Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sắc đỏ trên làng hương Văn Quan – đậm đà vị Tết

Mấy tháng trước Tết Nguyên Đán, con đường làng ngập tràn sắc đỏ thẫm của những bó tăm hương, thoang thoảng trong gió mùi thảo mộc, cùng Về làng tới thăm làng nghề làm hương đen truyền thống – làng Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Dâng hương, hay còn gọi là thắp hương là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian của người phương Đông nói chung, cũng như của người Việt nói riêng. Nghi thức dâng hương xuất hiện từ rất sớm và đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống cũng như trong tập quán thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam. Nén hương như cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất và các vị thần. Ở miền Bắc, có rất nhiều làng nghề sản xuất hương nhưng nổi tiếng với sản phẩm hương đen chính là thôn Văn Quan.

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình gần 40 km, làng hương Văn Quan thuộc xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một trong những làng nghề làm hương lâu đời.

Không biết nghề làm hương có từ khi nào, chỉ biết từ khi được sinh ra, người dân trong làng đã được cha ông truyền dạy và lớn lên chọn nối nghề làm kế sinh nhai. Trước khoảng sân nhỏ của khắp các ngôi nhà lớn nhỏ trong thôn, những bó tăm hương được nhúng màu đỏ hồng, trải bung nở xòe trên nền xi măng.

Theo những bậc cao niên trong làng, sản xuất hương phải qua nhiều công đoạn. Chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nghiền, pha trộn, se hương, nhúng hương đến phơi và đảo hương đều được thực hiện hết sức cẩn thận. Được biết, nguyên liệu chủ yếu để làm hương đen của người Duyên Hải là thân cây đỗ tương, cây hương bài đốt lấy tro, dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại hương vị như: Trắc bách diệp, xuyên quy, xuyên đại hoàng, tùng bạch chỉ, hoàng đàn, đinh hương… theo người dân nơi đây, hương đẹp là loại hương bảo đảm được màu sắc, mùi thơm, se đều, đốt lên cháy bén, ít khói.

Từ bột hương, muốn se thành nén hương cần có tăm hương. Se hương thủ công cũng cần phải có kỹ thuật, về chặt quá hương không cháy được, vê lỏng tay hung dễ bị bở vỡ, vê không đều que hương nhìn không đẹp mắt. Theo kinh nghiệm của những người thợ làm hương lâu năm, tăm hương phải được chọn từ những cây nứa bánh tẻ để chân hương bảo đảm độ dẻo dai, tạo độ cong cho cây hương.

Anh Ngô Văn Huỳnh cũng là thành viên trong một gia đình có truyền thống làm hương. Anh Huỳnh cho biết: “Nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm nghề nghiệp không cho phép người Duyên Hải làm hương cẩu thả. Hương làm xong được trải phơi trên nền sân sạch sẽ. Phơi hương cũng phải nâng niu, nhẹ nhàng, cẩn thận, nếu nắng giòn, vàng thì chỉ cần một ngày, còn nếu trời râm, ít nắng thì hai, ba ngày là hương xuất bán được”.

Những tháng cuối năm 2020, các gia đình làm hương thôn Văn Quan đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu dùng. Ngoài hương đen truyền thống, hương đỏ xuất khẩu, các hộ còn sản xuất hương thơm theo yêu cầu của mỗi đơn hàng, thành phần 100% thảo mộc, làm ra nhiều loại hương có mùi thơm khác nhau, tiêu biểu như: Hương khuynh diệp, hương quế chi, hương tùng bách…. Những loại hương thơm này không những tốt cho sức khỏe, mà còn có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng, hít vào sảng khoái tinh thần.

Thôn Văn Quan, xã Duyên Hải hiện có 465 hộ sản xuất hương thơm. Nghề làm hương ngày một phát triển, tuy nhiên, sức cạnh tranh từ thị trường cũng ngày một lớn. Ðể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, người làm hương ở Văn Quan không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm; hương làm ra không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thân thiện với môi trường.

Không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, hương Duyên Hải còn là biểu tượng cho tấm lòng thành kính của những người đang sống đối với người đã khuất. Mùi hương thơm ngát, nhè nhẹ lan tỏa, khói hương cuộn bay lên mờ ảo, nhưng đằng sau đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, là sự yêu nghề và là cái tâm của những người làm nghề sản xuất hương thơm. Nghề làm hương đen làng Văn Quan tính đền này nay đã trải qua hàng trăm năm lưu giữ, phát triển, thể hiện nét đẹp trong văn hóa làng nghề dân tộc Việt Nam, mang đậm những giá trị về tâm linh, văn hóa.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x