Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề làm chăn ga gối đệm Trát Cầu

Làng Trát Cầu, thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín nằm bên bờ sông Nhuệ, là làng quê trù phú, sung túc vì có nghề phụ truyền thống, quanh năm không hết việc. Trát Cầu chuyên làm mặt hàng chăn, gối, đệm bằng bông thiên nhiên, bông gạo, bông gòn. Nhà nào cũng biết nghề. Khắp làng rộn ràng tiếng máy cào, làm ra những tựa bông dài nõn nà, trắng xốp như hoa tuyết.

Theo thống kê, làng Trát Cầu có khoảng 50 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất của hộ gia đình làm nghề, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm. Làng nghề phát triển mang theo công việc cho nhiều người dân địa phương và khu vực lân cận. Được biết thu nhập của các cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm tại làng Trát Cầu tùy vào quy mô. Nhưng ít nhất cũng khoảng từ 100 – 150 triệu đồng/cơ sở/năm. Nếu cơ sở, doanh nghiệp có quy mô lớn có thể thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm

Đền Trát Cầu, căn cứ vào ngọc phả, đền xuất hiện vào thế kỷ XIV, thời Trần, thờ thần Cầu Mang. Với những giá trị của mình, năm 2002, đền Trát Cầu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

làng Trát Cầu

Đền Trát Cầu nằm trên trục làng Trát Cầu đi về Ngọc Động, cổng đền là một công trình kiến trúc được tôn tạo thời gian gần đây, theo phác đồ thiết kế kiểu cổng tam quan có ba cửa, cửa chính và hai cửa hai bên. Phía trên mái làm kiểu hai tầng tám mái đao cong. Tầng trên nhẹ biểu trưng cho dương, tầng dưới rộng bản nặng nề biểu trưng cho âm. Hệ thống mái hài hòa, phân cách bởi phần cổ ngỗng chấn song con tiện ở chính giữa là tấm hoàng phi ghi 3 chữ “Linh Hưng tự”. Trên bờ nóc là mặt nguyệt có nhiều tia lửa, kìm bờ nóc và các góc đao đắp hình rồng theo lối truyền thống tạo nên cảm giác gần gũi cho người đến tham quan lễ bái.

Theo ghi chép tại Phả tích các dòng họ ở địa phương, thì làng Trát Cầu hình thành cách đây hàng nghìn năm. Cũng như bao làng quê xưa nằm gần Kinh Thành Thăng Long đều có nghề truyền thống đặc trưng, làng Trát Cầu có nghề bật bông, se sợi, dệt chăn có từ bao đời nay. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng nghề có từ cổ xưa. Người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông, với cây sa cán và dây cung,mỗi nhóm 2 người Trát Cầu đi khắp Bắc – Trung – Nam, ai thuê là làm ngay tại nhà.

làng Trát Cầu

Vốn là những người thợ thông minh không ngừng sáng tạo, sau năm 1945, người dân Trát Cầu đã cải tiến những máy dệt tải của Nhật để lại thành những máy làm chăn gối. Thế là máy móc về Trát Cầu từ đó. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân trong làng vẫn lưu giữ những kỹ thuật làm chăn bông, gối đệm đặc thù, tinh tế.

Trải qua các triều vua chúa thời phong kiến, làng Trát Cầu được ban 12 Sắc phong. Minh chứng cho làng nghề là phố Hàng Bông – một trong 36 phố phường cổ xưa của Hà Nội, ở đây có nhiều người dân làng Trát Cầu tới làm nghề. Nếu ai đã từng thấy nghề bật bông thì nghĩ ngay tới làng nghề Trát Cầu, người dân của làng đi khắp mọi miền đất nước để làm chăn, áo bông…

Hiện nay, làng Trát Cầu đã trở thành một trong những đầu mối cung cấp các sản phẩm chăn ga gối đệm lớn nhất trong cả nước, ở đây hình thành phố nghề sầm uất, với hàng trăm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trong làng làm ra. Đến đây khách hàng có thể tìm mua bất kỳ những sản phẩm chăn ga gối đệm 4 mùa, có mức giá thành từ bình dân đến cao cấp. Ngoài ra, làng nghề còn cung cấp nhiều nguyên liệu phụ kiện đáp ứng cho các cơ sở sản xuất khác trong cả nước có nhu cầu.

làng Trát Cầu

Để làm ra một chiếc chăn bông loại tốt phải mất khá nhiều sức lực, phải qua 20 công đoạn mới thành được một tấm chăm đắp cho bạn trong mùa đông giá buốt. Ðầu tiên, người ta dùng máy thủ công để tách hạt và hoa bông, sau đó dùng dây cung để bật cho những sợi bông tơi thành những tựa bông dài. Lại dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng hẹp theo cữ chăn, nhưng phải làm quá mỗi chiều 20 phân để gấp bìa. Lải xong lại phải teng mặt cho lớp lông tơ bên trên thật mịn và xốp. Công đoạn dùng sợi để mạng thành 4 cấp mới là công việc đòi hỏi khéo tay và kĩ thuật cao. Chỉ cần những hạt sợi mảnh mà không cần vải xô trần.

Sau khi hoàn thành công đoạn này phải dùng bàn xoa bằng gỗ da du có mặt hơi gai để ngọn bông quyện với sợi mạng. Mặt sau mền bông cũng phải lải, gấp bìa, mạng sợi, xoa…rồi mới lồng vải hoa hoặc satanh màu mỏng để làm vỏ. Cuối cùng là chần chăn theo lối quả trám hoặc theo các họa tiết trang trí. Một chiếc chăn bông làm đúng các quy trình truyền thống, bạn có thể dùng vài chục năm mới phải bật lại.

Nhanh nhạy bắt kịp xu hướng của thị trường, từ sản phẩm chăn bông truyền thống, đến nay làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín đã mở rộng sản phẩm sang chăn, ga, gối, đệm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt không những đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần bảo tồn gìn giữ giá trị làng nghề truyền thống.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x