Làng Do Xuyên, Ba Làng, Tĩnh Gia năm ở vùng duyên hải của Thanh Hóa. Nơi có các làng chài truyền thống với các sản phẩm nổi tiến như : Nước Mắm chắt cá cơm, Mắm tôm, Mắm chua Ba Làng.
Các loại mắm tôm ,mắm cá là thành quả của những vụ mùa đánh bắt bội thu các sản vật của biển. Nghề làm mắm có lẽ bắt nguồn từ đó. Theo những bậc cao niên trong làng kể lại thì nghề làm mắm có từ rất xa xưa (trước cả thời pháp thuộc). Do cá đánh bắt được nhiều không dùng hết nên ngư dân đã nghĩ ra cách muối cá để dành, và tinh túy của cá muối là thứ nước chấm vàng óng, đặc sánh và thơm lừng mà bà con gọi là nước mắm chắt.
Theo truyền thuyết và các chứng cứ lịch sử, cách đây hàng ngàn năm vùng đất này đã có dân cư sinh sống làm ăn rất trù phú. Hiện trên địa bàn này còn lưu giữ những kiến trúc đặc sắc như chùa Đót Tiên, đền thờ Quang Trung, đền Cửa Bạng, đền Thanh Xuyên, Nhà thờ Ba Làng, các nhà thờ họ … tất cả đều có niên đại từ 100-400 năm.
Đến với điểm thăm quan này, ngoài thú chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, du khách còn được tìm hiểu những nét đặc sắc, đa dạng trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương và thưởng thức các đặc sản nổi tiếng.
Thời hưng thịnh của mắm Ba Làng, tại làng Do Xuyên, cả làng có đến 300 hộ làng nghề. Bước chân vào cổng làng đã nghe mùi mắm dậy lên thơm phức và bắt gặp quang cảnh nhà nào nhà nấy chum vại, ang chậu phơi khắp trong sân ngoài vườn, thương lái quang gánh nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền… Hiện tại, Do Xuyên còn hơn 50 hộ làm nghề. Nước mắm Do Xuyên được bán rộng rãi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Do Xuyên, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Vì là nghề truyền thống nên hầu hết các khâu làm nước mắm đều là thủ công. Mắm Do Xuyên được chế biến từ cá cơm, đánh bắt vào tháng ba âm lịch và không rửa bằng nước ngọt vì nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu dễ bị hỏng. Những thùng, chum, vại muối phải làm bằng gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít mới đúng cách.
Khi trộn cá chú ý, sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát, xếp từ từ từng lượt vào chum vại đựng cá muối. Phía trên cùng đặt một lần vỉ đan bằng tre, hoặc mo cau khô gài lại. Đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn các muối lại. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men mầu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra. Cá muối vào tháng ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm, nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc mắm. Nước mắm chảy từ từ, có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn.
Và điều quan trọng nữa là muối ướp cá phải là thứ muối lấy từ vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Hạt trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo, trong năm đến bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng , sau đó cho vào vại cất vài năm trước khi đem làm.
Lịch sử hình thành lâu đời, cùng vị thế quan trọng của nó trong sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương đã đưa nghề và các làng nghề nước mắm ở xứ đạo Ba Làng trở thành một “sản phẩm văn hóa” độc đáo của cư dân miền biển. Người làm nước mắm nơi đây, qua bao đời, vẫn giữ được nét tính cách chất phác và dễ gần như bản chất người miền biển. Dẫu cái nghề của họ đang phải va chạm khốc liệt giữa thời buổi kinh tế thị trường, thì vẫn còn không ít người làm nghề giữ được “tâm nghề”, để không phải áy náy hay hổ thẹn với nghề đã được cha ông gây dựng và trao truyền lại, suốt mấy trăm năm.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram