Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân

Làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xưa nay nức tiếng với men rượu khiến ai đã một lần nếm là một lần muốn uống say, say trong thứ men ngấy ngây nồng nàn của cả tình đất và người miền quê quan họ.

Làng Vân như một bán đảo với ba mặt là sông Cầu uốn lượn bao quanh, chỉ còn một lối đường bộ duy nhất men theo Tiên Lát đi ra hướng Việt Yên. Nhưng họa hoằn lắm người dân mới chọn đi đường này vì lối đi quanh co, ngoằn ngoèo. Người làng Vân xưa nay và cả khách hập phương tìm đến với làng đều theo thói quen rẽ lỗi TP Bắc Ninh, đi qua một trong ba bến đò ngang, tiết kiệm được vài chục cây số.

Người làng Vân xưa và cho đến bây giờ, từ đứa trẻ con mới bi bô biết đọc đã thuộc nằm lòng truyền thuyết về thánh sư dạy nghề nấu rượu của cha ông.

Bên cạnh việc lưu truyền bí quyết nấu rượu, làng Vân còn giữ được kiểu kiến trúc khá đọc đáo, đó là kiến trúc nhà thông nhà, ngõ thông ngõ. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, khi giặc chiếm đón, các cụ cao niên đã nghĩ ra việc xây nhà có ngách nhỏ thông sang nhau. Nhờ những ngách nhỏ này mà người làng Vân nuôi cán bộ cách mạng không bao giờ bị bắt.

Chùa Dộc – nơi lưu giữ tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu làng Vân

Nghề nấu rượu ở Vân Hà có một bí quyết riêng nên rượu rất ngon, là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình, đóng góp chủ yếu vào việc xây dựng đời sống ấm no sung túc – phong lưu của làng. Do vậy, không thể truyền nghề ra ngoài. Làng có quy định không cho con gái lấy chồng nơi khác hoặc một số gia đình không truyền nghề cho con gái.

Cùng với tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu – những người bất nhân bất chính tham lam bán ruộng đất, lòng dạ không ngay thẳng, không góp sức vào việc bảo vệ sự an toàn, ấm no hạnh phúc của làng… cũng bị làng thề. Lễ ăn thề được diễn ra ở chùa Dộc (Quảng Lâm tự) vào một ngày xấu nhất (ngày thụ tử) trong tháng Giêng, chùa nằm ở cuối làng Vân.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì chùa được xây dựng lớn vào năm 1830. Chùa gồm toà tiền đường 5 gian, trung đường 7 gian và hậu đường 3 gian, hai bên có hai giải vũ, quay mặt hướng đông nam. Trong khu vực chùa còn có đền thề (có tượng Đức ông). Là nơi diễn ra tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu. Những người tham gia lễ ăn thề gồm có: 4 cụ thượng của giáp, lý phó trưởng, các ông hương dịch (đi sôn) của làng.

Lễ vật để ăn thề có: một cơi trầu, một be rượu trắng ngon, một con gà sống trắng, tất cả được đặt trên ban thờ Phật thắp hương. Một người có chất giọng to, khoẻ, sảng được cử ra đọc bài văn thệ minh, đọc xong thì uống rượu và hoà tan…tiếp đó, tất cả những người có mặt ở đó đều cùng nhau uống rượu thề.

Theo tư liệu điều tra hồi cố thì năm Chính Hòa thức 24 (1703) đời vua Lê Hy Tông sắc phong cho Thành hoàng làng Vân là Thượng Đẳng Thần, các nguyên lão của làng thượng kinh rước sắc đã đem theo ba vò rượu tiến vua, vua ban cho bá quan văn võ trong triều, ai cũng khen thơm ngon, vua Lê hạ bút châu phê: Vân Hương Mỹ Tửu, đó là thương hiệu chính thức của rượu làng Vân kể từ thời đó.

Nhưng không rõ từ đời nào, thời nào người làng Vân xưa đã có tục thờ Thánh sư nghề nấu rượu. Tổ nghề được thờ là bà Nghi Điệt – tương truyền bà là chính thất của Vũ Vương, vì Vũ Vương thích rượu ngon, nên bà đã tìm được cách pha chế ra một loại men quý để cất rượu rất thơm ngon.

Sau đó bà truyền nghề cho dân và dân làng Vân thờ Thánh sư vào ngày mồng 7 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Vì phải giữ bí truyền nghề nghiệp nên cũng từ xa xưa người làng Vân chỉ thuận cho trai gái trong làng lấy nhau, mà ít khi lấy người thiên hạ và nghề chỉ được truyền cho con trai và con dâu trong nhà là chính. Đặc biệt, làng Vân còn có tục Miêng thệ tức Ăn thề giữ bí truyền nghề nấu rượu.

Rượu làng Vân chính cống phải là rượu gạo. Tùy theo nguyên liệu, nó được phân làm ba loại với chất lượng tăng dần theo thứ tự: rượu gạo tẻ, rượu gạo nếp, và rượu nếp cái hoa vàng. Với rượu gạo tẻ và rượu nếp, chỉ cần ủ men khoảng ba ngày, sau đó đem vào bếp nấu thì ra ngay thành phẩm.

Nhưng với loại nếp cái hoa vàng thì không đơn giản như vậy. Ngoài việc phải chọn loại nếp ngon nhất để nấu “rượu cốt,” người nấu rượu phải chuẩn bị mộtmẻ cơm to, chín đều, để làm chất xúc tác cho quá trình “hóa vàng” của rượu.

Trong quá trình đó, rượu cốt sẽ được đổ vào một cái chum to có dung tích tầm 50l, dưới đáy sẽ được lót một lớp cơm làm nhiệm vụ “hút độ rượu.” Sau sáu tháng, thứ rượu nếp trong vắt, nặng tới hơn 52 độ lúc ban đầu sẽ chuyển hóa thành một loại nước vàng ươm, tỏa mùi thơm dịu, và khi đo độ cồn sẽ chỉ còn vào khoảng dăm bảy độ.

Rượu ngon hay không được quyết định rất nhiều bởi chất men. Riêng với rượu làng Vân, dân làng vẫn trung thành sử dụng men thuốc bắc, được làm từ 26 đến 35 vị thuốc, thay vì dùng men vi sinh, tuy rẻ hơn nhưng không có độ êm, nên khi nấu ra rượu thì chất lượng không bằng, lại dễ gây đau đầu. Ngày xưa nhà nào nấu rượu thì tự sản xuất men, mỗi nhà có một bí quyết riêng sao cho rượu của nhà mình thật ngon. Đến thời đại chuyên môn hóa sản xuất như bây giờ, việc làm men được phân bổ cho một số ít nhà.

Với thương hiệu nổi tiếng và được khẳng định bằng chất lượng, rượu làng Vân vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Rượu làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Khắp mọi miền đất nước, trong các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ, quán bình dân… đâu đâu cũng có sự xuất hiện của loại rượu mang thương hiệu rượu Làng Vân. Rượu Làng Vân thực sự là đặc sản, một thứ quà tặng mỗi khi ai đó có dịp lên vùng Kinh Bắc đều muốn mua về làm quà biếu bạn bè và những người thân trong gia đình để tất cả cùng biết, cùng nhớ và cùng say thứ rượu này. “Sông Cầu đầy, sông Cầu lại vơi, rượu Vân một chén cả đời vẫn say.”

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x