Được làm từ những thân tre quen thuộc, những sản phẩm mây tre đan Huế ra đời từ hơn 600 năm trước đã có mặt ở khắp năm châu và được khách hàng trên thế giới ưa chuộng.
Tre, nứa là loại cây gắn bó với bao làng quê Việt Nam. Không chỉ bao bọc làng xóm, tre còn có khả năng làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của làng. Ở Huế có làng Bao La, nổi tiếng với nghề mây tre đan truyền thống đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hồn cốt và hơi thở của vùng đất Cố đô.
Hợp tác xã mây tre đan Bao La và nghề của làng
Ra đời từ 600 năm trước, làng nghề mây tre đan Bao La ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) một thời gắn bó và tạo việc làm cho hàng trăm người dân quê. Xưa kia hễ cứ xong mùa vụ là nhà nhà bày tre ra để đan. Làng Bao La có 6 xóm, mỗi xóm chuyên về một mặt hàng. Xóm Chợ thì chuyên đàn dần, sàng; xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; xóm Chùa chuyên đan rá. Xóm Đình và xóm Hóp chuyên đan rổ, rá các loại , xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng. Mỗi xóm làm một mặt hàng nên không khí cả làng vô cùng nhộn nhịp Hàng Bao La vừa đẹp, vừa bền và nổi tiếng khắp nơi. Câu ca truyền khẩu về làng nghề: “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/ Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi/ Tạm tiền mua lấy vài đôi/ Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào”.
Qua những đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, những sản phẩm mây tre đan gần gũi và cần thiết với cuộc sống của người dân đã được tạo ra nhờ kinh nghiệm dân gian và kỹ thuật truyền lại từ nhiều đời. Làng Bao La là nơi cung cấp chủ yếu các sản phẩm của dân Thừa Thiên Huế từ chiếc rá vo gạo, các loại rổ rửa rau, đựng cá đến các loại dần, sàng, nong nia để phơi nông sản, thủy sản cũng như chiếc nôi trẻ con.
Để có được những sản phẩm đan chất lượng, tre được chọn phải là loại tre lù ô, dóng dài thẳng. Sau khi được sơ chế, phơi khô và chẻ nhỏ những chiếc nan mỏng, dẻo qua những công đoạn chuyên môn hóa khác nhau trong Hợp tác xã tạo thành những sản phẩm độc đáo và tinh xảo. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông đảm nhận, còn phụ nữ vốn mềm mại khéo tay đi đan lát, nứt vành.
Vươn ra biển lớn
Năm 2007, cùng với kế hoạch khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh cộng với niềm đam mê và tâm huyết muốn vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối” của những người con làng Bao La và một số vùng quê trên địa bàn huyện Quảng Điền, HTX Mây tre đan Bao La và Thủy Lập chính thức thành lập. Lúc đầu, các HTX này chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như các loại rổ, rá, thúng, mủng, giần, sàng… Những sản phẩm này dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh bên gánh hàng rong và các chợ làng. Không chịu khoanh tay nhìn làng nghề bế tắc, các nghệ nhân đã nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Sau 7 năm hình thành và phát triển, HTX Mây tre đan Bao La thiết kế là sản xuất gần 500 mẫu mã mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sôpa và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê.
Thăm Hợp tác xã Mây tre đan Bao La du khách có thể tới thăm nhà trưng bày sản phẩm: quy tụ trên một ngàn sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt. Xưởng sản xuất rộng gần 500 mét vuông với gần 100 lao động đang miệt mài bên những chiếc thuyền tre, nan quạt hay đèn lồng. Những chiếc lồng đèn, đèn chùm hay chiếc đèn ngủ làm bằng tre nằm uy nghi trong một khách sạn lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc… không chỉ tôn vinh hàng mây tre đan Huế, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram