Từ xưa, những câu ca ấy đi vào đời sống người dân một cách bình dị. Và chiếu Hới là một trong những vật dụng thân thuộc như thế!
Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân (theo tên huyện cũ) là sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng. Cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 40 km, xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông – làng Hới, thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà; là một trong những làng nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời.
Ông tổ nghề – Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ
Theo truyền thuyết kể lại thì vào thời vào thời Tiền Lê – Lý vào thế kỷ X – XI, tại làng đã bắt đầu dệt chiếu, sau đó phát triển mạnh nhất vào thời Hậu Lê. Và người mang công lao lớn nhất thời bấy giờ chính là vị Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Ông là người Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng. Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đỗ Trạng nguyên năm 1481 đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội nên được coi là vị Tam nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông làm quan đến Tả thị lang, Thượng thư.
Phạm Đôn Lễ là người đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ Tam nguyên, hiện bia đá dựng tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội vẫn còn lưu giữ kỳ tích này. hồi nhỏ Trạng nguyên Đôn Lễ sống rất cơ cực. Mẹ của ông bán nước ven làng, còn cha làm nghề chài lưới tại bến đò Cà ven sông Luộc. Ngay khi ông còn rất nhỏ thì người cha đã qua đời.
Năm lên 3 tuổi, Phạm Đôn Lễ bị lạc trong một lần đi chơi ven sông. Một chủ thuyền buôn (sử sách ghi lại là người xã Thanh Nhã, huyện Kim Hoa, tức Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) khi đi qua đây thấy đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú nên đã đưa về nuôi và cho ăn học. Phạm Đôn Lễ càng lớn càng tỏ ra thông minh, học một biết mười. Năm 1481 niêu hiệu Hồng Đức 12, vua Lê Thánh Tông mở khoa thi kén chọn nhân tài cho đất nước, Phạm Đôn Lễ dự thi Hội, thi Đình và đều đỗ thủ khoa. Trước đó ông cũng đỗ đầu kỳ thi Hương. Đó thật sự là một sự kiện chưa từng có trước đó.
Phạm Đôn Lễ được vua Thánh Tông bổ nhiệm làm Hàn lâm viện thừa chí. Ông được vua ban áo mão, ngựa và lộng che về quê vinh quy bái tổ. Lúc này người cha nuôi mới kể sự thật về nguồn gốc lai lịch của ông. Phạm Đôn Lễ trở về làng Hải Triều tìm mẹ. Người mẹ gặp con mà cứ ngỡ như chuyện cổ tích. Từ đó Đôn Lễ đón mẹ về ở chung một nhà.
Năm 1488, trong một lần đi sứ nhà Minh, vị Trạng nguyên này đã tìm hiểu và học được bí quyết dệt chiếu của người Quảng Tây, Trung Quốc. Đó là kĩ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Đến khi trở về, ông đã truyền dạy lại kỹ thuật này cho dân làng. Và từ đó, làng chiếu Hới có nghề dệt chiếu đẹp hơn, nghệ thuật hơn và nổi tiếng hơn cũng vì thế.
Phạm Đôn Lễ còn được biết đến là vị quan rất mực thương dân, tính lại cương trực, ghét bọn nịnh thần. Thời vua Lê Uy Mục (1505-1516), bọn tham quan bắt đầu nổi lên, tìm cách gièm pha hãm hại các bậc công thần. Phạm Đôn Lễ là đối tượng của chúng. Chuyện kể rằng một năm kia đê cửa sông Luộc bị vỡ, Phạm Đôn Lễ cho người xây kè chống sạt lở cửa sông. Trong thời gian này không may công chúa bị ốm nặng. Bọn gian thần đã tấu với vua công chúa bị ốm là do Phạm Đôn Lễ đào đắp đê cửa sông Luộc đã phạm đến long mạch. Vua nghe theo bèn khép tội Phạm Đôn Lễ.
Năm 1531 ông qua đời. Để tỏ lòng tôn kính, tại khu đất Đồng Cời thuộc thôn Mỹ Xá, dân làng đã xây khu lăng mộ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ khá quy mô. Ngoài phần mộ chính của ông còn có các mộ phần của bốn người con trai. Hàng năm, nhân dân lấy ngày 6 tháng giêng âm lịch, là ngày sinh nhật Phạm Đôn Lễ, làm ngày đại lễ nhằm ghi nhớ công ơn dạy dân nghề dệt chiếu. Vào ngày này dân làng mở hội, tế lễ rất linh đình, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ…
Tại làng Hới, quê nhà giáo Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ nay vẫn còn ngôi đền mà người dân thường gọi Đền Quan trạng. Đền có diện tích 660m2 gồm năm gian ngoài, ba gian trong thờ tượng Trạng nguyên. Dân làng Hải Triều đã có bài thơ chữ Hán chạm trên bia đá ca ngợi Trạng Nguyên, được Viện Hán Nôm dịch ra như sau:
Nước sông mênh mang nguồn dòng dài
Nhà từ đường rực rỡ, hương hoa ngát thơm
Vị thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ
Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quạnh
Dáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân
Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành
Phúc thần dạt dào, nhân kiệt địa linh
Từng bước đi đưa hương, báo đáp thần linh
Đời đời thờ thần, mãi mãi hoà bình.
Lịch Sử Văn học Việt Nam còn ghi lại giai thoại cô gái bán chiếu gon bên Hồ Tây ở kinh đô hồi thế kỷ XV. Đó là cuộc gặp gỡ tài tử, giai nhân giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, với những câu thơ đối đáp trữ tình giữa nhà thơ lớn với cô bán chiếu tài sắc:
“Nàng ở đâu đi bán chiếu gon
Phải chăng chiếu bán hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
“Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu bán hết hay còn
Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”
Mãi đến thời nhà Nguyễn, chiếu Hới vẫn là loại chiếu tốt nhất, chưa có loại chiếu nào khác trong vùng cạnh tranh nổi.
Làng nghề chiếu Hới – dệt những tâm tình!
Ngôi làng với hơn 3.000 hộ dân, có đến hơn 80% gia đình trong đó làm nghề dệt chiếu. Qua biết bao nhiêu thăng trầm, những biến cố lịch sử, người dân nơi đây vẫn giữ cho mình ngọn lửa nghề, yêu nghề đến thế và ngày càng đưa tiếng tăm sản phẩm chiếu Hới của mình vang xa.
Nhắc đến kỹ thuật làm chiếu, làng Hới là một trong những nơi hội tụ những kỹ thuật tinh xảo nhất để làm nên một chiếc chiếu. Từ khung dệt, nguyên liệu cho tới người thợ dệt chiếu, tất cả tạo nên một sản phẩm truyền thống không đâu sánh bằng.
Nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm chiếu chính là cói và sợi đay. Đây là 2 loại cây hay được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp, và thật thuận lợi, làng Hới nằm giữa 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc rất phù hợp để trồng những loại cây này. Sau đó những loại cây này được thu hoạch và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận để có thể đạt yêu cầu về nguyên liệu làm chiếu.
Tùy theo từng loại chiếu cần dệt mà các sợi cói, sợi đay sẽ được nhuộm màu theo sản phẩm. Để có thể dệt được một chiếc chiếu đặt yêu cầu thì cần phải đến một đôi tay tỉ mỉ, kinh nghiệm phong phú và những kĩ thuật sáng tạo của người thợ dệt.
Chiếu Hới có rất nhiều loại, có loại chiếu cài hoa, loại lại được làm tròn, loại chiếu sợi xe, … Những người thợ chiếu thường dệt đa dạng những loại hoa văn khác nhau từ bông hoa, cải chữ thọ, chữ lồng, hay vẽ, … Trung bình mỗi ngày người dân làng nghề dệt chiếu Hới dệt máy sẽ làm được 20 đôi chiếu. Thông thường, thời gian mỗi hộ dân dệt chiếu sẽ vào khoảng 8 tháng, những tháng còn lại thì họ dành cho đồng ruộng.
Những người thợ dệt chiếu hàng ngày làm ra những sản phẩm tốt về chất lượng và đẹp cả về hình thức, mang trong đó là cả những tâm tình của người thợ dệt nên. Đến khám phá làng nghề dệt chiếu Hới, bạn sẽ được trải nghiệm không gian vô cùng thú vị và mới lạ, không chỉ từ những bước chọn cói, chọn dây, mà bạn còn được tận mắt chứng kiến những người dân chân chất, phóng khoáng tại đây tự tay làm nên một chiếc chiếu như thế nào. Từng công đoạn, từ bước tỉ mỉ, cần mẫn, dưới đôi bàn tay của người thợ chuyên nghiệp, những chiếc chiếu đẹp hoàn hảo được hoàn thiện.
So với những loại chiếu ở nơi khác, chiếu Hới mang đến cảm giác hoàn toàn khác biệt và chất lượng cùng kỹ thuật đan điêu luyện. Cho đến ngày này, những sản phẩm này của làng nghề dệt chiếu Hớicó giá trị ngày càng tăng cao, du khách tìm đến nơi đây không chỉ vì tiếng đồn vang xa mà còn bởi chất lượng tuyệt vời mà những người thợ khéo tay làm nên! Hiện nay, nhiều hộ dân đã giữ nghề bằng cách truyền dạy cho lớp trẻ. Do vậy những đứa trẻ Tân Lễ độ tuổi lên 7, lên 8 đã biết lựa sợi, chuốt đay. Đó là những mầm xanh giữ lại nghề truyền thống ngàn tuổi mà cha ông để lại.
Những chiếc chiếu Hới đã góp phần lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của làng nghề.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram