Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề nón lá Trường Giang

Xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa từ bao đời nay đã gắn bó với nghề làm nón lá. Cái nghề tuy không vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” nhưng lại yêu cầu sự cần mẫn, kiên trì cùng những đôi tay khéo léo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh nhưng những người dân nơi đây vẫn đang âm thầm “giữ hồn” cho chiếc nón Việt.

Trước đây, nghề làm nón lá ở xã Trường Giang được xem là nghề phụ, bởi giá trị thu nhập thấp, người dân tranh thủ làm nón lúc nông nhàn chưa có sự đầu tư công sức và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu của thị trường nên nghề làm nón lá lại trở thành nghề thu nhập chính của người dân trong vùng với 3.325 lao động, giá trị thu nhập là hơn 80 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, nghề làm Nón lá xã Trường Giang đang phát triển mạnh với hơn 935 cơ sở lớn, nhỏ, đưa ra thị trường trên 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 85% lao động nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất chưa tập trung, không có tổ chức; chưa có kiểm soát kỹ thuật và mỹ thuật nên chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế; giá trị sản phẩm chưa cao; quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ chưa định hình và thống nhất; việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự túc, tự phát…

Nón lá Trường Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, đẹp và chắc chắn. Tất cả những vật liệu làm ra nón lá Trường Giang đều phải nhập từ nơi khác, thế nhưng tình yêu nghề làm nón đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Từ đứa bé còn là học sinh tiểu học đến cụ già đều nhuần nhuyễn các công đoạn để làm ra chiếc nón.

Một chiếc nón đẹp thì đầu tiên cỗ vòng phải tròn, thứ hai là dây lá phải phẳng và trắng, thắt nón phải nhẵn và mau. Để làm ra chiếc nón trắng, mỏng, bền và đẹp, trước tiên phải có vật liệu, dụng cụ đạt yêu cầu kỹ thuật như: Khuôn gỗ hình chóp nón, kim khâu dùng để chằm; chỉ màu các loại, nilon để chằm nón; bàn ủi sắt dùng để ủi cho lá thẳng và láng; dầu chống ẩm bằng nhựa thông. Lá nón sau khi nhập về phải phơi sương, sau đó đem sấy, phơi khô rồi chuốt cho phẳng phiu mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng tre nứa vót nhỏ, đều, khi nối phải tròn trịa, không được chắp, không gợn.

Sau khi hoàn thành khung nón, đến công đoạn quay nón. Các tệp lá được xếp lại cắt vát một đầu rồi dùng ghim cố định lại trên chóp nón, sau đó bắt đầu quay lá. Quay nón và khâu nón là hai quy trình đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của nghề làm nón. Bàn tay của người thợ bao giờ cũng phải khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết ở mỗi công đoạn khác nhau, bởi nếu ngay từ công đoạn đầu tiên mà làm không tốt sẽ dễ làm cho lá bị rách. Cách cầm kim cũng thật mềm mại, thoăn thoắt trong từng mũi khâu, thẳng đều từ vòng bên ngoài đến vòng bên trong.

Khi làm xong một chiếc nón, phải lấy lửa để hun cho trắng nón, sau đó phết quang dầu cho bóng và không bị mốc, gặp mưa vẫn thẳng, không bị co lại. Để chiếc nón đẹp thêm, ngoài các hoa văn còn kết hợp thêm bằng chữ màu hình hoa sao hoặc trang trí hình bông hoa. Chính nhờ sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng công đoạn cùng với đôi bàn tay khéo léo, cầu toàn của người thợ đã tạo nên thương hiệu nón lá Trường Giang bền, đẹp và được sự ưa chuộng của nhiều người trên cả nước.

Mặc dù không phải là “thủ phủ” của nghề làm nón, nhưng từ bao đời nay người dân làng Trường Giang đã tận dụng thời gian nông nhàn để làm nón lá vừa nâng cao thu nhập gia đình vừa duy trì nét văn hoá đẹp trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Chính quyền địa phương cũng tài nghệ khéo léo của người dân làng Trường Giang, “Nón lá Trường Giang” là sản phẩm làng nghề đầu tiên tại Thanh Hóa được công nhận là một thương hiệu Việt, đồng thời là mô hình mẫu để nhân rộng cho các sản phẩm hàng hóa truyền thống của tỉnh nhà.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x