Không biết có từ bao giờ, hình ảnh chiếc áo dài, khăn đóng hay còn gọi là khan xếp đã trở thành biểu tượng cho Quốc hồn, Quốc thúy của dân tộc, là Quốc phục, lễ phục trong các dịp lễ tết quan trọng của Quốc gia. Trên tất cả, những chiếc khăn xếp cho đến nay còn là nếp sống, nhịp thở của một làng nghề mà trải qua sự thăng trầm của thời gian vẫn còn nguyên giá trị.
Vào đầu thời nhà Nguyễn, người Việt thường có tục quấn khăn vấn với mục đích chính là làm gọn tóc. Dần dần theo thời gian, nhiều tục lệ thay đổi, xu hướng thời trang cũng thay đổi, chiếc khăn xếp đã ra đời thay thế cho chiếc khăn vấn thời xưa. Khăn xếp chủ yếu chỉ có màu đen hay còn gọi là màu huyền tượng trưng cho phần nhân đạo vì lẽ đó mà xưa kia, những người lớn tuổi tuy không có đạo giáo nhưng vẫn mặc áo dài, đội khăn xếp đó là giữ đạo làm người. Chiếc khăn xếp đội trên đầu là chứng minh cho sự tôn kính tổ tiên. Các cụ cao niên thường đội khăn xếp, mặc áo dài gia đình. Khăn xếp cũng xuất hiện nhiều trong buổi tế lễ, lễ hội.
Theo thời gian đến nay nghề làm khăn xếp đã trở nên mai một. Tuy vậy có một ngôi làng tại miền Bắc vẫn còn lưu giữ được nghề với những chiếc khăn xếp này.
Nằm cách thành phố Nam Định hơn 20km, thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực được biết đến là nơi duy nhất ở miền Bắc có nghề truyền thống làm khăn xếp. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay nghề khăn xếp vẫn được người dân nơi đây lưu giữ và phát triển.
Không ai biết làng nghề khăn xếp Giáp Nhất có từ bao giờ, cũng không có bất cứ một ghi chép nào về lịch sử hình thành làng nghề, không ai nhớ ông tổ của nghề là ai. Người dân ở đây chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, làng đã có nghề này, ông cha của họ cứ đời này qua đời khác truyền lại cho con cháu sau này và cho đến ngày nay Giáp Nhất vẫn là nơi “giữ hồn Việt” vào những chiếc khăn xếp.
Theo các cụ kể lại, làng khăn xếp khi xưa hoạt động rất nhộn nhịp nhất là vào thế kỉ XIX. Mỗi nhà đều có hàng nghìn chiếc khuôn để làm khăn. Nhưng kể từ sau năm 1945, khi văn hóa phương Tây ra nhập vào Việt Nam, chiếc khăn xếp dần dần không còn chỗ đứng nữa.
May thay kể từ năm 1990, người dân trong làng bắt đầu quay lại với nghề, chung tay khôi phục làng nghề. Sản phẩm khăn xếp lúc này đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người dân đã có thể sống được bằng nghề. Những năm 1990, 1992, người dân nơi đây chỉ làm khăn đen nhưng sau đó bắt đầu làm khăn màu và khăn hầu. Ngày nay, do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều đã kéo theo sự ra đời và phát triển nhiều loại khăn khác nhau như khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng.
Quanh năm người thôn Giáp Nhất bận rộn với công việc làm khăn, nhưng những dịp khăn xếp bán chạy nhất là vào tháng Giêng, tháng Hai, tháng Tám và tháng Chạp âm lịch, bởi đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội trên toàn quốc. Các sản phẩm làm ra sẽ được bán cho các nhà buôn ở phố Hàng Quạt (Hà Nội), rồi được xuất đi cả nước.
Xưa kia khăn chỉ có hai màu là màu đen và màu đỏ. Màu đen dành cho các cụ ông và màu đỏ của các cụ bà. Khăn được uốn chủ yếu là 5 xếp, 7 xếp hoặc 9. Sở dĩ phân chia ra nhiều loại như vậy bởi theo lời kể của các nghệ nhân làng Giáp Nhất, người xưa có để lại một lề lối cổ truyền về việc đội khăn xếp đối với đàn ông, ở tuổi khác nhau đàn ông sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau. Như đàn ông từ 50 – 60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có chữ Thọ hay không đều được. Từ 70 – 89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, có chữ Thọ ở trên. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng, chữ Thọ ở trên.
Trước đây khăn xếp chủ yếu được làm với duy nhất một màu đen cho đàn ông đội, nhưng để thích ứng với nhu cầu của xã hội, khăn xếp dần dần được chuyển sang đủ các loại màu và mẫu mã sử dụng với các mục đích khác nhau: khăn đen, khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô dâu, khăn chú rể, khăn biểu diễn, khăn tế, khăn hầu đồng…
Quy trình làm ra được một chiếc khăn xếp không hề đơn giản, mà có tới 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa văn… Đặc biệt trong khâu quấn xếp, người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ, chặt tay để các nếp không bị xô lệch và đều tăm tắp. Đây là phần việc khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả quy trình làm khăn xếp. Một chiếc khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn; độ dày các lớp phải đều nhau; cao độ của từng lớp phải hợp lý. Những người chưa có kinh nghiệm hay cẩu thả thì không thể làm ra được những chiếc khăn đẹp.
Chất liệu để làm khăn trước đây là nhiễu, vải lượt hay sa tanh. Cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm bằng chất liệu tốt hơn như sa tanh, bóng, phi, nhung, gấm… ở bên ngoài; bên trong là vải sợi lót; cốt khăn làm bằng mút xốp. Những lớp khăn được gắn chặt bằng keo công nghiệp chứ không phải là hồ dán tự chế như trước kia. Với nhu cầu của cuộc sống hiện đại, khăn xếp sau khi hoàn thành có thể được vẽ, trang trí bằng gel và gắn kim sa.
Sau khi được quấn hoàn thiện, những chiếc khăn phải trải qua công đoạn sấy khô. Mùa đông không có nắng, chiếc khăn xếp sẽ được xếp vào lò và sấy bằng than tổ ong. Mỗi một chiếc lò sấy có thể để được khoảng 200 chiếc
Theo các nghệ nhân làng nghề khăn xếp Giáp Nhất, khăn xếp miền Bắc vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn khăn xếp miền Trung, miền Nam thì cách tân nhiều.
Điểm thứ nhất là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Điểm thứ hai là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng.
Một điểm khác biệt nữa cũng rất dễ nhận thấy đó là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.
Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, vì thế một ngày nghệ nhân chỉ làm được 2 đến 5 chiếc khăn. Bây giờ, với sự phát triển của xã hội, các nguyên liệu đã sẵn có hơn, các hộ chia nhau đảm nhận một trong các công đoạn làm giúp cho việc làm khăn xếp không tốn nhiều thời gian và công sức. Giá một chiếc khăn xếp cũng phụ thuộc vào chất liệu và mục đích sử dụng, trong đó, khăn “dân tộc”, khăn chầu có giá khoảng 20.000 đồng/chiếc đến 200.000 đồng/ chiếc tùy loại.
Thôn Giáp Nhất có hơn 1000 hộ dân nhưng hiện tại chỉ còn khoảnh 140 hộ vẫn theo nghề trong đó có 5 đến 7 hộ làm chính. Tuy công việc lương không cao nhưng khá nhẹ nhàng này lại rất phù hợp với những người già đã hết tuổi lao động. Rất nhiều cụ già trong làng vẫn miệt mài quấn khăn hằng ngày để kiếm thêm thu nhập.
Tuy khăn xếp không có giá trị cao về mặt kinh tế, nhưng nó lại mang giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Khăn xếp lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc. Điều đó còn quý giá hơn cả tiền bạc. Làng nghề Giáp Nhất chúng tôi không bao giờ bỏ nghề này. Mỗi khi gặp khó khăn, người dân làng Giáp Nhất tự động viên nhau rằng làm khăn xếp là đang giữ gìn ‘quốc hồn’ của dân tộc. Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, song bằng sự nỗ lực và lòng yêu nghề của các nghệ nhân Giáp Nhất nên cái nghề giữ gìn “hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị “thất truyền”. Việc duy trì sản xuất cũng chính là tiếp tục giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của cả dân tộc.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram