Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng rèn Vân Chàng

Cách Thành phố Nam Định khoảng 7km, làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất nhì miền Bắc. Hiện ở đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do chính các thợ rèn xưa của làng chế tạo.

Giá trị lịch sử – văn hóa của đình làng Vân Chàng

Di tích đình làng Vân Chàng, nơi lưu giữ những dấu tích của quá trình hình thành và phát triển nghề rèn, nơi kết tụ những giá trị văn hóa của làng quê thông qua tín ngưỡng thờ thành hoàng làng về lễ hội. Ngôi đình mang những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của người làng Vân Chàng nói riêng và người dân Nam Định nói chung về vùng đất giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống này.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng cách đây hơn 700 năm, từ thời Vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293). Tương truyền thời bấy giờ, 6 thợ rèn giỏi tên là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận và Đỗ Bào quê ở làng Hoa Chàng (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) chuyên gánh lò bễ đi khắp nơi để rèn nông cụ. Khi tới vùng đất Tây Chân, thấy thế đất “Đông Kỳ, Tây Tượng, Bắc Phượng, Nam Long” (tức là thế đất bốn mặt là hình lá cờ và các con vật voi, phượng, rồng) nên đã dừng chân và mộ dân lập ấp, lấy tên làng cũ của mình mà đặt cho vùng đất mới là làng Hoa Chàng (nay là làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang).

Tại đây, Lục vị tổ nghề đã cùng 15 vị tổ thuộc các dòng họ Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô… chiêu dân lập làng, khai phá ruộng hoang, khơi thông sông ngòi, chia khu đặt xóm. Dần dần xóm làng ngày càng đông đúc, đất đai phì nhiêu, đời sống người dân trở nên sung túc hơn. Ở lại cùng nhân dân, 6 vị tổ nghề đã đem công nghệ rèn của mình mà truyền lại cho người dân để họ sản xuất các nông cụ phục vụ sản xuất. Sau một thời gian truyền nghề, dân làng ai nấy đều thành thạo, rèn giỏi. Lúc ấy, Lục vị tổ nghề trở về quê cũ. Ghi nhớ công ơn của những người đã mang nghề cho quê hương, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ 6 vị sư tổ dạy nghề, tôn là Lục vị Thánh tổ. Hằng năm, vào ngày 15-11 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội tế lễ Lục vị Thánh tổ.

Như vậy, có thể thấy, trên bước đường khẩn hoang, dựng làng xã, câu chuyện về 6 vị tổ nghề rèn làng Vân Chàng đã phản ánh quá trình hình thành và phát triển làng xã. Đình làng Vân Chàng được xây dựng đã khẳng định sự định cư của người dân và phản ánh đời sống ổn định qua thời gian. Sự thăng trầm của ngôi đình với các lần trùng tu, mở rộng… cũng phần nào phản ánh lịch sử kinh tế của làng xã.

Ngôi đình Vân Chàng còn là chứng tích cho những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân địa phương, góp phần không nhỏ vào những chiến công huy hoàng của nhân dân địa phương, làm rạng rỡ lịch sử cách mạng của vùng đất Nam Định giàu truyền thống.

Trong những ngày đầu của kháng chiến chống Pháp, ngôi đình trở thành một trong những địa điểm được chọn làm nơi mở lớp học dạy chữ cho con em địa phương trong phong trào Bình dân học vụ. Khi giặc Pháp mở rộng phạm vi và mức độ càn quét, đình trở thành căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng, là nơi sản xuất và cất giấu vũ khí phục vụ kháng chiến, là điểm tập luyện của dân quân địa phương. Thợ rèn Vân Chàng cũng tham gia kháng chiến bằng cách đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Họ đã rèn hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao găm, hàng chục tấn nhu yếu phẩm phục vụ cho quân đội.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), làng Vân Chàng một lần nữa lại đóng góp sức người sức của phục vụ cách mạng. Đình làng Vân Chàng chứng kiến từng lớp lớp thanh niên – những người con ưu tú của quê hương lên đường tòng quân bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đình làng cũng được trưng dụng làm nơi sơ tán của Bưu điện huyện, Công an huyện, Huyện ủy và UBND huyện trong giai đoạn 1970 – 1974.

Trong thời bình, đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân, là nơi các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền tới người dân. Đình làng Vân Chàng với trung tâm là đình thành hoàng làng trở thành chốn linh thiêng, cố kết người dân làng, hướng nhân dân tới các giá trị tốt đẹp, góp phần dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa.

Diện mạo kiến trúc đình làng Vân Chàng còn phản ánh tư duy mỹ thuật và phong cách kiến trúc của TK XVIII – XIX (thời Hậu Lê và thời Nguyễn). Đình cũng đã trải qua các đợt trùng tu lớn vào năm 1993 và 2010. Đến nay, đình làng Vân Chàng đã rộng lớn, khang trang, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

6 đạo sắc phong được ban tặng dưới triều vua Khải Định (2924) còn lưu giữ tại đình có giá trị tư liệu quý giá. Nội dung sắc phong không chỉ cung cấp thông tin về mỹ hiệu, công trạng của những vị thần được thờ mà qua đó còn cho những thông tin lịch sử quý giá về sự thay đổi địa danh hành chính qua từng thời kỳ.

Tại đình làng Vân Chàng hiện cũng còn lưu giữ được 5 cổ vật từ thời Lê, được chính những tiền bối trong làng chế tạo, gồm: một bộ ống bễ lò rèn bằng gỗ, hai ống pháo lệnh (được một nhóm thợ Vân Chàng đến với nghĩa quân Lam Sơn rèn ra trong thời kỳ chống giặc Minh xâm lược; loại pháo này là hiệu lanahj để nghĩa quân nhất tề đứng lên tiêu diệt quân thù), một dao bản, một ngọn đòng uốn cong có mũi nhọn. Những hiện vật này được chế tạo bằng phương pháp rèn cổ (phương pháp ẩu sắt, tận dụng những vụn sắt được nung chín gá vào nhau dưới tay búa tài hoa của những người thợ để tạo hình đồ vật) chỉ có ở làng rèn Vân Chàng. Nó phản ảnh không chỉ dấu ấn lịch sử mà còn cho thấy tài hoa của người thợ làng rèn.

Lễ hội làng Vân Chàng diễn ra từ 13 đến 16 âm lịch hàng năm, là một sinh hoạt dân gian tổng hợp, là ngày mà các trò diễn, các nghi lễ dân gian được dịp thăng hoa, tạo ra sự cộng cảm, cộng mệnh của người dân làng, để mỗi người con của làng rèn cảm thấy có sự gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, với quê hương, từ đó như thấy mình được hòa vào đời sống cộng đồng và cần làm gì đó để đóng góp cho quê hương, đất nước.

Lễ hội làng Vân Chàng diễn ra từ 13 đến 16 âm lịch hàng năm, là một sinh hoạt dân gian tổng hợp, là ngày mà các trò diễn, các nghi lễ dân gian được dịp thăng hoa, tạo ra sự cộng cảm, cộng mệnh của người dân làng, để mỗi người con của làng rèn cảm thấy có sự gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, với quê hương, từ đó như thấy mình được hòa vào đời sống cộng đồng và cần làm gì đó để đóng góp cho quê hương, đất nước.

Trong những ngày hội làng Vân Chàng, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người dân có dịp được tỏ bày, được thăng hoa.Cũng từ lễ hội này mà các giá trị văn hóa đặc trưng gắn với nghề rèn của người làng Vân Chàng được bảo tồn và phát huy.

Với những giá trị về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, văn hoá tín ngưỡng, Đình làng Vân Chàng được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017, được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2018. Việc công nhận và tôn vinh di tích Đình làng Vân Chàng là nguồn cổ vũ động viên cán bộ và nhân dân địa phương phát triển làng nghề; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của quê hương.

Nghề rèn làng Vân Chàng

Ở làng rèn Vân Chàng, thường thì mỗi hộ gia đình lại có một xưởng riêng, mỗi xưởng đảm nhiệm một khâu: có xưởng chuyên cưa sắt, có xưởng chuyên làm phôi, có xưởng lại chuyên làm một bộ phận riêng của sản phẩm. Vì thế hàng ngày trong các ngõ xóm của Vân Chàng luôn tất bật xe xích lô chở các bộ phận còn lại riêng biệt qua lại giữa các xưởng.

Hơn 700 năm đã trôi qua, làng rèn Vân Chàng đã có nhiều thay đổi. Những năm bốn mươi của thế kỷ trước, những người thợ của làng Vân Chàng đã sản xuất được những sản phẩm khó, có độ tinh xảo cao như ngòi bút máy, một số bộ phận của súng… Từ năm 1960, nghề rèn Vân Chàng dần chuyển từ thủ công lên cơ khí. Nghề rèn bằng phương pháp quai búa dần được thay thế bằng máy móc. Sản phẩm của làng rèn ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng nâng cao.

Trước đây Vân Chàng chỉ sản xuất một số mặt hàng đơn giản mang tính thủ công như dao kéo, đinh ốc, cuốc xẻng, kiềng, răng cào… phục vụ nhu cầu nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề Vân Chàng được đa dạng về chủng loại, đạt độ chính xác cao, tinh xảo, mẫu mã đẹp, cũng như độ bền, nhất là các phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng. Sản phẩm của làng rèn Vân Chàng đã có mặt khắp mọi miền đất nước, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang Lào, Căm-pu-chia. Hiện, Vân Chàng có khoảng 90% số hộ trong làng theo nghề rèn và hầu hết đều đã cơ khí hóa, chỉ có một số rất ít còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Nghề rèn ở Vân Chàng không chỉ tạo việc làm cho nhân dân địa phương mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động ở các xã, huyện lân cận.

Làng rèn Vân Chàng đã trở thành một thương hiệu Việt trong tiềm thức người tiêu dùng. Trải qua hơn 7 thế kỷ, làng Vân Chàng ngày nay trở thành một làng quê giàu đẹp. Thành quả ngày hôm nay bắt nguồn từ công truyền nghề của Lục vị tổ sư trong những năm cuối TK XVIII – XIX. Bởi vậy, người dân làng Vân Chàng, dù có như thế nào chăng nữa, họ vẫn luôn hướng về quê hương, hướng về đình làng, hướng về các vị thánh của làng với một tâm nguyện luôn ghi nhớ và tri ân công lao của những vị tổ nghề và luôn tâm niệm góp công sức và trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x