Làng nghề hương Đông Khê, Hoằng Quỳ, Hoằng Hoá, Thanh Hoá là làng nghề truyền thống hàng trăm năm nổi tiếng với nhiều loại hương chất lượng phục vụ khách hàng đóng góp tích cực vào sự phát triển làng nghề truyền thống.
Là làng nghề có lịch sử hàng trăm năm tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ cha ông đến nay làng nghề hương Đông Khê vẫn được duy trì và phát triển bền vững với nhiều loại hương khác nhau phục vụ khách hàng gần xa. Chủ yếu phải nhắc đến là loại hương xào, hương trăm, 2 loại hương nổi tiếng của làng nghề và được sản xuất nhiều nhất.
Ngày 21/01/2015, làng nghề hương Đông Khê được chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá công nhận: “làng nghề hương truyền thống” theo quyết định số 203/QĐ – UBND.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương không biết có tự bao giờ, những người đưa nghề về làng cũng không ai nhớ, chỉ biết từ lâu làng đã có nghề làm hương thủ công truyền thống. Nhưng theo lời các cụ già kể lại thì ông tổ nghề làm hương có thể là do ông Đoàn Nhân Cảnh học được ở vùng ngoại thành Đông Đô( Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) đem về dậy cho dân làng. Cũng có ý kiến cho rằng nghề này là do cụ Thượng thư Lưu Đình Chất khi đi sứ nhà Thanh, triều đại Minh Thế Tông đem về truyền lại cho dân làng. Bằng truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, lớp lớp cha ông làng Đông Khê đã gìn giữ và phát huy nghề làm hương trong các dịp tết cổ truyền của dân tộc.
“Hương ngửi xa, hoa ngửi gần” đó là câu châm ngôn mà người dân làng hương cổ truyền Đông Khê vẫn lưu truyền hàng trăm năm qua cho con cháu.
Nghề làm hương của làng đặc biệt và nổi tiếng bởi đó là loại hương trầm và chỉ làm hương thắp trong dịp tết cổ truyền để thờ cúng ông bà tổ tiên. Có phải vì thế mà hương tết ở đây mùi nhẹ dịu, sâu lắng mà ấp áp lạ thường. Hương tết nhìn thì thấy thật đơn giản. Nhưng để có được những nén hương ưng ý là cả sự kỳ công của người thợ.
Với người làng Đông Khê, để cho ra một mẻ hương tốt, người làm hương phải chuẩn bị các loại nguyên liệu chính như tăm hương, nhựa hương và than phụ gia. Phần tăm hương được làm chủ yếu bằng tre hoặc nứa. Cây tre được cưa ra nhiều đoạn ngắn dài khác nhau tùy vào từng loại hương, sau đó được chẻ nhỏ ngâm xuống nước độ 3 – 4 tháng rồi vớt lên phơi kỹ qua nắng, qua sương nhiều ngày trời để tre thật khô, thật giòn. Có vậy, khi đốt lên cây hương sẽ cháy đều, cháy đến tận chân hương, tàn hương thì uốn cong mà không gãy ngang bất chợt.
Sau công đoạn phơi khô chân hương, người thợ sẽ tiến hành làm nhựa hương. Nhựa hương là loại nhựa đảm bảo các yếu tố đó là dẻo, nhuyễn, thơm và dễ cháy. Người làm hương thường dùng nhựa của cây bùi, cây trám bởi nó có màu trắng, dẻo, đốt lên có mùi thơm và dễ cháy. Công đoạn thứ 3 là làm than phụ gia để tăng thêm độ cháy, đó là than của các loại gỗ nhẹ như than cây xoan, cây muồng dại, than của tàu lá chuối khô. Quan trọng thứ nữa là làm lớp bọc ngoài của hương bao gồm rễ của cây hương bài, hoa hòe, quế chi, trầm hương được tán nhỏ. Tất cả các thành phần được đem nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ. Thường thì người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền. Điều mà nhiều người thợ giỏi thường nói rằng: “sự đặc biệt về tỉ lệ chính là điều quanh trọng nhất tạo cho sản phẩm có được hương thơm và độ bền nhất”.
Nhờ vào thương hiệu sản phẩm chất lượng từ lâu đời và những đôi bàn tay người dân làng nghề hương Đông Khê mỗi năm một chủ cơ sở tại đây có thể bán hàng nghìn thùng hàng mang lại cuộc sống và nguồn thu nhập ổn định cho người dân góp phần phát triển làng nghề hương Đông Khê nói riêng và Thanh Hoá nói chung.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram