Phú Bài nay thuộc xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy là một làng lớn, đất ai rộng, tài nguyên sẵn, dân cư đông, vùng đệm “vệ tinh” quan trọng của thủ phủ Phú Xuân, kinh đô Huế ở cửa ngõ phía Nam. Quặng sắt và rừng ở đây là nguồn nguyên liệu cho nghề luyện sắt của làng các thế kỷ qua.
Lịch sử khai phá xây dựng làng Phú Bài
Theo Ô châu cận lục của Dương Văn An, Phú Bài là một trong 67 xã của huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong. Các họ Ngô, Lê, Nguyễn, Phan và Trương đến tụ cư dựng nghiệp ở đây rất sớm. Tiên tổ của họ Ngô là Ngô Thù được làng tôn làm “Bổn thổ thành hoàng”.
Truyền thuyết lưu truyền ở địa phương kể rằng: Ông luyện phép dạo chơi sơn thủy từ Bắc vào Nam dừng chân ở Hoan Diễn rồi sau mới vào Phù Bài. Thấy thế đất đẹp, cây cối tốt tươi ông bao chiếm đất đai, chiêu dân lập ấp. Buổi đầu rừng rú hoang vu, cây cối rậm rạp, dân bản địa sống rải rác xung quanh mà không phải tất cả đã chịu hòa nhập vào cộng đồng mới. Bao nhiêu khó khăn gian khổ đã đặt cho các vị tiên tổ buổi ban đầu vừa phải chống thú dữ, khắc phục thiên nhiên khắc nghiệt, vừa phải giải quyết các xung đột để xây dựng xóm làng. Theo bản sự tích của ông do con cháu đời sau chép lại; Ông là người giỏi bùa phép, thường dùng “Phù Lệnh Bài” để trừ gian tặc, ma quỷ giữ an lành cho nhân dân. Các tư liệu lưu giữ tại hòm bộ của làng còn cho biết ông Ngô Thù đã biết kỹ thuật nấu sắt và truyền dạy cho dân làng. Vì có công lao với làng như vậy nên từ thời Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) làng đã lập miếu phụng thờ, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) làng có đơn xin sắc phong thần cho ông.
Lễ tế Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân là một trong những minh chứng cho sự tồn tại và phát triển một thiết chế văn hóa ngót nửa thập kỷ tại ngôi làng giàu truyền thống này. Theo gia phả dòng họ Ngô và các sắc phong còn lưu giữ, Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân được tôn phong công thần “Hộ Quốc Tý Dân” (tức là hộ nước giúp dân), được triều đình liệt vào tự điển, vì vậy, Ngài được xem là bậc “Nhân thần” đem lại hạnh phúc ấm no cho dân làng.
Ngoài ý nghĩa ghi nhớ công ơn những bậc tiền bối đã có công khai sinh ra làng, lễ tế còn là dịp cho con cháu được tìm về với cội nguồn, tìm về những giá trị nhân văn bền vững, tạo ra sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Đây sẽ là động lực để các thế hệ con cháu của làng phát huy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, vun đắp ý thức xây dựng và bảo tồn một thiết chế văn hóa làng – xã cổ xưa.
Họ thứ hai có công trong việc khai canh (khẩn) ra làng Phù Bài là họ Lê, tiên tổ là ông Lê Trại người rất giỏi võ nghệ, sức mạnh như thần. Nghe danh ông Ngô Thù nên ông đã tìm đến Phù Bài, kết giao bằng hữu, cùng gây dựng cơ nghiệp. Ông vừa chăm lo tổ chức khai khẩn đất hoang, vừa chuyên việc săn bắt thú, trừ gian tặc bảo vệ dân làng và mùa màng.
Họ thứ ba là họ Nguyễn, tiên tổ là ông Nguyễn Đương. Buổi đầu vào Nam lập nghiệp tại đất An Nông cồn Trái xứ huyện Tư Vinh (nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), liền kề về phía Nam với Phù Bài. Trong lúc chu du sơn thủy ông đã gặp ông Ngô, kết thân thề cùng sống chết, sau đó ông Ngô thấy đất Phù Bài trù phú và rộng lớn nên bàn với ông Đương cùng dựng cơ nghiệp ở Phù Bài.
Ba họ Ngô, Lê, Nguyễn phát triển thành ba họ lớn, con cháu đông nhất ở Phù Bài từ nhiều thế kỷ nay. Họ Ngô tính đến nay được 21 đời con cháu; các họ Lê, Nguyễn được 19 đời. Từ đó ta ước tính làng Phù Bài ra đời cách đây khoảng trên 500 năm. Hiện nay, làng Phù Bài có tất cả 16 dòng họ.
Trong lịch sử, Phú Bài là một làng lớn, đông dân, ruộng đất nhiều và đã đóng góp đáng kể về nhân lực và tài chính cho đô thành Phú Xuân và triều đình Huế.
Nghề sắt trong đời sống kinh tế làng xã và xã hội dưới triều đại nhà Nguyễn
Sự ra đời và phát triển của nghề sắt Phú Bài không tài liệu nào ghi chép cụ thể, chỉ biết nghề được ra đời từ cuối thế kỷ XV và phát triển cực thịnh ở các thế kỉ XVII – XVIII. Bản “Thể thức tác thiết pháp truyền bất khả lậu” hiện lưu tại nhà thờ họ Lê, được viết bằng chữ Nôm có nói sơ lược về quá trình đi tìm quặng và luyện sắt của những người đầu tiên đến đây. Từ nửa sau thế kỉ XVI – XVIII, nhu cầu sắt cho chế tạo vũ khí, chế tạo công cụ phục vụ khai hoang đặt ra càng lớn. Nghề sắt Phú Bài phát triển nhanh và trở thành trung tâm luyện sắt lớn nhất ở Đàng Trong.
Nhân dân Phú Bài khai thác quặng và than ở núi Quánh thuộc địa phận làng mình, tập hợp trong tổ chức “phường bạn” để tương trợ giúp đỡ nhau. Luyện sắt đòi hỏi kỹ thuật cao và sự phối hợp của nhiều người qua nhiều khâu, từng lò. Những người thợ luyện sắt tập hợp trong tổ chức phường thợ. Kỹ thuật luyện sắt thủ công, năng suất thấp và còn lãng phí quặng. Vào thời kỳ phát triển, Phú Bài có hàng trăm lò luyện thủ công cùng hoạt động, mỗi năm phát nộp thuế cho họ Nguyễn từ 2000 đến 3000 khối (1000 khối tương đương hơn 15 tấn). Nghề rèn có mặt ở Phú Bài khá sớm, song không phát triển bằng nghề luyện sắt.
Họ Nguyễn đánh thuế sắt nặng, trưng mua rẻ mạt, ép người thợ làm nghĩa vụ không mang tính trao đổi giá trị lao động và hàng hóa. Ngoài ra, nhân dân Phú Bài cìn phải phục dịch, nộp sản vật cho nội phủ. Nhiều thợ không hứng thú và gắn bó với nghề sắt. Điều đó có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển mở rộng và lâu dài của nghề này.
Sự ra đời, phát triển nghề luyện sắt ở Phù Bài đã biến nơi đây thành tụ điểm kinh tế sôi động. Một trung tâm thủ công nghiệp phát triển ngay cạnh kinh thành Phú Xuân đã kéo theo nó sự chuyển biến quan trọng trong đời sống kinh tế văn hóa của cả vùng. Nghề luyện sắt ở đây phát triển trong bối cảnh vùng Thuận Quảng đang có sự di chuyển, bổ sung và sắp xếp lại lực lượng lao động ở quy mô lớn, dưới tác động của chính sách di dân lập làng. Nguyên liệu sắt “bán thành phẩm” hay công cụ sản xuất bằng sắt do người thợ ở đây tạo ra đã góp phần quan trọng vào công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác, thúc đẩy các nghề thủ công khác phát triển, phục vụ nhu cầu tăng nhanh của vùng dân cư đang phát triển mạnh.
Kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước vẫn được người dân nơi đây duy trì, phát triển, nó đã tác động không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Một điều đáng lưu ý Phù Bài chủ yếu làm ruộng công, nhiều gia đình làm nông nhưng tầng lớp địa chủ, phú ông ít. Các hộ gia đình phổ biến là “chồng thợ, vợ nông”, có một số ít gia đình kết hợp với thương nghiệp nhỏ.
Làng Phú Bài còn bảo lưu di tích và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt.
Cũng như mọi miền quê đất Việt, cùng với sự ra đời của làng xã đều xuất hiện một ngôi nhà chung của cộng đồng, đó là đình làng. Tương truyền đình Phù Bài được xây dựng từ thế kỷ đầu mới lập làng. Trong hòm bộ của làng nay còn lưu một tờ trình vào năm Quang Trung thứ 3 (1790) có ghi: “…nguyên xã từ trước đã có hai ngôi đình, họ Nguyễn trưng dụng một đình làm kho chứa thóc tô và sắt, một đình thờ cúng thần linh và hội bàn việc làng… Nay nếu triệt phá một đình làng không có nơi chứa thóc và sắt nên trình xin được giữ lại”. Căn cứ tài liệu này, chúng ta có thể khẳng định vào thế kỷ XVIII làng Phù Bài đã xây được đình làng của mình rất khang trang. Đầu thế kỷ XIX đình làng bị hư hỏng, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) làng đã trùng tu đình, mua cung phủ cũ về dựng, mái lợp ngói quy mô rất lớn. Đình có diện tích 660m2. Cột kèo, xuyên trến, liên ba, thanh vọng đều chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, chính giữa đình treo bức hoành lớn sơn thiếp đề ba chữ 社 牌 符 (Phù Bài xã), dân làng vẫn tự hào lưu truyền câu “thình lình như đình Phù Bài”.
Đình Phù Bài nằm bên cạnh sông Phù Bài, trước mặt là đường làng thoáng mát, mặt hướng Nam, có la thành, cây đa bến nước mang đậm nét đặc trưng của ngôi đình làng Việt Nam. Tổng thể công trình bao gồm các công trình như trụ biểu (cổng vào), bình phong, sân đình và đình.
Đình làng Phù Bài có đầy đủ các chức năng của đình làng Việt Nam, đó là chức năng tôn giáo, chức năng hành chính, chức năng văn hoá. Chức năng tôn giáo ở đình làng thể hiện một cách rõ nét, đó là nơi thờ vị Thành Hoàng và các vị khai canh sáng lập ra làng. Chức năng hành chính là nơi làm việc, hội họp của hội đồng Hương lý, Kỳ lão… Các vị Chánh tổng, Lý trưởng làm việc khi có phu phen, tô thức, bắt lính, xét xử… và cũng là nơi khao vọng… chức năng văn hoá của đình làng là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá quan trọng nhất của làng đó là những lễ hội trong năm, nơi tổ chức là tụ điểm các hoạt động vui chơi giải trí cho dân làng… Với truyền thống “Ly hương bất ly tổ”, ban nghi lễ của làng được thành lập, có nhiệm vụ tổ chức hội họp, duy trì các hoạt động lễ tế theo đúng thuần phong mỹ tục của địa phương. Lễ cúng tế chính diễn ra vào kỳ Đông tế, làng tổ chức “Đại tế kỳ phúc” nghi lễ cử hành rất trọng thể. Ngoài lễ tế tam sinh còn có lễ cúng cỗ xôi gà của làng, họ, các chức sắc khoa mục (khoảng chừng 30 mâm). Con dân Phù Bài rất đông nên lệ làm cỗ xôi gà nhằm tăng thêm vật chất, chu đáo cho dân làng dự lễ ăn uống được đầy đủ. Lễ Đại tế thường gắn với các cuộc thi bơi trải trên sông và các trò chơi mang tính cộng đồng.
Ngoài ra, vào dịp tết Nguyên Đán và tết Thanh Minh làng cũng tổ chức cúng tế tại đình. Vào ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán làm lễ “Sơ Xuân” tại đình, Tôn điện và các nhà thờ họ, lễ vật là thịt heo, xôi nếp. Tết Thanh Minh làng tổ chức tảo mộ và tế lễ. Trước ngày lễ, các vị bô lão và con em dân làng đến đình cung nghinh sắc thần về Tôn điện, con cháu cả làng đi tảo mộ. Sau buổi tảo mộ và cúng tế, mọi người cùng nhau hưởng thần duệ tại Tôn điện.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, làng Phù Bài vẫn còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị phản ánh lịch sử, văn hóa xã hội như phong tục tập quán cổ truyền, chính sách điền thổ, thuế má đời sống sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ… khẳng định sự xuất hiện một thiết chế văn hóa trên vùng đất Thuận Hóa.
Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa các kết cấu của bộ rường của đình làng không còn được như trước (3 gian 2 chái). Tuy nhiên, với những gì còn lại cho đến ngày nay của đình Phù Bài, là một minh chứng cho sự tồn tại và phát triển một thiết chế văn hóa trên 500 năm. Với các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền, sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng của làng, sẽ là động lực để Phù Bài phát huy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, ý thức dân tộc, xây dựng và bảo tồn một thiết chế văn hóa làng, xã cổ xưa.
Di tích đình làng Phù Bài thuộc xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2011.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram