Cách trung tâm Hà Nội chừng 50km có một ngôi làng nhỏ nằm trên rẻo đất cuối cùng của Thành phố nổi tiếng là nơi chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc có bề dày khoảng 200 năm tuổi. Đó là làng Đào Xá, thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng trong cả nước khi còn giữ được nghề truyền thống tới ngày nay.
Tuy nhiên, cũng có một thời gian nghề làm đàn bị chững lại. Đó là do các giai đoạn của chiến tranh và theo mạch lịch sử của đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghề làm đàn phát triển mạnh. Sau khi giải phóng miền Nam xong, thì nghề này gần như là không còn nữa. Nguyên nhân do sản xuất ra không có người tiêu dùng, cũng không có người tiếp nối.
Cho đến những năm 90, khi nhà nước khôi phục lại làng nghề truyền thống, thì nghề này mới được đánh thức trở lại.
Người trong làng kể rằng, Nghề làm đàn ở Đào Xá đã có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan vốn có “máu” nghệ sỹ, lại ham học hỏi nên cụ đã lặn lội đi tìm học nghề mộc sau đó học nghề làm đàn rồi mang về làng sáng lập dạy nghề cho bà con địa phương”.
Hiện nay ở làng Đào Xá vẫn có nhà thờ tổ nghề làm đàn. Hàng năm vào ngày giỗ tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.
Đối với những nghệ nhận làng đàn Đào Xá, nghề làm đàn là nghề tốn lắm công phu. Người thợ phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Từ chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thành… tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống của người xưa.
Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. Người thợ vừa phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất định.
Đối với người thợ làm nghề để cho ra được sản phẩm một chiếc đàn như ý thì phải có tính cẩn thận, kiên trì, sự khéo léo và chăm chỉ. Quá trình hoàn thiện cho ra một cây đàn thì khâu đầu tiên là lựa chọn nguyên liệu. Gỗ làm thành đàn, cần đàn phải là gỗ trắc; gỗ làm mặt đàn phải là gỗ vông (có nơi gọi là cây ngô đồng).
Gỗ xẻ ra phải làm khô trước khi sử dụng để tránh bị co ngót, cong vênh; phím đàn phải làm bằng tre già; sử dụng sơn ta để gắn các bộ phận đàn với nhau…
Hiện nay, máy móc có thể tham gia một số công đoạn nhưng cơ bản người thợ vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây… cho đến khâu cuối cùng là tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn.
Sản phẩm đàn của làng Đào Xá cũng rất đa dạng từ cây đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu… đều có cả.
Giờ đây, làng Đào Xá đã phát triển hơn xưa, nhưng nếp sống và cách sinh hoạt của người dân từ bao đời vẫn vậy. Những người “nông dân nghệ sỹ” của làng nghề vẫn miệt mài gửi vào cây đàn những gì tinh tuý nhất của tâm hồn mà quê hương đã vun đắp cho họ để giữ lấy tổ nghiệp cha ông.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram