Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghề đan nan cót Văn Khê

Dù chỉ là nghề phụ, nhưng đan nan cót xuất khẩu tại Văn Khê, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây vào những khi nông nhàn.

Làng đan nan cót ở thôn Văn Khê (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai) chỉ là 1 trong 16 làng nghề truyền thống của huyện Quốc Oai đang có những bước phát triển ổn định.

Thôn Văn Khê – quê hương Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 – 1473) là một trong 4 làng nghề cót nan của huyện. Nghề cót nan (đan cót, rổ, rá, giỏ, nơm, thúng, mủng, bồ…) có mặt ở Văn Khê từ những năm 1920 và phát triển hưng thịnh nhất từ những năm 1950 đến những năm 1980.

Hiện nay, huyện Quốc Oai có 61/94 làng có nghề; trong đó, 16 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 3.500 hộ dân với trên 11.400 lao động. Thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề đạt từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Nguyên liệu đan lát chính gồm tre, nứa, lồ ô… Dù có đến hàng chục mặt hàng với hàng trăm mẫu mã nhưng đều được thực hiện với 7 công đoạn chính là: Chẻ nan, vót nan, gầy, đan, đát, lận và nứt. Khâu chẻ nan: Cưa tre, nứa, lồ ô… thành từng đoạn, dùng dao chẻ ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan, với độ dày mỏng và to nhỏ khác nhau tùy theo loại sản phẩm.

Khâu vót nan: Dùng dao để vót nan, trau chuốt làm cho nan trơn láng thích hợp, mỏng và đều. Khâu gầy (gây, vào hàng): Sắp xếp các nan đầu tiên theo quy cách riêng của loại sản phẩm để tạo thành đường nét căn bản.

Khâu đan: Cách đan tùy loại sản phẩm, có thể là đan lóng (lòng) mốt (một nan đè một nan), đan lóng hai (đè qua hai nan), đan mắt cáo (hình lục giác)… Khoảng cách các nan tùy theo loại sản phẩm (thưa hoặc dày). Khâu đát, thực chất cũng là đan, thực hiện sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm và đan với nan nhỏ hơn, mắt đan dày hơn. Đây là khâu cần sự tỉ mỉ, tốn thời gian.

Khâu lận là tạo nên hình dáng của sản phẩm: Đặt phần mê lọt vào trong vành, tạo độ sâu nông khác nhau theo loại sản phẩm, sau đó cạp (cặp) vành, cắt bỏ đầu nan thừa cho miệng sản phẩm được bằng phẳng.

Khâu cuối cùng là nứt: Dùng dây mây để buộc vành trong, vành ngoài và phần mê lại với nhau bằng cách nứt đơn hay nứt kép tùy theo sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đem phơi nắng, treo ở nhà bếp hoặc hấp sấy cho khô nhằm chống mốc ẩm và mối mọt.

Đây là nghề phụ của làng được bà con làm trong những lúc nông nhàn, nhưng cho thu nhập ổn định nên giúp người dân có một cuộc sống khá giả. Mỗi năm nghề đan nan cót xuất khẩu cho gia đình thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng.

Hiện nay, làng Muôn xã Tuyết Nghĩa có khoảng 235 hộ; nhà nào cũng có từ 1 – 2 người tham gia làm nghề. Dù chỉ là nghề phụ nhưng đan nan cót xuất khẩu đang là nguồn thu chính của nhiều người dân nơi đây những khi nông nhàn. Một lao động bình thường có thể làm ra số sản phẩm quy đổi bằng tiền công khoảng 60.000 đồng/ngày.

Mặc dù nghề đan nan cót xuất khẩu đem lại thu nhập ổn định cho người dân, nhưng để phát triển bền vững cho làng nghề, thành phố cần hỗ trợ liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nan cót cũng như tiếp tục quan tâm, triển khai sâu rộng, thường xuyên các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề, hướng tới việc phát triển, mở rộng những công xưởng đan nan cót có quy mô lớn hơn. Đó là cách tốt nhất để phát huy hiệu quả kinh tế của làng nghề truyền thống, thu hút lao động và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x