Chàng Sơn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với những chiếc quạt tay thủ công sáng tạo và tinh xảo. Mặc dù đã tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng làng nghề Chàng Sơn luôn khéo léo chuyển mình theo sự phát triển của đất nước, vừa giữ gìn và kế nghiệp quê cha đất tổ, vừa phát huy mạnh mẽ tinh hoa văn hoá quê hương. Đến Chàng Sơn, bạn không chỉ được tham quan các quy trình sản xuất quạt tay truyền thống, mà còn được mục sở thị phong cảnh làng quê đậm nét cổ xưa mà người dân Chàng Sơn bao năm gắng mình gìn giữ trước sự thay đổi không ngừng của đất nước.
Cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây bắc, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, Chàng Sơn chầm chậm hiện lên trước mắt du khách sinh động với cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói, cổng làng cùng vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng.
Quạt Chàng Sơn và quá trình phát triển làng
Chiếc quạt ở Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã được gắn với rất nhiều huyền tích, trong đó nổi lên là câu chuyện ngày xưa có “hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền. Người dân trong làng cũng truyền miệng câu thơ:
“Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên
Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền
Phiền tâm quạt, tay đưa gió
Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”
Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Người làm quạt giỏi được phong chức Bá Hộ, một phẩm hàm cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến.
Trước đây khi Nhà nước còn bao cấp, xã Chàng Sơn là một tổ hợp sản xuất quạt giấy chuyên nghiệp, phân phát đi khắp nơi và được Nhà nước bảo trợ. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều người làm quạt giấy trong làng phải bỏ nghề do không có thị trường tiêu thụ, chỉ còn ít người quyết tâm bám trụ với nghề, không ngại khó, ngại khổ để tìm hướng đi cho nghề cũ của làng.
Người đã có công khôi phục làng quạt truyền thống phải kể đến ông Dương Văn Mơ. Cùng trong thời điểm nghề làm quạt ở Chàng Sơn trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục hội lễ truyền thống ở địa bàn các xã quanh Chàng Sơn ngày càng lan rộng. Biết tiếng của ông Mơ, đền thờ làng Bùng đã mời ông phục dựng lại chiếc quạt thờ đã bị mối mọt để dân làng Bùng, xã Canh Nậu cúng tế trong những ngày lễ hội. Công việc phục chế quạt thờ là mốc khởi nghiệp cho việc sản xuất quạt hàng loạt sau này của ông Mơ, bởi bên cạnh việc phục chế quạt, ông còn nhận làm quạt thủ công mỹ nghệ cho những đơn đặt hàng của công ty du lịch, quạt the, quạt lượt cho đoàn nghệ thuật và phục vụ hội lễ, đặc biệt cả quạt tranh, một loại quạt do ông sáng tạo ra để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách hàng và đa dạng hóa mẫu mã mặt hàng quạt của gia đình. Cùng với việc đổi mới trong mẫu mã, chủng loại quạt, nguyên liệu làm quạt cũng được ông Mơ cải tiến cho phù hợp, để giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những nét tinh xảo đặc trưng của quạt Chàng Sơn.
Công đoạn để tạo nên chiếc quạt thủ công ở Chàng Sơn
Khi bước vào nhà của các nghệ nhân làm quạt trong làng nghề Chàng Sơn, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một gian hàng thủ công đầy mầu sắc, với sự góp mặt của đủ loại quạt: quạt giấy, quạt the, quạt lượt và cả quạt tranh… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quạt the.
Những nguyên liệu làm nên một chiếc quạt thủ công ở Chàng Sơn cơ bản đều gồm có: tre, giấy hoặc vải, hồ và đinh suốt. Đầu tiên, để có được một chiếc quạt ưng ý, người nghệ nhân Chàng Sơn phải bỏ công chọn từng ống tre, đạt 3 chuẩn: dẻo, già, không mối mọt để làm nan quạt. Các ống tre này sẽ được cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre và được đem ngâm kỹ trong nước từ 4 đến 5 tháng.
Tiếp theo, các khúc tre được chẻ nhỏ, vót thành nan trơn hay được chạm khắc cầu kỳ theo những yêu cầu của các đơn đặt hàng. Sau đó, các nghệ nhân Chàng Sơn sẽ suốt đinh những thanh tre vót mỏng và đều nhau thành hình vòng cung. Bao bọc các nan tre cẩn thận bằng tấm giấy dó hoặc vải đã được cắt sẵn và sử dụng hồ kết dính thật chắc chắn.
Ngày trước, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh và nhựa quả cậy để làm quạt. Nhưng ngày nay, cả hai nguyên liệu này đều hiếm, nhất là nhựa quả cậy, thêm nữa, nhu cầu về quạt giấy dó không lớn vì giá thành cao, do đó, loại quạt này đã dần mất đi. Chỉ khi có khách hàng đặt riêng, một số nghệ nhân có tiếng trong làng mới làm, và theo họ, giấy dó hiện tại cũng chỉ là loại giấy dó tái sinh, không giữ được vẻ mịn màng của giấy dó nguyên chất như trước. Thay vào đó, quạt Chàng Sơn hiện nay được sản xuất từ loại giấy Bãi Bằng để mộc hay nhuộm màu, tạo vẻ sặc sỡ, tươi vui cho những chiếc quạt xoè của lễ hội. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh.
Còn đối với quạt the, loại nguyên liệu được nghệ nhân Chàng Sơn sử dụng hiện nay là voan Trung Quốc, mua buôn từ chợ Đồng Xuân. Loại voan này mỏng hơn loại the làm quai thao của làng Triều Khúc một chút, nhưng mặt voan dệt se, khít và rất mịn. Thời bao cấp, nghệ nhân Chàng Sơn cũng từng sử dụng the của làng Vạn Phúc và lượt của làng Bùng bên cạnh, song kỹ thuật dệt của hai làng này lại tạo ra mặt vải hơi thưa, không thích hợp lắm với việc làm quạt. Hiện nay, do tìm được nguồn nguyên liệu mới, loại voan máng và nhẹ hơn, lại khá kinh tế, nghệ nhân Chàng Sơn đã khắc phục được phần lớn những nhược điểm gặp phải khi sử dụng the và lượt làm quạt trước đây như: tạo gió không đều, cầm nặng tay…
Quạt tranh là loại quạt khó làm hơn cả. Kích cỡ và thể tài của quạt tranh khá đa dạng, nên quạt tranh có thể cầm tay hay treo trong nhà như một kiểu trang trí nội thất. Kỹ thuật làm quạt tranh phức tạp hơn nhiều so với làm quạt giấy hay quạt the thông thường. Tranh được vẽ trên lụa, và đôi khi còn được thêu ren trước khi gắn vào nan quạt. Đề tài trên quạt tranh khá phong phú, thường là các tích cổ Trung Quốc, tranh phong cảnh, nền để trắng tự nhiên hoặc tô màu. Để tạo ra một chiếc quạt tranh, nghệ nhân Chàng Sơn không chỉ có bàn tay khéo léo, tài hoa, mà còn phải có khả năng sáng tạo và cảm thụ hội hoạ tốt.
Sau đó, các nghệ nhân Chàng Sơn sẽ trang trí quạt bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như đối với tranh giấy, họ sẽ vẽ tranh lên quạt, viết chữ thư pháp, gim những lỗ li ti trên quạt thành những hình hoa văn thú vị,… Còn đối với quạt vải thì các nghệ nhân Chàng Sơn thường thêu lên quạt hoặc ép những hình thêu vào giữa 2 lớp vải, thỉnh thoảng họ cũng vẽ lên quạt vải những bức hoạ ước lệ như ở quạt giấy.
Và cuối cùng là công đoạn phơi quạt, có hộ bắt sào phơi, có hộ xếp giá, hộ lại phơi sân, hộ xếp dọc ngõ làng khiến cho cả Chàng Sơn mỗi độ trưa nắng bừng lên những sắc màu rực rỡ. Đây là thời điểm đặc biệt hấp dẫn các nhiếp ảnh gia, họ tranh thủ di dọc các ngõ để bắt kịp những khoảng khắc tuyệt đẹp ở Chàng Sơn.
Chiếc quạt ở Chàng Sơn là sản phẩm tinh tế của tư duy những người nghệ nhân nơi đây, không chỉ thuần túy với tính năng quạt mát mà với người Việt nó chứa cả những giá trị tinh thần sâu sắc. Quạt Chàng Sơn có thể dùng làm: quà tặng, công cụ múa, vật dụng trang trí, thời trang, triển lãm nghệ thuật, công cụ truyền thông,…
Với lòng quyết tâm và sự cố gắng không mệt mỏi của nhiều nghệ nhân trong làng vào những năm đất nước đổi mới, tưởng chừng làng nghề Chàng Sơn sẽ mai một trong quên lãng, nay nghề làm quạt truyền thống ở Chàng Sơn lại từ nghề phụ trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho dân làng. Giúp Chàng Sơn đạt được một số thành tựu nhất định như: tham gia triển lãm quạt tại lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sản xuất được chiếc quạt dài 9m, cao 4,5m, vẽ tranh chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố Hàng Trống và kỷ lục lớn nhất Việt Nam, thị trường cung cấp quạt của Chàng Sơn được mở rộng sang các nước Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp,…
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram