“Một năm tằm là năm năm kén, một năm kén là chín nén tơ” những câu hát đồng giao ấy đã đưa Về làng tới làng Cổ Chất.
Từ bao đời nay, làng Cổ Chất (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nằm bên cạnh dòng sông Ninh, nổi tiếng với nghề ươm tơ. Âm thanh lạch cạch vọng ra từ những bếp ươm tơ thủ công được truyền từ đời này sang đời khác chứng minh cho một làng nghề phát triển khi trầm, khi bổng.
Nghề cũ làng xưa…
Làng Cổ Chất ban đầu có tên là Cổ Hiền, được hình thành sớm do sự bồi đắp của sông Ninh Cơ ngày một lấn ra biển. Lịch sử làng Cổ Chất ghi lại, từ thời Hậu Lê, vào đời vua Lê Tương Dực, có các cụ Phạm Tài Dũng, Đoàn Sùng Hưng, Nguyễn Chân Phúc, Nguyễn Tri Vinh đến gò Ma Sá bên dòng sông Đại Hà trú ngụ để làm nghề chài lưới. Sau khi được một vị quan tên Phương Đình Công giúp đỡ, các cụ cùng gia đình con cháu nhập cư, giao đất rồi tạo dựng thành trang Cổ Hiền thuộc tổng Phương Để. Và cũng từ đó, các cụ còn phát triển thêm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén.
Với nhu cầu tiêu thụ mặt hàng vải lụa, làng Cổ Chất mới dần bỏ nghề vạn chài, chuyển sang ươm tơ dệt lụa. Vậy mà, mấy thế kỷ đã qua, cả đất Nam Định chỉ còn mình Cổ Chất còn giữ được nghề. Nghề có lúc lên lúc xuống, có lúc nghiệt ngã nữa, những người Cổ Chất đã ăn đời ở kiếp với tơ tằm, với dệt lụa nên nghề vẫn ở với họ.
Đầu thế kỉ XX, nhận thấy tơ Cổ Chất sánh được với tơ sợi Trung Hoa, Ấn Độ, giới tư bản Pháp đầu tư một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kỳ trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, Ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.
Cách Uỷ ban xã khoảng 200m trên một mảnh đất rộng, thoáng đãng ngay ở đầu thôn Cổ Chất là Chùa Cổ Chất còn gọi là chùa Phổ Quang. Cuốn thần phả ba vị công thần triều Lý được thờ tại đền, chùa Cổ Chất được sao lại vào đời vua Tự Đức năm thứ 16 (1863) ghi lại sự việc dưới thời vua Lý Thái Tổ (1010 -1028), vùng đất Cổ Chất là một bãi sa bồi ven biển, dân cư thưa thớt. Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) tại vùng đất này có ba anh em là Nguyễn Công Tham, Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Phạn lên kinh ứng thí và được bổ giữ những chức vụ quan trọng khác nhau trong triều đình. Vài năm sau, ba ông hộ giá vua đi bình phạt Chiêm Thành. Sau trận chiến này, Nguyễn Công Tham đã hy sinh, Nguyễn Công Văn được phong chức Tư lệ hiệu úy, Nguyễn Công Phạn được phong chức chỉ huy Điện tiền. Làm quan một thời gian, Nguyễn Công Phạn xin từ chức về quê đi tu. Về quê, ông cho xây dựng chùa Phổ Quang để tu hành, đồng thời lấy pháp danh là Phạn Vũ Thiền sư.
Tưởng nhớ công lao của ba người con quê hương lúc sinh thời đã có công giúp đỡ nhân dân, sau này người dân Cổ Chất đã lập đền thờ ngay sau chùa theo kiểu tiền Phật hậu Thánh để mãi về sau tri ân công đức.
Đền, chùa, phủ Cổ Chất không chỉ là những công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thời Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII, thời Nguyễn thế kỷ XIX mà còn là nơi lưu giữ những nguồn tư liệu quý trải qua nhiều thời kỳ lịch sử góp phần tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây.
Cổ Chất và nghề ươm tơ
Diện mạo làng quê Cổ Chất ngày nay đã khác xưa nhiều. Mái đình cổ nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà tầng kiến trúc hiện đại. Cuộc sống sinh hoạt của làng cũng khác xưa nhiều. Vài chục năm trở lại đây, người trong làng làm nghề đã thưa dần. Những người giữ nghề chỉ giữ lại công đoạn ươm tơ – một bí quyết chung về tằm tang đã đem lại niềm tự hào cho người thợ ươm tơ nơi đây.
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Nam Định có bến đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ.”
Nếu như các làng bên dựa vào lúa ngô khoai sắn thì Cổ Chất lại dựa vào bãi bồi trù phú ven sông. Những nương dâu xanh mướt màu ngọc nuôi nấng những kén tằm vàng tươi óng ánh.
Làng Cổ Chất ươm cả tơ vàng lẫn tơ trắng, nhưng tùy theo mùa. Vụ ươm tơ đầu tiên bắt đầu từ khoảng tháng 2 – 3 âm lịch cho đến tháng 9 âm lịch hàng năm, hoặc có thể làm thêm vụ tằm ép cuối năm vào tháng 12 dương lịch nếu có kén. Thời điểm cuối tháng 4, tìm đến làng Cổ Chất chỉ thấy những bó tơ trắng phơi trên những thanh sào tre cuối chợ.
Nói về kĩ thuật làm tơ tằm truyền thống, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được.
Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo. Tuy nhiên, kỹ thuật ươm tơ truyền thống này đang dần thất truyền, vì ngay cả các nhà nghề hiện giờ cũng khó có thể nối nghiệp bởi lớp trẻ. Và mai đây, biết có tìm được nương dâu kén tằm nữa chăng để mà ươm tơ kéo sợi.
Ngoài ra, con nhộng sau khi tuốt kén cũng là món ăn rất ngon và bổ dưỡng – đây cũng chính là nguồn thu nhập phụ của làng. Hiện nay, lượng kén tằm ở Cổ Chất không đủ để sản xuất nên chị phải mua thêm từ các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Lâm Đồng… để ươm tơ.
Vì coi đây là một nghề sống còn nên người Cổ Chất sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén. Cái câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là giãi bày về sự vất vả của nghề này. Ở Cổ Chất, người ta không có khái niệm nghỉ trưa, cũng không có thói quen ngủ sớm dậy muộn. Đặc trưng nghề khiến người ta cứ lật đật suốt ngày. Hết ra bãi chăm dâu, hái lá lại đến chăm tằm, kéo tơ.
Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ngày nay, người già trong làng thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương. Lớp trẻ thì mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động.
Gian truân đi tìm mối tơ kéo kén
Theo chính quyền địa phương, trước đây thì cả làng Cổ Chất ít nhiều đều gắn bó với nghề tơ tằm. Bây giờ, chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề. Một trong những lý do khiến người dân bỏ nghề cổ truyền, vì ngoài lý do vất vả thì cũng nhiều rủi ro, giá thành lại thấp nên nhiều người buộc phải bỏ đi tìm nghề khác.
Theo ước tính của người dân làng nghề, để có thể duy trì được hoạt động của một hộ kinh doanh cần khoản vốn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc hỗ trợ vay vốn chỉ được khoảng 400 triệu đồng/năm đối với một hộ kinh doanh. Do đó, nguồn vốn cũng là một bài toán nan giải mà những người muốn giữ nghề truyền thống phải đối mặt.
Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là việc xây dựng thương hiệu cũng như hành lang pháp lý bảo vệ tơ Cổ Chất. Khó khăn nhất đối với những người làm nghề hiện nay là tìm đầu ra, bởi họ không có đơn vị thu mua ổn định. Một số hộ sản xuất phải tự tìm mối xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan hoặc Lào.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram