Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng thêu ren Xuân Nẻo

Cách thành phố Hải Dương 20km về phía nam, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ nổi tiếng khắp nơi về nghề thêu, đây là một nghề cổ truyền từ lâu đời, đến đầu thế kỷ XX nghề thêu ở Xuân Nẻo được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Sản phẩm là các bức tranh thêu với đa dạng chủ đề chủ yếu là cây, hoa lá, động vật và một số hình ảnh tiêu biểu về thắng cảnh của đất nước Việt Nam.

Theo lời kể của những bậc cao niên trong xã, nghề thêu tay bắt đầu được hình thành ở thôn Xuân Nẻo khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, sau đó mở rộng sang các thôn Ô Mễ, Lạc Dục. Có thời điểm, với chủ trương khuyến khích nghề thêu ren, xã Hưng Đạo tích cực mở lớp dạy nghề, số người học nghề thêu tăng nhanh, năm 1970 toàn xã có khoảng 2.000 người biết thêu. Những thợ giỏi được Nhà nước đào tạo để đi dạy nghề thêu ở nhiều huyện, nhiều tỉnh thành khác. Vào giai đoạn phát triển cực thịnh của nghề thêu ren ở Xuân Nẻo những năm 70,80 của thế kỷ trước đâu đâu người ta cũng nhìn thấy người ngồi thêu, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ… Có thời điểm, toàn xã Hưng Đạo có tới khoảng 2.000 người biết thêu.

Sản phẩm thêu lúc bấy giờ xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan rã, thị trường truyền thống mất, hợp tác xã thêu của xã giải thể khiến hàng nghìn thợ thêu lao đao. Không ít người chuyển sang nghề khác, còn lại số ít mạnh dạn đứng ra mở cơ sở thêu riêng và từng bước tìm chỗ đứng. 

Cũng bằng tình yêu, tâm huyết với nghề thêu truyền thống, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Hòa đã gắn bó với nghề ngót 60 năm. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề, bà Hòa được bố dạy thêu cho từ năm lên 8 tuổi. Lớn lên, được Nhà nước cử đi học thêu, sau này, bà đi dạy thêu ở nhiều tỉnh. Năm 1975, sau khi lập gia đình, bà Hòa mở xưởng thêu. “Tranh thêu ở cơ sở tôi được làm bằng chỉ tơ thêu trên vải lụa tơ tằm, màu sắc và đường nét tinh tế ở từng chi tiết nhỏ đã chiếm được sự ưa chuộng của thị trường Nhật”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa giới thiệu. “Tôi yêu cái nghề này lắm. Làm nghề thêu cũng là làm đẹp cho đời. Mỗi một bức sau khi thêu xong được người dùng yêu chuộng, tôi thấy rất phấn khởi. Để có bức thêu đẹp, người thợ vừa phải khéo tay, vừa phải dồn tâm trí khi thêu, sản phẩm mới sống động, có hồn”, bà Hòa kể với ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Làm ra một sản phẩm thêu có chất lượng rất kỳ công. Với mỗi bức tranh thêu, người thợ cần phác thảo bản vẽ để định hình bố cục bức tranh và vẽ các chi tiết, rồi dùng giấy nến, bút kim đục theo đường vẽ, dùng dầu xoa cho nét vẽ “ăn” xuống nền vải. Xong công đoạn phác thảo rồi mới bắt đầu đi những đường thêu. Sản phẩm thêu Xuân Nẻo ngày nay có nét tinh xảo đặc biệt bởi đường thêu mịn, sắc nét, màu tranh không bị nhòe, phai như một số sản phẩm thêu khác trên thị trường. Bí quyết không chỉ ở đôi tay tài hoa của người thợ, ở sợi chỉ thêu phải mảnh, vải thêu chất lượng cao mà điều quan trọng là cái tâm của người làm nghề.

Chủ đề của những sản phẩm thêu truyền thống ở Xuân Nẻo thường là những hình ảnh gắn liền với làng quê, với sinh hoạt đời thường: cây đa, sân đình, bờ ao, con trâu, lũ trẻ, hoa sen, hoa cúc…  trên khăn tay, đồ lưu niệm, ga hoặc gối. Dần dần, để phù hợp thị hiếu người dùng, sản phẩm đa dạng hơn như dòng tranh nghệ thuật thêu phong cảnh đồng quê, danh thắng, bộ tranh tứ quý, các tích cổ…

Với mong mỏi giữ lấy nghề truyền thống của quê hương, các nghệ nhân vô cùng mừng vui, sẵn lòng hướng dẫn cho những ai muốn học thêu. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan vừa trực tiếp làm, vừa dạy nghề cho những chị em khác để khi có đơn hàng, đây cũng là đội ngũ lao động thời vụ nhận sản phẩm về thêu tại nhà. Nghệ nhân Phạm Thị Hòa còn mở lớp dạy thêu miễn phí cho người khuyết tật. “Tôi thấy phấn khởi vì mình đã truyền được nghề cho các cháu, giúp các cháu không chỉ nuôi được bản thân mà còn nuôi được con cái, chăm lo gia đình”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa không giấu nổi niềm vui.

Làm nghề với tất cả tình yêu, sự tự hào, nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan và Phạm Thị Hòa đã tạo việc làm cho nhiều người địa phương. Cơ sở thêu Hoan- Tứ hiện nay tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động nữ trong xã đều đã ngoài 50 tuổi. Còn cơ sở sản xuất của nghệ nhân Phạm Thị Hòa duy trì 20 lao động thường xuyên, 80 lao động thời vụ nhận sản phẩm về làm tại nhà. Mỗi lao động thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Chị Mai Thị Linh, một thợ thêu đã học nghề ở đây từ năm 2002 cho biết: “Cô Hòa rất tâm huyết với nghề. Sự tận tâm hướng dẫn của cô khiến chúng tôi cũng muốn theo nghề. Càng làm càng biết thêm tinh hoa của nghề thêu, tôi càng yêu thích”.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x