Làng Thịnh Mỹ hay còn được gọi là làng Mía, xã Thọ Diên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh gai Tứ Trụ. Khởi phát từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV, những người dân làng Mía vẫn miệt mài giữ và phát triển nghề ngày một hưng thịnh hơn. Bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng là món quà quê dân dã. Vị ngọt thơm trong chiếc bánh đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức.
Theo người dân Làng Mía, nghề làm bánh nơi đây có nguồn gốc từ thời Hậu Lê, thế kỷ 15. Thời đó, bánh được làm trong mỗi dịp hội làng, là sản vật được dùng để tiến vua Lê và trong các dịp giỗ, Tết, đình đám quan trọng của quốc gia. Vì vậy bánh gai Tứ Trụ còn có tên gọi khác là bánh tiến Vua. Ngày nay, bánh gai Tứ Trụ đã trở thành món quà quê phổ biến, níu chân nhiều du khách khi có dịp ghé thăm xứ Thanh. Đó cũng là tâm tình, mỗi khi ai đó muốn “nhờ” nó gửi gắm chút tình cảm quê hương ấm áp và thân thuộc đến những người xa xứ.
Xã Thọ Diên hiện có 79 hộ gia đình làm bánh gai, hàng trăm hộ sản xuất nguyên liệu làm bánh.. Hiệp hội làng nghề bánh gai Tứ Trụ làng mía xã Thọ Diên đã được thành lập, tạo mối liên kết trong sản xuất. Các hộ sản xuất cũng đã chủ động đầu tư lò hấp, nhãn mác, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, doanh thu từ sản xuất bánh gai năm 2017 đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với các năm trước, giải quyết việc làm gần 1000 lao động địa phương.
Làm bánh gai không khó, nhưng lại rất kỳ công, đòi hỏi người làm bánh gai phải tỉ mỉ, chăm chút. Lá gai phải được hái từ khu vực bãi bồi ven sông Chu, sau đó đem được rửa sạch, luộc kỹ rồi vắt nước cho khô, xay nhỏ. Công đoạn tiếp theo là trộn lá gai với bột nếp (thường là nếp hoa cau, nếp hoa vàng). Hỗn hợp gồm lá gai, bột nếp, mật mía được trộn đều sao cho thật nhuyễn, rồi đem ủ qua đêm, sau đó tiếp tục giã. Nhân bánh được làm từ dầu chuối, đậu xanh xay vỡ, ngâm và đãi võ, sau đó nấu hoặc đồ lên. Khi đậu chín, cho vào cối giã cùng với đường đến khi thu được hỗn hợp mịn. Ngoài ra, để tạo vị ngậy, béo nên sẽ dùng một ít dừa nạo rang khô, dầu chuối cần sao cho vừa đủ, nếu nhiều sẽ bị đắng còn ít quá thì không dậy mùi.
Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ nguyên liệu nói trên, người làm tỉ mỉ dùng lá chuối khô gói bánh thật vuông vắn, đẹp mắt. Đây là công đoạn khá quan trọng, bởi nếu gói không khéo, bánh sẽ không bắt mắt, còn nếu gói không chặt, bánh sẽ nhão, ăn không ngon. Cuối cùng là hấp chín bánh, thời gian phụ thuộc vào số lượng mỗi mẻ bánh ít hay nhiều, từ đó điều chỉnh nhiệt độ cao hay thấp, trung bình khoảng 1 giờ là bánh chín đạt yêu cầu.
Trước đây, bánh gai Tứ Trụ thường chỉ được làm trong các dịp giỗ tết, đình đám và đặc biệt để cúng tiến trong các ngày. lễ tết, ngày hội, ngày giỗ húy nhật của thành hoàng. Hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Trải qua hơn 600 năm, nghề làm bánh gai như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Ngày qua ngày, nhịp thở của làng Mía êm ả như dòng chảy của sông Chu, phù sa bồi đắp lên đôi bờ như ban tặng cho người dân làng Mía có đủ cơm ăn, áo mặc, cuộc sống ấm no hạnh phúc, thông qua những cánh lá gai mỏng manh nhưng chĩu nặng ân tình. Nét thầm lặng đó, là đặc trưng của dân làng Mía và là niềm tự hào của cả xứ Thanh. Nó luôn có chỗ đứng đặc biệt và không thể thay thế trong sự phát triển chung của mỗi làng quê vùng trung du.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram