Làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là ngôi làng cổ còn giữ được nhiều nhà rường và đền thờ khá nguyên vẹn, trong đó có những ngôi nhà được dựng lên hơn 500 năm về trước. Phước Tích còn nổi tiếng về nghề gốm truyền thống từ xa xưa.
Dấu tích làng Việt…
Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được thành lập vào khoảng thế kỉ XV. Gia phả họ Hoàng – dòng họ khai canh ở Phước Tích chép: “Đến đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và thứ hai (1470 – 1471), ngày thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cẩm Quyết, tỉnh Nghệ An, thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ. Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem bói, đoán biết được được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng”.
Ngoài cây thị hơn 500 tuổi, đầu làng còn có miếu thờ Khổng Tử và cuối làng có miếu Đôi thờ ông tổ Hoàng Minh Hùng và ông tổ khai sinh nghề gốm.
Từ mấy trăm năm trước làng đã xây dựng đền thờ Khổng Tử, để tôn vinh sự hiếu học và cầu mong cho con cháu trong làng học hành đến nơi đến chốn. Riêng chuyện đó thôi cũng là một nét quý hiếm và chưa từng có trong văn hóa làng Việt. Đặc biệt, ở trong từng gia đình, những vật dụng hàng ngày cũng cổ như chính ngôi nhà rường chủ nhân đang ở. Đó là những chiếc bình vôi, mà miệng bình đã dày cao lên theo thời gian, rồi mâm uống rượu, mâm ăn bằng gỗ, hộp đựng trầu bằng gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm, muối do các lò gốm Phước Tích xưa sản xuất… tất cả đã có lịch sử hàng trăm năm.
KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, so sánh: Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, thì làng Phước Tích lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Đây là ngôi làng thứ 2 tại Việt Nam có lịch sử hình thành hơn 500 năm được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc… khi đến đây đã tỏ ra ngạc nhiên và thú vị vì sự nguyên vẹn của hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ. Đặc biệt, các nhà rường có độ tuổi gần 500 năm ở Phước Tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, mang dáng dấp và đặc điểm của nhà rường vùng Bắc Trung bộ thuở xưa. Huế vốn là địa phương có nhiều nơi rất nổi tiếng về nhà rường như Phú Mộng-Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế… nhưng chỉ có Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần nguyên vẹn như thế.
Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện Phước Tích có 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ các dòng họ (trong số 117 ngôi nhà của làng), đa số là nhà rường dạng ba gian hai chái.
Những ngôi nhà cổ ở đây tổ chức, sắp đặt có nền nếp, làm cho khoảng không gian đường làng, ngõ xóm trở nên có nề nếp. Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 – 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh ngôi nhà và lối vào nhà đều là hàng rào chè tàu, cắt tỉa thẳng tắp.
Về trang trí trong nhà, hệ thống nhà cổ ở đây được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên (cùng thuộc xã Phong Hòa) chạm khắc những nét tinh xảo, độc đáo. Hiện có 12 nhà rường tại đây được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt. Không chỉ là nhà rường cổ, ở Phước Tích vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hoá khác của người xưa như dấu tích của nền văn hoá Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng… phục vụ đời sống văn hoá cộng đồng.
“Gốm tiến vua”
Cùng với việc lập làng, những lưu dân phía Bắc vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…
Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích. Ví dụ như cái om đất được lưu giữ tại Bảo tàng, gọi là “om ngự”, sở dĩ có tên gọi này là suốt từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Khải Định, hàng tháng người dân làng đều phải nộp dâng lên vua 30 chiếc nồi như thế này, các đầu bếp của vua sẽ nấu cơm bằng chiếc nồi đất sét nung của làng Phước Tích, nồi có kích thước vừa đủ lượng cơm cho vua ăn nên chỉ nhỏ vừa đủ thôi, mỗi khi vua ăn xong là chiếc nồi đó không còn sử dụng cho lần sau nữa.
Cũng cần nói thêm rằng những sản phẩm gốm Phước Tích cổ truyền không bao giờ tráng men, chỉ làm từ đất sét nung lên mà thành. Không như chiếc nồi bằng đồng cạnh bên khi ta sử dụng để nấu thức ăn sẽ hình thành độc tố, riêng nồi bằng đất nung khi nấu lên đặc biệt nếu cơm cháy khi đó cơm cháy sẽ là một vị thuốc tốt cho cơ thể, do vậy nên sản phẩm gốm nơi đây được các đời vua sử dụng là vì thế.
Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã nuôi sống cư dân trong làng. Nhờ có gốm mà làng Phước Tích rất giàu có, con em trong làng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đều được học hành tử tế, nhiều người đỗ đạt cao.
Những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng, những ngày đất nước trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, người dân vì muốn bảo vệ những sản phẩm gốm, sợ nghề gốm thất truyền nên họ bí mật chôn gốm dưới đất, đến lúc đất nước thanh bình mới đào lên.
Khoảng năm 1989, nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Con cháu trong làng phần lớn chọn con đường lập nghiệp phương xa, chỉ còn lại những cụ già và một ít thanh niên làm nghề thủ công, việc vực dậy làng nghề truyền thống ngày càng trở nên khó khăn.
Làng Di sản kiến trúc Phước Tích như là một “bảo tàng nhà rường” quý hiếm ở Việt Nam với việc lưu giữ nhiều dấu tích nghề gốm “tiến vua” xưa ki bằng một cồn đất gọi là Cồn Trèng. Ở Cồn Trèng, bà con dân làng cất giữ những mảnh gốm cũ, như một “bảo tàng” truyền thống. Có một lò gốm cũ còn sót lại dù cho đã bị thời gian làm sứt mẻ, những màu đất nung còn đỏ son.
Hồi sinh gốm cổ
Trong các kỳ Festival Huế 2006 và 2008, làng cổ Phước Tích được giới thiệu và lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước với hoạt động triển lãm gốm truyền thống và tour “Hương xưa làng cổ”.
Số nghệ nhân gốm thế hệ trước, nay còn không tới chục người. Hơn ba năm trước, Sở Công Nghiệp (nay là Sở Công Thương) Thừa Thiên-Huế đã tài trợ cho bốn thanh niên (làm nghề kim hoàn, thợ may) trong làng đi học thêm về nghề gốm ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) trong 6 tháng để về phục dựng lại làng nghề gốm Phước Tích.
Tiếp đó, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomine (Bỉ) phối hợp với Viện Văn hóa- nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ xây dựng lò nung có thể nung tới nhiệt độ 1.400- 1.600 độ C tại Phước Tích… Với công nghệ này, nghề gốm Phước Tích có thể sống lại với những sản phẩm vừa hiện đại vừa mang đậm nét cổ xưa với những sản phẩm có họa tiết, hoa văn, nước men độc đáo, tinh xảo dùng để trang trí ở những nơi sang trọng hoặc làm sản phẩm phục vụ cho khách du lịch… UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang củng cố nhân sự để thành lập Ban Bảo vệ và phát triển làng cổ Phước Tích. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa lịch sử của làng nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong mỗi người dân. Trước mắt, Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTT&DL tỉnh) đang phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) tiến hành khảo cứu để có thể đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Xét một cách tổng thể, các làng nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn bởi sự xâm nhập ồ ạt của các mặt hàng sản xuất hàng loạt và nghề gốm Phước Tích đã không còn hoạt động gần 20 năm nay. Sức sống của nghề gốm, do vậy, chủ yếu tồn tại trong ký ức của người già. Dĩ nhiên, từ ngữ nghề nghiệp chính là phương tiện để họ hệ thống hoá từng mảng tri thức đó. Nói cách khác, từ ngữ nghề gốm Phước Tích là một hệ thống ký hiệu, một “bản mã” tường thuật tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp và những khía cạnh thuộc về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Gốm Phước Tích là một trong những di sản văn hoá cần được gìn giữ. Cùng vốn quý nhà cổ, việc phục hồi nghề gốm truyền thống đã đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương đến Thừa Thiên-Huế.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram