Cách Quốc lộ 1A chỉ vài cây số, làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm lược và những sản phẩm chế tác từ sừng trâu, bò… Không chỉ là làng nghề độc đáo, với bàn tay tài hoa, người dân Thụy Ứng còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò để xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
“Lược sừng Thụy Ứng chàng ơi!
Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua”
Không phải vô cớ mà người làng Thụy Ứng được mệnh danh là những người “thổi hồn vào sừng”. Hàng trăm năm nay, nơi đây vẫn tự hào là nơi làm ra những chiếc lược sừng trâu, bò vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Nghề làm lược ở Thụy Ứng ra đời cách đây khoảng trên 400 năm. Người dân làng không rõ tên tuổi vị tổ nghề lược, chỉ biết rằng ông họ Trần và là cháu cụ Trần Đắc (một vị quan chính trực đời Lê Trang Tông). Tương truyền ông tổ nghề đi xa quê học nghề làm lược. Khi về quê nghe tin cụ Trần Đắc bị bức hại, lo nguy hiểm cho tính mạng, ông liền dời làng mai danh ẩn tích một thời gian rồi mới về truyền nghề cho dân làng, nhưng không tiết lộ danh tính. Truyền nghề xong, ông lại dời quê ra đi. Có lẽ như thế mà dân làng Thụy Ứng không rõ tên tuổi Tổ nghề.
Sau khi ông tổ nghề truyền dạy, dân làng đã duy trì và phát huy nghề làm lược từ đời này qua đời khác, lúc đầu chiếc lược có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi. Xia kia lược được làm bằng gỗ, sau chuyển sang làm bằng sừng. So với làm lược bằng gỗ, làm lược bằng sừng, dụng cụ và công đoạn nhiều gấp đôi, kỹ thuật kiểu dáng đa dạng và phức tạp hơn nhiều.
Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải tỉ mỉ, kỳ công với hàng chục công đoạn khác nhau, sừng trâu, bò mua về và được rút bỏ phần lõi, người thợ cưa thành từng khúc, mỗi khúc dài ngắn tùy thuộc vào độ dài của từng loại lược. Sau đó xử lý bằng nhiệt để làm mềm, ép phẳng, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi, từ chiếc phôi người thợ sẽ chế tác thông qua các công đoạn: Làm răng, chạm khắc những họa tiết, sau đó đánh bóng để giữ màu sừng tự nhiên, tạo thành những sản phẩm có tính thẩm mĩ cao.
Ngày nay, trước nhu cầu thị trường, người thợ Thụy Ứng đã sáng tạo ra mặt hàng mới, phục vụ trong sinh hoạt đời sống như thìa, ấm, chén, bát uống nước trà, be rượu, ống tăm, gạt tàn thuốc lá, lót đón gót giày, ống đũa, và các đồ trang sức làm đẹp như vòng tay, vòng cổ khuyên tai, các hộp đựng đồ xinh xắn. Đặc biệt, nhiều thợ khéo tay đã sáng tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ bằng chất liệu sừng như con tôm, con rồng, phượng hoàng, con đại bàng, hộp đựng đồ trang sức và các con giống như chuồn chuồn, thạch sùng để gắn vào túi xách và treo tường trang trí ở các nhà hàng, khách sạn, công sở….
Từ sản xuất bằng thủ công, đến nay người thợ Thụy Ứng đã áp dụng theo dây chuyền công nghiệp: Dùng máy cưa để cắt sừng, máy thủy lực để ép các đoạn sừng và móng sừng thành phôi, dùng máy cưa để tách phôi, dùng mô tơ điện để chà cho nhẵn, dùng máy cắt răng lược, sau đó đưa sang máy cắt tỉa răng và cuối cùng dùng mô tơ chuốt bóng chiếc lược. Mặc du nghề làm lược sừng được cơ giới hoá một số khâu, nhưng điều quyết định chất lượng sản phẩm vẫn là bàn tay, khối óc sáng tạo của người thợ thủ công. Những sản phẩm lược sừng Thụy Ứng không chỉ được người trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu tại các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ, Singapo, Campuchia, Thái Lan…
Mặc cho thời gian cứ trôi, nghề điêu khắc sừng ở làng nghề Thụy Ứng vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi thế hệ đều có tính kế thừa và sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngày nay, bất cứ du khách nào đến thăm Thụy Ứng cũng sẽ nhận thấy nghề điêu khắc sừng ở đây đang ngày càng phát triển bởi chính những người thợ đã luôn tiếp lửa và làm nó thăng hoa trong 400 năm qua.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram