Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tinh hoa nghề chạm bạc Đồng Xâm

“Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc” – Đó là câu hát trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Vĩnh An chính là để nói về nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng ở Thái Bình.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, tên cũ là Đường Thâm, nằm ở bên hữu ngạn sông Đồng Giang, thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đến gần làng, bạn sẽ nghe văng vẳng đâu đó âm vang chạm khắc trong không gian yên bình của một đồng quê lúa bát ngát. Sau tiếng đục, tiếng hàn, là biết bao sản phẩm với hoa văn tinh xảo được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân Đồng Xâm. Khắp những đường làng ngõ xóm âm thanh đó liên tục vang lên đủ để thấy không khí lao động sôi nổi của những nghệ nhân nơi đây.

Tương truyền nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có từ thế kỷ 15. Dân gian tương truyền, có một người đàn ông từ Châu Bảo Lạc (Cao Bằng) đi thuyền nan xuôi dòng, dừng bên bờ Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho dân làng.

Còn theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu chính là người đã về đây truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc, theo mô hình, một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ… Thuở ban đầu, làng làm nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, … sau mới chuyển sang làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Làng được hình thành vào cuối thời Trần – Hồ (cách đây 600 năm) còn nghề chạm bạc thì mãi sau mới xuất hiện.

Nhờ có nghề chạm bạc mà cuộc sống dân làng Đồng Xâm ngày càng sung túc. Để tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề – cụ Nguyễn Kim Lâu, dân làng lập đền thờ ông và gọi là Đền Đồng Xâm. Hàng năm, lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức trong 5 ngày từ 1 – 5/4 âm lịch thu hút lượng lớn khách thập phương về dự. Đặc biệt lễ hội là dịp các phường bạc ở khắp nơi về tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề.

Làng Đồng Xâm có hệ thống di tích đồ số nhất tỉnh Thái Bình. Quần thể di tích này gồm: đền Đồng Xâm, nhà thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu, chìa Thượng Gia (Kim Thiền Tự), đền Bà và chùa Thượng Hòa đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991. Hiện nay tại đền Đồng Xâm vẫn còn lưu giữ được nhiều loại sắc phong của nhiều đời vua như sắc phong của vua Cảnh Hưng, vua Thiệu Trị, vua Khải Định. Đây là những tài liệu quý và rất có giá trị về lịch sử, về những bậc hiền nhân đã có công với dân làng.

Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, mang tinh hoa nghề chạm bạc đến khắp mọi miền đất nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm vào tận cố đô Huế để chạm trổ cung đình, chế tác đồ trang sức cho triều đình. Cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.

làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Khi nghề mới phát triển chỉ có ít người theo, nhưng đến nay đã có gần 2.000 người thợ gắn bó. Cả làng làm nghề, các gia đình cứ cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Mặc dù ngày nay thợ ở các nơi khác cũng học được nghề chạm bạc Đồng Xâm, nhưng nét chạm thì vẫn không thể giống như đích thân thợ Đồng Xâm làm ra.

Nghề chạm bạc là nghề công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi tài năng, sự sáng tạo trong mỗi công đoạn. Để có được một sản phẩm chạm bạc, người thợ phải làm qua rất nhiều công đoạn. Hàng chạm bạc Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội hơn so với hàng bạc của nơi khác các kiến thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm phong phú và đa dạng, tinh vi ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.

Công đoạn nghề có 10 công đoạn khác nhau nhưng công đoạn chính là trơn, đậu và chạm. Trơn có nghĩa là cắt xẻ nguyên liệu, đấu hàn các chi tiết, thành các hình khối theo yêu cầu của sản phẩm. Đậu là chậm những chi tiết hoa văn. Để làm nổi chi tiết hoa văn, người thợ phải tiến hành dát tán vào bàn xi, rồi lại dùng ve để đục cho nổi hình lên, rồi đảo mặt để chạm, chênh, bong, tỉa, hạ và làm nhẵn. Chạm là công đoạn khó nhất. Người thợ chạm cần thấu hiểu sự sáng-tối từ ánh kim loại để tạo hình cho sản phẩm, vậy nên họ phải có trí tưởng tượng phong phú và thực sự am hiểu chi tiết góc cạnh của sản phẩm.

Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng nghề Đồng Xâm làm ra 2 tác phẩm lớn là tác phẩm Đoan Môn và tác phẩm Vua Lý Công Uẩn dời đô. Riêng nghệ nhân Lê Thanh cũng có tác phẩm “Hoa Sen Chùa Một Cột” được dùng làm quà tặng ngoại giao nhân chuyến thăm Myanmar của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim… nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm, người Đồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Đến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Đồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền.

Hiện nay, sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh chất liệu đồng, nhắm vào phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương, các con vật thiêng trong tứ linh), đồ trang trí dây chuyền, hoa tai, nhẫn, châm, vòng, thánh giá, lắc và loại “hàng mỹ nghệ” được sản xuất hàng loạt theo công nghệ dập khuôn trước, thợ thủ công trạm trổ sau. Về thẩm mỹ, các doanh nghiệp vẫn xoay quanh việc phát triển họa tiết hoa văn đánh vào nhóm người trung tuổi, có xu hướng hoài cổ. Nghề chạm bạc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, từ chiến tranh đến thời bao cấp, đã từng đình đốn, lao đao và chỉ đổi khí sắc khi bước vào cơ chế thị trường. Dẫu vậy nhưng từ xưa đến nay, thợ bạc Đồng Xâm luôn lấy chữ tín, chữ tài làm trọng và tinh hoa kỹ thuật nghề nghiệp của đất nước, quê hương để truyền dạy cho con cháu, giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề của vùng quê Việt Nam.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x