Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Mùa thuốc lào Tiên Lãng

Nói đến Tiên Lãng, người ta nhớ ngay đến miền quê thuốc lào nổi tiếng. Và thuốc lào nơi đây đã đi vào tâm thức mọi người qua những câu thơ:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
hay:
“Thuốc lào chồng hút vợ say,
Thằng bé châm điếu lăn quay ra nhà,
Có ông hàng xóm đi qua,
Hít phải khói thuốc say ba bốn ngày”

Không ai biết huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo của Hải Phòng trồng thuốc lào chính xác từ bao giờ và nổi tiếng từ khi nào, nhưng canh tác, sản xuất, chế biến thuốc lào tại đây đã lưu truyền từ đời nọ sang đời kia và trở thành nghề truyền thống của hàng ngàn hộ dân. Ban đầu cây mọc hoang ở bên đường, bãi cỏ, lá xanh mùi hắc, khô nhai thấy đắng, đốt thấy m, vê cuộn đốt hút khói vào họng thấy say đê mê. Sau nhiều người ưa chuộng thành quen, và các sự tích về cây thuốc lào dần được dân gian ca sự. Bên bờ Sông Hàn giữa hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng xưa từng lưu truyền câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau ra bờ sông hóng mát, thấy lá thuốc lào cuộn hút rồi say ngủ quên để đến nỗi chết đuối khi nước triều lên.

Có giả thiết cho rằng thuốc lào được du nhập từ Ấn Độ, Miến Điện, Ai Lao qua những khách buôn. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ghi Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1662), đời vua Lê Thần Tông, người Ai Lao đem cây ấy đến, dân ta trồng. Một giả thuyết lưu truyền khác cho rằng chính Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan (1443-1523), ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người đã có công trong việc tiến loại thuốc lào ngon hảo hạng lên vua.

Tuy nhiên, nếu những gì mà niên biểu thuốc lá đã công bố là đúng thì tới khoảng năm 1556-1558 cây Nicotiana spp. đầu tiên mới xuất hiện tại châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), và năm 1560 Jean Nicot de Villemain mới gửi những cây thuốc lào (N. rustica) đầu tiên về triều đình Pháp, tới khoảng những năm 1592-1598 người Triều Tiên mới biết đến hút thuốc chế từ Nicotiana spp. do người Nhật truyền sang, cũng như những gì Alexandre de Rhodes đã viết trong Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium annamiticum lusitanicum, et latinum…) xuất bản năm 1651 và Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài loại ngữ, thì thuốc lào ở dạng thuốc hút/hít có lẽ đã du nhập vào Việt Nam sau năm 1560 và trước năm 1651 – có lẽ vào cuối thế kỷ 16, ít nhất là sau khi Nhữ Văn Lan đã mất khoảng 40 năm, và người Việt chỉ biết cách trồng cây thuốc lào từ năm 1660 trở đi.

Những người “sành” thuốc lào chỉ nhớ đến Tiên lãng vì từ xa xưa, nơi đây đã sản xuất ra một loại thuốc lào quý tiến Vua. Sách Đồng Khánh dư địa chí lược ghi “thuốc lào xã An Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất” để tiến vua. Thương hiệu độc quyền quốc gia thuốc lào tiến vua được công nhận từ rất lâu đời. Đó là thuốc lào trồng trên đất làng An Tử Hạ, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam sách, trấn Hải Dương, nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Nhiều cụ cao niên ở Tiên Lãng, Hải Phòng còn cho biết thuốc lào tiến vua là loại đặc biệt chỉ trồng riêng ở một khu ruộng gọi là ruộng Chùa ở An Tử. Giống cây thuốc lào ở đây lá nhỏ, dày và năng suất rất thấp, lại được trồng hết sức cầu kỳ. Hai ngày rẽ nhánh một lần, tức cấu những lá và búp non để cây tập trung dưỡng chất nuôi một số lá. Nếu cây bị sâu bệnh thì phải dùng cơm nếp giã nhỏ đắp lên chỗ sâu bệnh. Khi thu hoạch lại phải để thuốc lên trên, đốt rơm ở dưới để đượm khói, ra mùi thơm đặc trưng. Thuốc phơi được 2-3 nắng, gia chủ tiếp tục làm bầu (dùng một dụng cụ giống như quả bầu) chắt nước cháo và phun vào các phên thuốc để tạo mùi.

Suốt thời phong kiến, chỉ có thuốc của tổng Hán Nam khi bao gói được buộc bởi lạt tre nhuộm đỏ để phân biệt. Các nơi khác chỉ được buộc lạt tre trắng, nếu phát hiện buộc lạt đỏ sẽ bị nhà chức trách phạt tiền rất nặng, thậm chí có thể bị tịch thu. Khi bán buôn thuốc lào cho khách, đơn vị tính bằng “cong”. Thuốc lào các nơi khác đóng 23 bánh một cong, riêng ở tổng Hán Nam được đóng 22 bánh một cong nhưng vẫn được tính giá theo cong 23 bánh. Thương hiệu độc quyền này vẫn được các nhà Đoan thời thuộc Pháp áp dụng cho đến tận Cách mạng tháng Tám, 1945 mới chấm dứt.

So với trồng lúa và các cây rau màu khác thì trồng thuốc lào vất vả hơn rất nhiều. Bà con phải thường xuyên bẻ chồi phụ (chánh), cứ đều đặn tuần một lần để tập trung phát triển cho thân chính. Rồi đến công việc làm cỏ, tưới nước, phun thuốc chống rầy, bón phân… Từ khi trồng đến khi thu hoạch, lúc nào người nông dân cũng “đầu tắt mặt tối” chăm sóc sao cho cây thuốc lào mang lại năng suất cao nhất.

Việc sản xuất thuốc lào cũng đòi hỏi nhiều công phu, khi cây đã già, người ta cũng phải chọn một thời điểm thích hợp để bẻ lá. Thường là vào thời kỳ nắng gió tây san sát bất chợt chuyển sang gió đông là người ta bẻ thuốc. Lúc này nếu bị mưa rào ướt rõng, non cây thì lại phải đợi cho gặp nắng, bong rõng mới bẻ được. Kinh nghiệm thu hoạch thường nhắc người trồng thuốc rằng “non sát nắng hơn già lại cây”. Chất lượng của thuốc được quyết định một phần nhờ ở khâu thu hoạch.

Thuốc được bẻ về, người ta dùng dụng cụ bằng tre hình chữ V, 2 đầu có một sợi cước để rọc bỏ phần cuống và bày, cuốn thành từng cuộn rồi ủ lại mấy ngày cho vàng lá rồi mới đem thái. Ngày thái thuốc là ngày rất quan trọng đối với người trồng thuốc lào. Ở các làng quê trồng thuốc, ngày bẻ thuốc, ngày thái thuốc thường là ngày nhộn nhịp nhất. Bà con xóm láng thường đến làm giúp nhau những lúc đó. Thuốc thường được bẻ vào lúc chiều gần tối và buổi tối ấy người thì rọc, người thì bày thuốc, chuyện trò râm ran, gia đình nhà chủ vui nhộn khác thường. Ngày thái thuốc, nhất là ngày được nắng thì trong gia đình nhà chủ như có hội hè. Tiếng dao thái thuốc đều đều, tiếng chân chạy phơi thuốc, tiếng cười nói ồn ào. Người thì dận thuốc, người thì phơi thuốc, kẻ chạy nong, một không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp, vui vẻ.

Sợi thuốc lào được rải đều lên những tấm phên (nong) tre phơi đủ 5 ngày nắng từ 25 độ trở lên mới đạt yêu cầu. Đặc biệt phải phơi qua 3 đêm sương thì thuốc lào sẽ dậy màu đỏ rất thơm ngon và bắt mắt. Rồi những khi trời mưa, thuốc lào dễ bị ẩm mốc. Bà con phải làm giàn 2 tầng để đốt rơm bên dưới cho khói hun lên thuốc, khoảng nửa tiếng thì thuốc sẽ khô. Ngày hôm sau phải bỏ ra phơi ngay. Vào kỳ mưa dài ngày, bà con vụ ấy lo lắng, điêu đứng. Người nông dân vẫn phải “trông trời, trông đất, trông mây…”.

Thuốc sau khi phơi khô phải chọn ngày có gió Đông Nam để vào thuốc thì mới đảm bảo sợi thuốc không bị gãy nát. Ngày vào thuốc phải là ngày có nắng, thuốc phơi đến khi cả phên cũng bị nóng lên thì được thu lại và ủ bạt. Đến cuối ngày trời hết nắng có gió Đông Nam thì bỏ ra hong, khi sợi thuốc mềm ra thì được gấp lại thành từng bánh, mỗi phên một bánh, đóng vào bao nilon trong suốt, cứ khoảng 4 đến 5 bánh lại được ngăn cách với nhau bằng 1 lớp giấy hoặc lá chuối khô, sau đó bọc thêm bên ngoài nhiều lớp bao nilon và bao dứa để bảo quản. Như vậy thuốc lào có thể để hàng năm trời không bị mất hơi.

Người buôn thuốc lâu năm có kinh nghiệm thử thuốc lào có thể phân biệt được thuốc lào lấy giống ở đâu, trồng trên đất loại gì, có đảm bảo kỹ thuật chế biến hay không. Lái buôn khi thu mua  thường chọn loại thuốc ngon, ép thành bánh và gắn thương hiệu bán ra thị trường.

Thuốc lào Tiên Lãng có giá trị kinh tế cao, thuốc ngon có tiếng và từng mang danh thuốc lào tiến vua. Loại cây trồng này không chỉ cải thiện cuộc sống cho bà con nơi đây mà hơn tất cả nó đã trở thành một nghề truyền thống, gắn bó sâu nặng với mảnh đất này.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x