Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (hay làng Chăm Irahani), ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Đây là nơi gìn giữ và lưu truyền phương thức dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Chăm.
Người dân Mỹ Nghiệp kể rằng, vào thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar khi đặt chân đến đây và nhận thấy khí hậu nơi này thích hợp trồng bông lấy tơ dệt vải, bà đã truyền nghề cho ông bà Xa ở làng Chaleng (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay). Lần hồi, nghề dệt được chia sẻ rộng rãi và phát triển đến tận bây giờ, thu hút bước chân du khách cả trong và ngoài nước.
Nếu ở các làng nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì ở làng Mỹ Nghiệp hầu hết những người thợ dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi, dệt vải bên khung cửi còn con trai cắt, may thành sản phẩm.
Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng, để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống rất vất vả…Ngay cả khâu tìm màu nhuộm cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu. Muốn có màu đen làm nền, phải nhuộm tấm thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non bảy ngày đêm liên tục; muốn có màu đỏ phải có mủ cây cánh kiến ở trên rừng cao; còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm…
Công đoạn chọn màu đã khó, nhưng công đoạn phối màu còn khó hơn. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối…như những họa sỹ thực thụ. Có như vậy mới tạo nên sự hài hòa, cân đối cho tấm vải. Ngoài ra, dập vải cũng là khâu quan trọng do yêu cầu phải làm đều tay, nếu không vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo.
Sau đó là quá trình dệt. Dệt trên khung vuông hay khung dài sẽ trải qua khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, tùy theo sản phẩm. Quan trọng là quy trình dệt đỏi hòi nghệ nhân thực hiện phải luôn tập trung cao độ, nhịp nhàng, kiên trì cũng như ghi nhớ từng bước cụ thể để làm sao đường nét trên tấm thổ cẩm toát lên tinh xảo nhất.
Điểm độc đáo là mỗi tấm thổ cẩm đều có những nét riêng cho dù cùng được dệt bằng đôi bàn tay tài hoa của một người thợ. Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm, nhưng bạn khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách…bởi mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp khi tạo ra sản phẩm đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm.
Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Chăm, thể hiện sinh động phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào Chăm trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển của mình. Bằng tài năng và lòng yêu nghề, những người thợ dệt Mỹ Nghiệp đang tạo ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống, được khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài ưa chuộng. Với những kết quả bước đầu khả quan, người Mỹ Nghiệp đã làm hồi sinh nghề truyền thống, đã và đang mạnh dạn đưa làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đạt tới đỉnh cao mới, đưa tiếng vang của làng nghề Mỹ Nghiệp bay cao, vươn xa.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram