Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề dệt màn Hòa Xá

Trên mảnh đất “Hà Tây quê lụa”, thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội ngày nay, không quá khó để tìm lại những dáng nét xưa của một làng Việt cổ Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình… Nhỏ xinh, gọn ghẽ như một chiếc thoi nằm kề bên dải lụa đào là con sông Đáy uốn lượn mềm mại ở phía tây nam huyện Ứng Hòa, Hòa Xá là một ngôi làng như vậy.

Nghề truyền thống trồng bông dệt vải, dệt màn của Hòa Xá, tương truyền xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, do một vị tướng nhà Đinh là Nguyễn Đức Chính truyền dạy. Đến thời Pháp thuộc, thợ thủ công Hòa Xá lại học thêm được kỹ thuật dệt vải màn của phương Tây, cải tiến và phát triển nghề dệt ngày càng thịnh đạt. Trong kháng chiến, Hòa Xá là nơi chuyên sản xuất, cung cấp cho quân đội ta màn xô chống muỗi và băng, gạc y tế. Vào những thời kỳ cao điểm, cả làng có đến hơn 70% số hộ làm nghề với khoảng 700 khung dệt thủ công, mỗi năm xuất xưởng gần 20 triệu m2 sản phẩm. Sau khi thống nhất đất nước và bước vào giai đoạn xóa bỏ bao cấp, làng nghề không còn nhộn nhịp như trước. Thay vào đó, thợ thủ công Hòa Xá đã từng bước đầu tư sản xuất hiện đại, khung cửi dệt tay thô sơ được thay thế bằng máy dệt chạy điện, cho năng suất tăng gấp ba lần so với thời kỳ trước.

Khoảng thời gian nghề dệt phát triển nhất là vào thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xã có 400 đến 500 hộ gia đình làm nghề với gần 700 khung dệt thủ công, mỗi năm dệt gần 19 triệu mét màn. Màn dệt thời kỳ này được làm từ sợi bông, nên chất lượng mềm, dày và bền hơn so với hiện nay. Khổ rộng màn quy định từ 1m8 đến 2m, chiều dài tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi người. Để tạo ra những khổ màn phải trải qua rất nhiều công đoạn và liên tục trong vòng nửa tháng mới thành vòng màn từ 200-400m bởi thiết bị còn thô sơ. Hiện nay, các máy dệt đã hiện đại hơn, không còn thô sơ như trước, thời kì trước để xong 400m cần nửa tháng nhưng bây giờ 10 ngày đã được một cuộn màn 1.200m.

  Không chỉ thời gian thay đổi mà chất liệu sử dụng cũng như quy trình dệt màn cũng đổi thay. Chất liệu được sử dụng bây giờ chủ yếu là sợi hóa học và sợi tơ. Để dệt màn cần rất nhiều công đoạn, có 9 khâu, trong đó khâu quan trọng nhất là hồ màn và phơi màn. Nếu như trước kia, hồ màn bằng cơm thì giờ bằng sắn. Ngày nay, màn phải hồ qua rất nhiều lần, vì nếu không đủ bột và phèn thì màn sẽ xấu và bị mềm.

Là làng nghề có bề dày truyền thống nên sản phẩm dệt của Hòa Xá vẫn được gìn giữ và mang đậm giá trị cổ truyền cả về mẫu mã lẫn chất liệu, trong khi người tiêu dùng đã chuyển sang dùng màn tuyn vừa sạch, đẹp, vừa bền hơn.

Hiện nay, Hòa Xá đang thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích các hộ gia đình khôi phục lại hoạt động sản xuất, tìm nguồn cung ứng ổn định, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời chủ động tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới. Thời gian tới, với sự nỗ lực của chính quyền cũng như của người dân nơi đây, hy vọng nghề dệt màn của Hòa Xá sẽ phát triển mạnh trở lại, góp phần lưu giữ nghề truyền thống của địa phương.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

4 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x