Ghé thăm xã Vân Nhân, huyện Phú Xuyên, bạn không thể không đặt chân đến làng Chanh Thôn – làng nghề đồ mộc cao cấp truyền thống. Chẳng biết nghề mộc có ở đây tự bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, thời ông cha ta đã vác hòm, cưa, đục đi khắp mọi nơi.
Người dân Chanh Thôn thường truyền tụng nhau câu hát:
“Hỡi cô yếm thắm má hồng
Muốn nằm giường đẹp, lấy chồng Chanh Thôn
Mùn cưa nhóm bếp thổi cơm
Lấy anh không phải đun rơm, nhọ người….”
Bước chân vào tới đầu làng đã thấy nhịp sống hối hả, rộn ràng qua tiếng máy cưa, máy đục, cả làng ngan ngát mùi hương đặc trưng của gỗ. Người dân Chanh Thôn chăm chỉ, chuyên cần làm đẹp cho bao ngôi nhà, trang hoàng cho bao tổ ấm khi mùa cưới đến. Làng Chanh Thôn là một làng Việt cổ, được thiên nhiêu ưu đãi phong cảnh hữu tình, giao thông thuận tiện. Đó là điểm mạnh để làng nghề phát triển, mở rộng giao lưu với khách hàng.
Cả làng có 348 hộ với 1.450 nhân khẩu, nhưng có tới gần 200 hộ làm nghề chế biến gỗ. 100 hộ có xưởng sản xuất với thiết bị, dụng cụ lao động tân tiến, đem lại hiệu quả năng suất cao. Không còn cái cảnh cưa, đục bằng tay, không còn cái cảnh “Ông phó mộc mình trần, mồ hôi nhễ nhại xẻ, bào gỗ”, trông thật vất vả, mà vừa “ráo mồ hôi là hết tiền”. “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”, câu ca dao ấy chắc cũng từ đó mà ra…
Đa số lực lượng các ông chủ ở Chanh Thôn đều rất trẻ (từ 25 – 45 tuổi). Họ xông xáo, dám nghĩ, dám làm, dám đi tìm hướng kinh doanh mới, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho làng. Lớp trẻ Chanh Thôn biết dựa vào kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất cẩn trọng của lớp người đi trước. Nhiều xưởng kinh doanh sản xuất cũng từ đó có hiệu quả kinh tế cao, điển hình.
Dù làng Chanh Thôn như một khu công nghiệp nhỏ, nhưng ý thức bảo vệ môi trường luôn đứng đầu trong toàn xã Văn Nhân. Tất cả các đường làng ngõ xóm đều được lát gạch, đổ bê tông, cống rãnh không hề có mùi chất thải, môi trường rất trong sạch. Chi bộ Đảng Chanh Thôn chỉ có 63 đảng viên, nhưng Chanh Thôn là chi bộ có sức chiến đấu, gây được lòng tin trong dân.
Làng Chanh Thôn không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là cái nôi của ca trù xứ Bắc – một loại hình âm nhạc cung đình, bác học. Năm 2009, Chanh Thôn chính thức được UNESCO công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian về nghệ thuật ca trù. Ca trù phát triển ở Chanh Thôn từ những năm trước cách mạng tháng 8. Cả làng Chanh Thôn từ em nhỏ cho đến cụ già đều say mê loại hình nghệ thuật này. Câu lạc bộ hát ca trù Chanh Thôn có hơn 50 diễn viên và 1 dàn nhạc với trống, phách và những tay đàn điêu luyện. Câu lạc bộ đã đạt được nhiều huy chương vàng trong liên hoan thi hát các câu lạc bộ ca trù toàn quốc và nhận được nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa thông tin. Lớp Ca nương trẻ luôn được các nghệ nhân dìu dắt tận tình.
Về Chanh Thôn hôm nay, du khách không chỉ được hòa mình vào nhịp sống hối hả, rộn ràng của tiếng máy cưa, máy đục, thưởng thức mùi gỗ đặc trưng mà còn được nghe nhịp phách luyến láy của các ca nương. Chanh Thôn được UNESCO công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian về nghệ thuật ca trù năm 2009. Quả thật là một bức đồng quê đẹp tuyệt vời, biểu tượng cho thời kì nông thôn mới mà Đảng và nhà nước đang thực hiện.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram