Trải qua những bước thăng trầm của thời gian, nghề làm ông tiến sĩ giấy – bộ đồ chơi dân gian truyền thống trong Tết Trung thu dần mai một. Mặc dù vậy, ngày nay, trong những mâm cỗ truyền vẫn không thể vắng bóng những ông tiến sĩ giấy như một nét đẹp còn lưu giữ trong văn hóa của người dân Việt Nam.
Sắp đến rằm Trung thu, căn nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Tuyến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật vào mùa, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những đồ chơi truyền thống.
Thời hưng thịnh của ông tiến sĩ giấy
Cô Tuyến bồi hồi kể lại, cô cũng không nhớ rõ mình biết làm nghề từ bao giờ, chỉ nhớ rằng khi còn rất nhỏ cô đã được ông bà, cha mẹ dạy cho cách gấp giấy, vót nan và vẽ mặt lạ… để làm được ông tiến sĩ giấy đầy uy nghi bày mâm cỗ dịp trung thu.
“Ngày ấy, cả làng làm nghề, bởi vậy vài tháng trước rằm tháng Tám không khí trong làng đã rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Những người đàn ông trong gia đình thì đi đẵn tre, vót nan hoặc đi tìm mua nguyên liệu. Đây là một khâu khá quan trọng để làm lên những sản phẩm đẹp chất lượng. Những công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo để làm lên ông tiến sĩ giấy được dành cho các bà, các mẹ. Trẻ con thì hăng hái phụ giúp việc dán hồ và các việc vặt nhẹ nhàng khác. Những ngày này, trong nhà lúc nào cũng có từ năm đến bảy người vừa làm việc vừa pha trò rất vui vẻ”, cô Tuyến bồi hồi nhớ lại.
Cô Tuyến cho biết, thời nghề làm ông tiến sĩ giấy còn thịnh, vào mỗi dịp Tết Trung thu nhà nào cũng mua từ một đến hai bộ nhỏ để bày trong mâm cỗ của gia đình mình. Những bộ to hơn thường được các thôn, xóm mua về để bày trong mâm cỗ chung của cả xóm. Những ông “tiến sĩ” này thường sẽ được giữ lại để thờ cho đến hết năm âm lịch hoặc là hóa đi sau khi kết thúc bữa tiệc trung thu vào tối 15-8 (âm lịch).
“Ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu là biểu tượng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt được làm quan trong triều. Các gia đình bày ông tiến sĩ giấy trong Tết Trung thu thể hiện mong muốn cho con em mình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và đỗ đạt thành người tài”, cô Tuyến nói.
Gìn giữ nét đẹp truyền thống cho Tết thiếu nhi
Giọng cô Tuyến bỗng trầm xuống khi trở về với thực tại, cô bảo, ấy là thời xưa thôi chứ trẻ con hiện đại bây giờ hầu như không biết đến sự tồn tại của những ông tiến sĩ giấy.
“Cũng khó mà trách được khi ngày nay có nhiều đồ chơi thiết bị điện tử thu hút trẻ nhỏ, nên các trò chơi dân gian trước đây cũng dần bị mai một. Nhiều ông bố bà mẹ dẫn con đi chơi ở Bảo tàng Dân tộc học thấy tôi đang dạy các em thiếu nhi làm ông tiến sĩ giấy còn tỏ ra khá lạ lẫm chứ nói gì đến trẻ con”, cô Tuyến cười buồn.
Chia sẻ về tâm huyết của bản thân đối với nghề truyền thống của ông cha, cô Tuyến tâm sự: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống này một phần vì đây là nghề gia truyền không muốn để đến đời mình thì bị thất truyền, một phần cũng là muốn giữ lại những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cho con cháu sau này”.
“Khủng hoảng nhất là những năm từ 1998 đến 2005, hàng làm ra đem ra chợ bán không ai mua, chỉ những người quen trong làng hay một vài gia đình vẫn giữ thói quen mua ông tiến sĩ giấy về bày trong mâm cỗ của gia đình. Cũng vì lẽ ấy mà nhiều người trong làng đã bỏ hẳn nghề để làm những công việc khác cho thu nhập cao hơn. Thời gian đó nhiều lúc tôi cũng định bỏ nghề, nhưng dường như cái nghề nó đã ngấm vào máu thịt của mình nên bỏ không được”, cô Tuyến nói.
Cô Tuyến cũng cho biết, trong những năm gần đây, nhiều trò chơi dân gian đã được khôi phục lại trong đó có nghề làm ông tiến sĩ giấy dịp Tết Trung thu. Nhờ vậy mà nghề gia truyền của gia đình cô lại có cơ hội được “tái sinh”.
“Vào các dịp lễ, Tết, tôi thường được mời đến các khu vui chơi như Bảo tàng Dân tộc học, Nhà cổ 87 Mã Mây hay 38 Hàng Đào hoặc là các trường học để dạy cho các em thiếu nhi cách làm ông tiến sĩ giấy. Dù “học sinh” của tôi làm ra những sản phẩm chưa được đẹp, chưa đúng chuẩn, nhưng tôi nhận thấy sự thích thú của các con khi tự tay làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Không những thế, nhiều du khách nước ngoài cũng khá tò mò về ý nghĩa của món đồ chơi này. Đây cũng là một động lực lớn giúp cho tôi tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông”, cô Tuyến chia sẻ.
Theo cô Tuyến, nghề làm ông tiến sĩ giấy không khó nhưng thu nhập thấp lại là việc làm thời vụ nên các con của cô cũng không mấy mặn mà trong việc giữ nghề truyền thống của ông cha.
“Gia đình tôi có mấy người con nhưng tất cả đều có công việc riêng, chúng chỉ phụ giúp thêm vào tháng cao điểm (những ngày giáp rằm tháng Tám), bởi vậy tôi rất lo sau này không có ai nối nghiệp mình tiếp tục gìn giữ những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu nữa. Nếu có ai đó muốn được học nghề, tôi sẵn sàng truyền nghề, với mong muốn càng nhiều người biết đến ông tiến sĩ giấy và ý nghĩa của món đồ chơi này trong ngày Tết thiếu nhi”, cô Tuyến chia sẻ.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram