Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đậm đà hương vị nước mắm của làng Sa Châu

Về với vùng biển Giao Thủy đầy nắng gió, nơi có nguyên liệu dồi dào từ biển cả và cũng là nơi người dân làng Sa Châu làm nên thứ nước mắm có màu cánh gián đẹp mắt và hương vị đặc trưng tạo nên một thương hiệu nức tiếng gần xa.

Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Sa Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng được nhiều du khách gần xa biết đến.

Ngoài ra, khi đến với huyện Giao Thủy, Nam Định du khách có thể ghé thăm Đền – Chùa Diêm Điền và khu di tích lịch sử Văn hóa Hoành Nha.

Đền – Chùa Diêm Điền xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy nằm ven đường giao thông bên cạnh trụ sở Ủy ban nhân dân huyện nên rất thuận lợi trong việc đón khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.

Vào thời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619) có 10 gia đình mang họ khác nhau, cùng kết nghĩa bạn bè rời quê hương Thiên Bản (Vụ Bản) về trang Hà Cát (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam) khai hoang lấn biển. Lúc đầu, họ dựng lều trên cồn cát để ở, sinh sống bằng nghề làm muối, nên về sau đặt tên làng là “Diêm Điền”, nghĩa là cánh đồng muối. Vào thời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619) có 10 gia đình mang họ khác nhau, cùng kết nghĩa bạn bè rời quê hương Thiên Bản (Vụ Bản) về trang Hà Cát (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam) khai hoang lấn biển.

Lúc đầu, họ dựng lều trên cồn cát để ở, sinh sống bằng nghề làm muối, nên về sau đặt tên làng là “Diêm Điền”, nghĩa là cánh đồng muối. Cùng với việc phát triển của làng xã, người dân Diêm Điền đã biết cải tạo đồng ruộng, dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn ruộng đồng và trồng được các loại lúa. Điều kiện làm ăn ngày càng thuận lợi và đất lành chim đậu, nhân dân các nơi xin về nhập cư ngày càng nhiều. Đến năm 1614 quan đại thần Lưu Đình Chất làm Dinh điền sứ tại vùng biển Giao Thủy, xuất tiền đắp đê, lập ra 12 xã, trong đó có Diêm Điền.

Khi ấy nhân dân trong xã mới dựng đền, rước chân nhang thành hoàng quê gốc của 10 ông tổ là Lê Đình Hương – một tướng tiên phong có công dẹp giặc Thục dưới thời Hùng Duệ Vương về thờ làm thành hoàng của làng mới Diêm Điền. Ngoài ra để nhớ ơn mười vị tổ các họ: Đoàn – Lê – Trần – Nguyễn – Phạm – Đặng – Hoàng – Hà – Bùi – Vũ, dân địa phương đặt thần vị thờ phối ở trong đền. Năm 1675 mười ông tổ được phong tước bá và ban mỹ tự để thờ.

Chùa Diêm Điền được nhân dân xây dựng sau khi dựng đền.

Di tích đền – Chùa Diêm Điền là nơi có nhiều mối liên quan đến phong trào cách mạng của địa phương, đặc biệt trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là địa điểm cho các đội tự vệ địa phương luyện tập quân sự, võ nghệ. Tại đền còn có hầm bí mật cất giữ tài liệu, che chở bảo vệ cán bộ hoạt động lâu dài.

Ngày nay, người dân Diêm Điền đang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trù phú hơn. Để tưởng nhớ buổi ban đầu các ông tổ bắt tay khai khẩn mảnh đất này, hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội rước giao hảo từ đền Hà Cát về đền Diêm Điền. Khi đoàn rước về đến đền ngoài việc tiến hành các nghi lễ còn có nhiều trò vui diễn ra trong hội như: đấu võ, thả diều, nhưng hấp dẫn nhất là thi đấu cờ người.

Đền –  Chùa Diêm Điền đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa năm 1995.

Khu di tích Hoành Nha, gồm đền thôn Trung, đền – chùa thôn Thượng, đền – chùa thôn Chính, thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, cách dốc Hoành Nha chừng 3km.

Cả 5 ngôi đền, chùa đều thờ chung một vị thành hoàng và những vị tổ sáng lập ra đất Hoành Nha.

Hàng năm vào tháng 2 âm lịch dân làng Hoành Nha tổ chức lễ rước từ đền thôn Chính, đền thôn Trung về đền thôn Thượng để mở hội. Các lão ông, lão bà được mời dự yến lão để tỏ lòng kính trọng người già của con cháu.

Với những giá trị lịch sử – kiến trúc – văn hóa tiêu biểu, di tích Hoành Nha đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa năm 1993.

Sa Châu và nghề mắm truyền thống

Xã Giao Châu hiện có hơn 100 hộ làm nước mắm. Theo các hộ dân cho biết để làm ra những chén nước mắm thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Cá được chọn là những loại cá nhỏ như: cá cơm, cá nục, cá lâm hoặc tép trắng còn gọi là moi được đánh bắt trên chính vùng biển Giao Thủy. Loại muối ướp cá là muối Bạch Long cũng là sản phẩm của vùng quê Giao Thủy, muối làm mắm phải để trong kho trên một năm làm giảm bớt vị chát, nước mắm sẽ không bị gắt.

Tỉ lệ ướp trước đây là 1 tạ cá với 25 cân muối còn bây giờ là 18 cân muối để giảm bớt độ mặn của nước mắm cho phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Sau khi cá được ướp ngấu một cách tự nhiên trong khoảng 6 tháng, người ta chắt lấy nước mắm cốt qua một lớp vải mùng, từng giọt mắm được chắt lọc như chắt chiu từng vị ngọt từ sản vật của biển.

Nước mắm cốt được đem chia nhỏ, phơi dưới ánh nắng mặt trời. Khâu hong nắng, phơi sương này mất khoảng 6 tháng. Vì không sử dụng hóa chất nên muốn được mắm để được lâu phải đảm bảo thời gian ủ ngấu và phơi nắng. Nước mắm được cho vào âu sành, tiếp tục phơi âm dưới ánh nắng mặt trời.

Theo kinh nghiệm của người dân Sa Châu, mỗi năm có 2 vụ cho ra nước mắm ngon. Chính vụ là từ tháng 4 đến tháng 6, cá được nước nên sẽ cho thành phẩm ngon nhất và thời tiết nắng nhiều cũng thuận lợi cho việc làm mắm. Vụ thứ 2 là vào tháng 10, tuy độ ngon không bằng chính vụ nhưng cũng cho ra thành phẩm ngon hơn các tháng khác.

Đặc biệt nhờ được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và không có hóa chất do đó nước mắm Sa Châu có mùi thơm nhẹ, màu vàng ánh, và được nhiều người tiêu dùng. Với lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề, người dân Sa Châu đã và đang xây dựng thương hiệu nước mắm Sa Châu và kết nối các giá trị truyền thống mà cha ông để lại, góp phần tạo nên tinh hóa văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x