với bất cứ loại nón nào khác. Có thể hình dung: Nếu đặt ngửa chiếc nón thì nó giống như chiếc chảo rang làm bằng đất sét trắng của các lò thủ công ngày trước. Loại nón này không quá rộng vành và thẳng ngang như nón quai thao, không quá cúp sâu như nón Chuông, không quá thanh mảnh như nón Huế. Khi đội đầu, vành nón lá Phú Mỹ chỉ trên mang tai mà nón vẫn rộng, vẫn mát vì che gần kín cả hai vai. Chi tiết đáng chú ý nhất là: Giữa lòng nón có một cái khua (vòng) hình tròn, làm bằng nứa, khi đội nón thì khua ôm khít đỉnh đầu, kết hợp với quai nón làm cho nón luôn chắc chắn trên đầu. Nguyên thủy, nón chảo rang được lợp chỉ bằng một tàu lá cọ còn nguyên cuống, người ta úp lá xuống rồi khâu bằng sợi móc nên rất bền. Tuy nhiên người làm nón trước kia rất vất vả. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, người Phú Mỹ phải đi lấy lá làm nón rất xa: Lên tận Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…, có chuyến đi mất nửa tháng, cả tháng, chỉ có cách duy nhất là đi bộ, gánh bộ mà mỗi chuyến chỉ được vài chục bẹ móc hoặc một hộp lá (200 tàu lá).

Theo sách “Văn hóa làng Phú Mỹ” (NXB Lao Động, 2010), trong những năm 1960, một người làng là cụ Ba Viêm (Nguyễn Văn Viêm) đã đem cách làm nón Xuân Kiều – nón có chóp như ngày nay – về dạy cho dân làng. Từ đó, nón chảo rang cũng chấm dứt sứ mệnh. Từ chỗ là nghề phụ, nghề làm nón, mũ lá đã trở thành nghề chính của cả làng. Năm 1989, kiểu nón lá mới của Phú Mỹ theo chân 4 thương lái đầu tiên là người làng xuất hiện ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Trong năm 1992, thương lái Trung Quốc sang bắt mối và nón làng bắt đầu xuất ngoại, từ chỗ chỉ vài trăm, vài nghìn chiếc đã lên đến hàng vạn chiếc mỗi năm, chưa kể số nón xuất ngoại theo kênh của Công ty Xuất khẩu tỉnh Hà Tây. Đến cuối năm 1996, thương lái là người làng đã trực tiếp mang nón sang bán cho đầu mối bên Trung Quốc. Từ năm 1999, làng có thêm mặt hàng mũ lá “Lâm Sung” bán sang thị trường Đài Loan với số lượng hàng chục nghìn chiếc mỗi năm.

Khi chất lượng đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng thay đổi. Nhận thấy chiếc nón chóp kiểu nón làng Chuông được mọi người ưa dùng nhưng vì lợp lá nón thì không bền nên người làng Phú Mỹ đã cải biên cho phù hợp và chọn lá già để lợp nón. Lá cọ tuy già nhưng không cứng, khô như lá làm nón chảo rang. Đem tàu lá phơi khô rồi xé ra thành từng lá nhỏ bằng ngón tay cái, đem là trên lưỡi cày gang nung nóng làm cho lá vừa thẳng vừa nhẵn lại vừa bóng. Mỗi chiếc nón được lợp hai lần lá, ở giữa hai lần lá lót một lượt mo nang (bẹ của cây măng tre) cho nón thêm dày, phẳng và cứng cáp. Mặt trong của nón còn cài những hình hoa, bướm chạy quanh.

Trước đây, nón được khâu bằng sợi móc đen (lấy từ thân cây móc), bền chắc nhưng thô, ngắn nên phải nối sợi; về sau, người ta khâu bằng cước nilon sợi dài, ít phải nối, lại bền đẹp. Khâu xong, nón được tháo ra khỏi dàng (khuôn) rồi cắt bỏ lá thừa, cạp vành cái, gắn mầu (nhỏ bằng ngón chân cái, hình chóp nón) trên chóp nón để che kín đầu lá và chống dột. Nếu một người phải làm tất cả các khâu thì một ngày chỉ được vài thành phẩm; còn nếu chỉ chuyên khâu (thắt) nón thì một ngày có thể hoàn thành trên dưới 10 chiếc. Mỗi chiếc nón lá già có giá từ 30.000 đồng – 40.000 đồng tùy mức độ ken lá dày hay mỏng, khâu mau hay thưa mũi.

Rồi mấy năm trở lại đây, làng quê lại có thêm nghề mới là làm chổi chít. Hiện gia đình ông Nguyễn Chí Xuân, người đầu tiên đưa nghề về làng đã cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề; phối hợp với nhiều hộ lập các xưởng nón, mũ, chổi… tạo việc làm cho khoảng 80% số hộ thôn Phú Mỹ.

Giờ đây sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm lương thực cho người và chăn nuôi, nghề thủ công dẫu không sôi động như trước đây nhưng vẫn là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng đất Ngọc Mỹ đang chuyển mình từng ngày cùng đất nước nhờ đất nghề nuôi dưỡng.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x