Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghề dệt sợi gai của người Thổ Thanh Hóa

Tại vùng núi xứ Thanh nơi chủ yếu là đất đỏ, đất đá vôi rất phù hợp với cây Gai sinh trưởng, người Thổ tận dụng lợi thế đó để phát triển nghề trồng Gai và dệt sợi gai truyền thống.

Cần cù như loài ong làm mật cho đời, những Mê, những Ún trong bản làng nghèo khó xưa kia đã ngày ngày chăm chỉ, khéo léo dệt sợi đan lưới, thêu chăn, làm võng, may váy… Cùng với những bí quyết trong cách dệt, những sản phẩm hữu ích này qua nhiều đời đã kết tinh thành giá trị văn hóa độc đáo của người Thổ Thanh Hóa.

Ngoài nghề dệt sợi gai truyền thống, dân tộc Thổ xứ Thanh còn được biết đến với lễ họi Đình Thi độc đáo.

Hàng năm, cứ vào ngày 14, 15 và 16 tháng 3 (âm lịch), đồng bào dân tộc Thổ, ở làng Trung Thành, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân lại tổ chức Lễ hội Đình Thi để tri ân, tưởng nhớ công lao của tướng quân Lê Phúc Thành, người đã có công khai khẩn đất đai, dựng làng, lập ấp mang lại cuộc sống no ấm cho dân làng.

Theo một số tài liệu còn lại cho biết trước kia, Đình Thi được xây dựng trên một gò đất, xung quanh là đồng ruộng và xóm làng. Mặt bằng kiến trúc đền theo kiểu chuôi vồ, bên trong là hậu cung, mặt nền được tôn cao so với sân 50cm, kết cấu vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim. Hiện nay, Đình Thi được tôn tạo, nâng cấp và xây dựng xứng tầm với vị trí, văn hóa và ý nghĩa phù hợp văn hóa tâm linh của người dân tộc Thổ và các dân tộc huyện Như Xuân..

  Nhân vật được thờ trong đền gồm Dương Cảnh Bạch Y thượng đẳng tối linh thần, truyền thuyết địa phương cho là thần nhà trời, nhưng thờ tướng quân Lê Phúc Thành là chính. Trải qua các triều đại, triều đình đều có sắc phong cho thần. Hiện còn lưu giữ được hai sắc phong thời Nguyễn do vua Khải Định và Bảo Đại ban vào năm 1922 và 1934.

Đây là lễ hội đặc sắc, tiêu biểu và duy nhất hiện còn lưu giữ của đồng bào dân tộc Thổ ở Thanh Hóa. Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc và lưu giữ vào kho tàng sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng.

 Sợi gai được dệt từ vỏ cây gai, một loại cây thuộc họ tầm ma, lá của nó thường dùng để làm loại bánh đặc sản – bánh gai. Đi qua nhiều tháng năm, nghề dệt sợi gai đã trở thành tập quán, hình thành nên một thời gian biểu sản xuất tương đối ổn định của đồng bào Thổ nơi đây. Họ tích lũy được kinh nghiệm dân gian quý báu trong việc sản xuất sợi gai như một kỹ năng khá thuần thục, cụ thể: chọn đất Giếng (nương mới phát, tốt màu) để trồng cây gai; trồng từ hạt và tập trung vào mùa xuân để có năng suất; chọn cây lấy hạt làm giống là cây có 1 củ sẽ không bị sâu bệnh và có sản lượng cao. Người Thổ ở Thanh Hóa cũng lão luyện trong việc tìm kiếm vỏ và các loại củ cây để chế làm màu nhuộm sợi cho bền, đẹp như lá Khót vàng, lá Thơm…nhưng kỳ công và tinh xảo hơn cả là quy trình chế tác.

Để dệt những tấm sợi gai như ý, người Thổ chú trọng đến công cụ chế biến sợi như dao bóc sợi, dao tước sợi, nồi đồng to để luộc sợi gai và thanh tre vót nhọn để se sợi. Công cụ để dệt là bàn làm bằng tre, khung cửi dệt hay gọi là khung con cú, đòn ngồi là tấm ghế băng, trục cuốn vải. Khuôn dệt dài được vót nhẵn từ những nan tre già, cỗ go để khi dệt mà dận chân đòn thì tạo được khe hở cho con thoi chạy qua. Con thoi làm bằng gỗ nghiến hoặc bằng sừng, thanh văng được làm bằng cột tre già để giữ cho mặt vải luôn được và đều sợi. Vải dệt từ sợi gai có dộ mịn, đẹp và rất bền được người đương thời đánh giá khá cao cả về hình thức và giá trị sử dụng. Vải sợi gai được dùng để dệt váy, làm khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn.

Nghề dệt sợi Gai là nét đẹp văn hóa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Thổ trên mảnh đất xứ Thanh. Bên khung cửi biết bao đôi nam thanh nữ tú đã nên duyên vợ chồng, cũng từ đây các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng đang được đời nối đời gìn giữ và phát huy. Vì vậy để khôi phục lại nghề dệt sợi Gai trong tương lai cần có những sách lược dài hạn, mang tính ổn định, sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ người Thổ hôm nay. Nếu làm được điều này vốn giá trị văn hóa đã được bao thế hệ người Thổ sáng tạo nên sẽ được lưu giữ và trường tồn cùng thời gian.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x