Làng nghề làm gốm Chu Đậu nằm ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương ở tả ngạn của con sông Thái Bình. Sau hơn 500 năm thất truyền, nay nghề gốm đã và đang phục hưng lại và nơi đây trở thành điểm du lịch làng nghề độc đáo.
Đến đây, du khách sẽ được tham quan showroom, tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất và đặc biệt tận tay tham gia vào quá trình sản xuất như nặn, vẽ, viết,… lên sản phẩm và cảm nhận vẻ đẹp mang đậm hồn đất Việt. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng quốc gia trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan… và trong sưu tập cá nhân của nhiều nước trên thế giới.
Làng nghề này được hình thành từ thế kỷ 14 và phát triển cực thịnh trong thế kỉ 15 và 16. Làng gốm chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”. Gốm Chu Đậu đương thời đạt được tinh hoa kỹ thuật cao nhất của Gốm Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy đây không phải dòng gốm được sử dụng phổ thông, mà là được sản xuất với chức năng “ngự dụng”, tức là dành cho vua dùng và để xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Các sản phẩm gốm của Chu Đậu gồm: bát, đĩa, ấm, chén, bình, âu, liễn, chậu, bình vôi, lư hương … với hình dáng được chắt lọc kế thừa sự thanh thoát của thời Lý, chắc khoẻ của thời Trần. Các loại men nổi tiếng một thời của Chu Đậu được biết đến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm, men tam thái (được vẽ bằng ba màu men là xanh lục, đỏ và vàng).
Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác. Người thợ gốm xưa đã thổi hồn dân tộc vào những nét hoa văn phong phú, phản ánh sinh động thiên nhiên vào cuộc sống dân dã: hình người đội nón, áo dài, mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa đào, đàn chim ngói, chim cu bay trên cánh đồng… Phương pháp chế tạo và kỹ thuật của Chu Đậu đã đạt trình độ cao: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều đoạn rồi lắp ghép lại, gia công bằng cách đắp nối, vẽ, khắc, vạch, nặn, đúc.
Khoảng từ thế kỉ thứ 13 đến thế kỉ thứ 17, gốm sứ Chu Đậu theo chân các thương thuyền Nhật Bản qua cửa Phố Hiến (TP Hưng Yên bây giờ) đi khắp thế giới. Gốm Chu Đậu từng được xuất khẩu đi các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15. Phong cách gốm Chu Đậu đã đưa gốm sứ Việt Nam lên đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật mà nhiều nước trên thế giới đến nay vẫn còn khâm phục. Lọ gốm hoa lam cổ của Chu Đậu từng được bán đấu giá với giá trúng thầu lên tới 521.000 USD.
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý – Trần – Lê – Mạc. Năm 1593, do chiến tranh Trịnh Mạc xảy ra đã tàn phá vùng Nam Sách,nghề làm gốm ở Chu Đậu dần bị mai một và thất truyền từ đó.
Năm 1980, ông Makoto Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong một chuyến đi châu Âu đã bất ngờ phát hiện tại Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) có trưng bày một bình gốm Hoa Lam cao 56cm trên có dòng chữ “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, Tương nhân Bùi Thị Hý bút”. Ông liên lạc với Tỉnh ủy Hải Dương lúc đó do ông Ngô Duy Đông làm Bí thư. Một cuộc khai quật rộng lớn đã diễn ra trên địa phận hai xã Minh Tân và Thái Tân, huyện Nam Sách và cả một kho di tích khổng lồ về gốm sứ đã hiện ra trước sự kinh ngạc của dân làng và khách quốc tế. Thì ra đây chính là quê hương của gốm men rạn danh bất hư truyền. Một ý tưởng phục hồi làng nghề Chu Đậu được hé mở.
Nhưng ở thế kỷ thứ 20 khi công nghệ phát triển, không thể làm thủ công như bà tổ Bùi Thị Hý nữa, hay sản xuất nhỏ kiểu hợp tác xã, tổ sản xuất như Bát Tràng. May thay có ông Nguyễn Huy Thắng, người quê gốc Chu Đậu, lãnh đạo Công ty Thương mại Hapro Hà Nội quyết tâm thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng cũng đầy triển vọng. Một công xưởng rộng hơn 30.000m2 được tỉnh giao cho Hapro xây dựng bao gồm nhà trưng bày, nhà thờ bà Tổ nghề Bùi Thị Hý, nhiều nhà sản xuất rộng lớn với các máy móc thiết bị chuyên dụng, các lò nung và công viên.
Trong xã hội phong kiến của Thế kỷ 15 khi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào tiềm thức và cuộc sống của người dân Việt Nam, khi những người phụ nữ thời đại đó chỉ biết “an phận thủ thường” thì bà Bùi Thị Hý đã có những suy nghĩ và hành động mà thời bấy giờ rất hiếm người nào dám nghĩ tới.
Ngay từ thuở nhỏ, doanh nhân Bùi Thị Hý đã là người ham học, ham hiểu biết. Bà không chỉ thông kinh sử, giỏi thơ phú, giỏi vẽ mà còn là người thích võ và trượng nghĩa. Chuyện xưa kể lại trong một lần thi vẽ có ra đề quy định, khi ba tiếng trống dứt, ai vẽ xong trước và đẹp nhất ba con chim thì sẽ được thưởng một con trâu. Kỳ thi này, bà đã giành giải nhất. Nhiều thông tin cũng truyền lại, bà cũng như nữ tiến sĩ Bùi Thị Duệ từng giả trai đi thi khoa bảng. Tuy nhiên, khi thi đến tan trường thì bà bị phát hiện thân phận, nhờ là cháu danh tướng Bùi Quốc Hưng nên không bị phạt nặng nhưng phải về quê.
Sau khi lấy chồng là ông Đặng Sĩ – một đại gia ở làng Chu Đậu, bà theo chồng về quê ở trang Chu, cùng chồng dựng lò làm nghề chế tác đồ sứ bán cho các thương nhân trong và ngoài nước.
Thông minh, bản lĩnh và nhạy bén, nhận thấy việc buôn bán với nước ngoài thu được nhiều tiền hơn, ông bà đã mang hàng đi nhiều nước để giao thương. Trong một chuyến đi, đoàn thuyền của ông Đặng Sĩ gặp bão và ông chết trên Biển Đông. Trong suốt ba năm chịu tang, nỗi đau mất chồng vẫn không làm tan được ước mơ sáng tạo và để quên đi nỗi đau đó, bà lao vào truyền nghề và làm ra nhiều sản phẩm mới với sức sáng tạo không ngờ.
Gốm Chu Đậu dưới bàn tay tài hoa của bà Bùi Thị Hý có những nét đặc trưng riêng của Chu Đậu và cũng là những nét đặc sắc của người Việt thể hiện ở màu men và họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng thông điệp nhiều ý nghĩa, mong muốn của người nghệ nhân cho cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.
Khâm phục tài năng và ý chí của một người phụ nữ đã ở độ ngoài 40 khi chứng kiến bà một tay gây dựng sản phẩm Gốm tinh hoa hiếm có, một doanh nhân khác ở làng Chu Đậu là ông Đặng Phúc đã đem lòng quý mến và kết hôn cùng bà. Từ đó bà và ông Đặng Phúc tiếp tục phát triển Gốm Chu đậu lớn mạnh hơn.
Trong tài liệu gia phả của dòng họ Bùi có viết về bà như sau: “Tam phiên vi chủ thương đoàn cập quốc ngoại hoán giao, đặc phẩm”, nghĩa là ba lần bà đi đến các nước để bán những sản phẩm đặc sắc do tay bà làm ra. Nhiều thông tin cho biết thêm, bà Hý biết tiếng Trung, Nhật và phương Tây, còn kết bạn với cháu gái nhà hàng hải nổi tiếng thế kỷ XV của Trung Quốc là Trịnh Hòa.
Doanh nhân, nghệ nhân Bùi Thị Hý là người có đầu óc sáng tạo vẽ kỹ thuật, mỹ thuật kỳ tài bậc nhất của gốm Chu Đậu. Bàn tay tài hoa của bà cùng các nghệ nhân đã tạo cho dòng gốm Chu Đậu đạt tới trình độ tuyệt mỹ: Đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn trang trí tinh xảo; thể hiện rõ tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật trong tâm hồn và phong cách con người Việt Nam.
Trong một lần làm ra chiếc bình gốm hoa lam, Bà đã phóng bút viết vào sản phẩm “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Sản phẩm đó lưu lạc đến tận Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng chính từ chiếc bình đó, nguồn gốc Gốm Chu đậu sau nhiều cơ duyên đã được tìm ra, bắt đầu thời kỳ phục hưng của dòng gốm danh giá này.
Gốm của làng Chu Đậu là từ đất sét trắng của vùng Trúc Thôn thuộc thị xã Chí Linh. Sau khi lấy đất về, người ta sẽ mang hòa trong nước để lọc rồi thêm phụ gia để phối luyện thành hồ làm gốm. Khi đất sét đã mềm, dẻo và đạt được độ mịn cần thiết thì sẽ mang đi chuốt và nặn trên bàn xoay. Từ xưa đến nay, các sản phẩm gốm của làng Chu Đậu đều được làm thủ công, từ khâu nặn, đúc gốm cho đến khâu vẽ và trang trí hoa căn đều được những người thợ gốm tài hoa của làng nghề thực hiện, chính vì vậy, gốm khi ra lò luôn chất lượng và có những đặc điểm riêng phân biệt với gốm sứ ở những nơi khác.
Gốm làng Chu Đậu có đặc điểm nổi bật là men trắng rất trong với hoa văn màu xanh nhờ sử dụng men trắng chàm và hoa văn đỏ nâu, xanh lục vàng nhờ sử dụng men tam thái. Kiểu dáng và họa tiết của hoa văn trên gốm rất tinh xảo và mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Bí quyết để có những sản phẩm gốm đạt đến sự tinh xảo của người dân nơi đây chính là kỹ thuật vẽ dưới men rồi mang nung trong lò sau đó mới phủ men tam thái và mang nung lại một lần nữa. Chính bởi vậy mà những sản phẩm gốm của làng Chu Đậu từ xa xưa dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hay chìm dưới đáy biển qua hàng thế kỷ vẫn giữ được nguyên vẹn cả màu sắc và kiểu dáng.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, làng gốm Chu Đậu ngày nay đang được làm sống dậy bởi những đôi bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ người thợ, từ thợ vuốt gốm bằng tay đến thợ vẽ hoa văn trên gốm…đang làm việc tại Xí nghiệp Gốm Chu Đậu. Định hướng của xí nghiệp là phục hồi toàn bộ những màu men cổ xưa của làng nghề Chu Đậu, đưa những mẫu gốm phỏng cổ ra thị trường thế giới vốn đã nổi tiếng với thương hiệu của gốm Chu Đậu. Các sản phẩm hiện đang sản xuất phổ biến tại Chu Đậu gồm có: các loại chậu hoa, bình hoa, quà tặng, tượng, bát đĩa mỹ nghệ… với số lượng hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng đã được xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ… và được khách hàng trên thế giới đánh giá rất cao.
Gốm Chu Đậu là niềm tự hào của nghệ thuật gốm Việt Nam và phong cách gốm Chu Đậu là một phong cách thuần nhất của gốm Việt Nam.Gốm Chu Đậu như một biểu tượng văn hóa Việt, một tặng phẩm quốc gia, luôn được Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn làm quà tặng trong các dịp ngoại giao quan trọng cũng như những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước như tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình tại Hà Nội…
Với nét độc đáo của sản phẩm cùng những nỗ lực mang đến sức sống mới và phát triển dòng Gốm Chu Đậu cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa Việt, sản phẩm Gốm Chu Đậu tự hào được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng“Gốm Chu Đậu – Tinh hoa văn hóa Việt Nam” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng “Gốm Chu Đậu – Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu”.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram