Nằm ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, đây là làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời bởi nó gắn liền với văn hóa dân tộc trải dài theo dòng lịch sử, gắn với nền văn hóa nông nghiệp, những chiếc Đó thường dùng để bắt cua, tôm, cá,…rất quen thuộc với người nông dân.
Trước đây làm đó, làm rọ là nghề mang lại thu nhập chính cho toàn dân xã Phú Sỹ này. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, ruộng đồng, sông ngòi bị thu hẹp lại nên nghề bị mai một dần bởi làm ra chẳng còn ai mua.
Không rõ nghề đan đó đã hình thành ở đây tự bao giờ, không có tài liệu nào ghi chép lại, chỉ có một câu chuyện được người dân ở đây truyền kể cho nhau nghe: “Ngày xưa, một người đàn bà dân tộc Mường ở tận Thanh Hóa lấy chồng về đây. Thấy dân khổ ải đánh vật với đồng chiêm trũng quanh năm ngày tháng mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Sẵn có nghề đan rọ, đan đó để bẫy cá, tôm từ quê nhà. Bà đã mang nghề này truyền lại cho con, cho cháu. Nghề đan đó bắt đầu từ đó”.
Theo lời các cụ cao niên ở đây kể lại, đã có thời ở Thủ Sỹ nhà nhà đan đó, người người đan đó, nhất là vào mùa nông nhàn, sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa, cả làng bắt đầu vào mùa đan đó. Vừa bước vào cổng làng đã thấy nhà ai cũng giăng la liệt đó đứng, đố ngồi, nằm, rồi đăng, đáy… Ngày đó, tiếng chẻ tre rộn khắp cả làng, nghe rào rào như mưa. Thời hoàng kim của làng, nghề đan đó có thể đem lại 50% thu nhập hàng tháng cho dân làng, các sản phẩm đó của Thủ Sỹ có mặt ở khắp các chợ làng, chợ huyện và sang cả các tỉnh lân cận.
Nguyên liệu để làm ra những chiếc đó là tre hoặc loại nứa già – một nguồn nguyên liệu cũng rất thân thuộc với người nông dân Việt Nam qua các thời kì. Tre hoặc nứa được đặt mua từ trên rừng về từng bó.
Đầu tiên, người thợ phải chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó. Người đan đó chẻ từng cây ra thành thanh nhỏ, công đoạn này được gọi là “pha”. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng: Nan suốt (đây là loại nan dùng định hình khuôn) nan này có chiều dài theo suốt từ đầu đến cuối chiếc đó; nan so le, loại nan này cũng dài từ từ miệng chiếc đó đến đuôi đó; cùng với đó là nan hom, nan khoáy,… . Dùng tay và cằm vót nan được coi là cách làm phổ biến của người dân nơi đây. Đa phần công đoạn này do đàn ông thực hiện. Nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.
Một số loại nan sau khi chẻ xong được phơi khô và hun khói để tạo độ bền và lên màu nâu cánh gián đẹp. Hun khói cũng có nhiều cách hun. Hoặc là hun nan hoặc là gác đó thành phẩm lên bếp. Khi hun cũng phải chú ý hun đều để màu sắc đồng nhất. Nan hay đó thường được hun bằng rơm, lửa không được bùng, phải hun ba lửa mới được. Nghệ thuật hun rất khó, các cụ bà hun là đẹp nhất. Ông Lương Sơn Bạc, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cho biết: “Quá trình hun đòi hỏi cái khói mà lửa không bốc lên được, khói phải đủ độ dày. Và thêm nữa là nan phải đưa đi đưa lại cho đều tay thì màu của đó mới đẹp được.”
Sau khi chẻ nan xong, bắt đầu tiến hành đan khoáy, hay còn gọi là khung. Đó có hình dạng khá đặc trưng: hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn, nắp miệng là chiếc hom. Khoáy cũng là một loại nan, được chẻ nhỏ nhưng dày hơn. Khung thường được làm bằng đoạn tre hoặc nứa cật, uốn thành vòng tròn, tạo thành đoạn to nhất của đó. Đó được đan từ đoạn to đến nhỏ, là từ khung đến miệng, sau đó đan đoạn ngược lại, tạo thành một cái đó hoàn chỉnh hình tương tự hình bầu dục. Một người lành nghề mất khoảng 15-20 phút để tạo nên một chiếc đó hoàn chỉnh.
Làm đó có lẽ dễ đan nhất là đan hom miệng, khó nhất là phần cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi hai cửa là khó nhất.
Loại đó hai cửa phải trải qua nhiều khâu: Chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, ra nan phải đều đẹp, bó từng bó dùng chân đạp làm cho nan tròn, sạch, mịn, dóc “chân rít” thành mê để đan, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng), cuối cùng vào đáy lên vành và xoáy đầu lên lưng.
Lừ bóng chủ yếu dùng để bắt các loại cá nhỏ như cá rô, cá diếc, thia, cá chù, cá cấn. Loại đó này phải dùng nan nhỏ để đan thì cá mới không bị lọt và đó mới bền nên phải dùng nguyên liệu là loại trúc đang trưởng thành, vừa có độ cứng lại vừa có độ dẻo dai.
Còn các loại đó nằm, nơm, đăng, đáy thì làm đơn giản hơn. Những chiếc đó khi hoàn thiện sẽ được đem hong trên gác bếp, làm tăng độ bền cho sản phẩm. Ngoài sản phẩm đó ra thì người dân nơi đây còn tạo ra những chiếc rọ, lờ, giỏ… cũng là những thứ dùng để bắt tôm, cua, cá…
Để đan được một chiếc đó, không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt mà còn cần sự kiên nhẫn, chăm chỉ và tình yêu nghề của người đan.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram