Đan cói là một trong những nghề lâu đời nhất ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Tiền Hải không chỉ là một phần của quê lúa Thái Bình mà còn là vùng đất của du lịch sinh thái, hải sản tươi ngon và đặc biệt là những cánh đồng cói xanh ngút ngàn. Người dân Tây An, xã Tiền Hải đã có lịch sử sinh sống trong cái nôi của nghề từ bao đời nay nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, khéo léo, nhạy bén và đam mê sâu sắc với nghề.
Xưa khi, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn người dân trồng cây cói, thu hoạch và sản xuất ra cặp cói và mũ cói bán trong nội địa để kiếm thêm thu nhập. Dần dần khi xã hội phát triển các sản phẩm của làng nghề dần được giới thiệu và xuất khẩu sang nước ngoài.
Làng nghề đan mũ ở xã Tây An huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình là làng nghề có hơn 1.500 công nhân. Đối với những người chỉ cần có chút sáng tạo thì có thể làm thành chiếc mũ đội đầu từ bất cứ chất liệu gì. Tuy nhiên để làm ra được chiếc mũ được khách hàng ưa chuộng, để bán được với số lượng lớn thì thật chẳng dễ dàng gì.
Để có được sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cả một quy trình cầu kỳ và khắt khe ngay từ khâu chọn nguyên liệu, nhuộm cói, đan và hoàn thiện sản phẩm. Lựa chọn nguyên liệu tự nhiên là cói qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề đã trở nên tinh xảo, đẹp mắt. Cói sau khi được thu mua về sẽ đem phơi, ủ và bắt đầu cho ngâm vo để xử lý mốc. Tiếp đó, cói được đưa vào máy tuốt mào và cho nhuộm qua một lớp màu cải với hạt trắng để cho ra màu đẹp mắt, sau đó cói được đưa ra ép cói cho mềm. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, cói phải được lựa chọn tỉ mỉ từng sợi, những sợi cói phải láng, đẹp, rồi mới phân loại theo độ dài, chọn sợi to, sợi nhỏ và đồng màu. Tuyệt đối không để hai màu đan vào nhau, các lan phải đều màu mới tạo ra được sản phẩm cói đẹp. Sau khi chọn ra những sợi cói đạt tiêu chuẩn thì những người thợ sẽ bắt tay và đan để tạo thành phẩm. Những sản phẩm sau khi được đan hoàn thiện sẽ được đem ra phơi, sấy khô. Cuối cùng, sản phẩm được cắt tỉa, treo tem và đóng gói để bán ra thị trường.
Nổi tiếng là nghề đan mũ nhưng ở đây không chỉ đan mũ mà còn đan cả túi, ró. Cái tên nghề đan mũ được gọi chung cho cả nghề đan là vì lúc đầu ở đây chủ yếu là đan mũ lỗ. Đan mũ lỗ cần nguyên liệu là sợi bằng giấy, sợi này phải nhập ngoại, công nghệ đan hơi phức tạp. Đan các cặp túi thì nguyên liệu chủ yếu là đay tơ. Sản phẩm đan xong được nhúng màu, may vải lót, làm quai và hoàn thiện là có thể đem bán. Đan ró, mũ bằng cói không khó nhưng quan trọng là khâu xử lý cói. Nguyên liệu cói phải được xử lý sao cho trắng, đẹp, không mốc thì sản phẩm đan xong mới đẹp và bắt mắt.
Người có tay nghề thạo mỗi ngày cũng kiếm được hơn 20.000 đồng từ đan mũ. Trẻ con, người già những lúc nhàn rỗi có thể đan mũ. Những người ban ngày đi làm việc khác, vào buổi tối cũng có thể đan mũ để kiếm thêm thu nhập.
Nghề đan mũ ở Tây An nay đã lan rộng ra địa bàn hơn 20 xã trong huyện Tiền Hải, tạo việc làm cho hơn 1.500 người. Từ ngày có nghề đan mũ trẻ con ít chơi bời lêu lổng, người lớn ít uống rượu chè, cuộc sống nông thôn ở đây thay đổi đáng kể. Nhiều hộ gia đình trước đây khó khăn, từ khi có nghề đan mũ đan trở nên no ấm có gia đình còn tiết kiệm xây được nhà mới.
Nhờ sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu nước ngoài, giờ đây những sản phẩm từ cói không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trở thành thương hiệu có tên tuổi ở thị trường các nước đang được ưa chuộng. Đây là niềm tự hào cũng như là động lực để những người dân Tây An tiếp tục duy trì nghề đan cói truyền thống, làm giàu cho quê hương.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram