Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê thuộc xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nằm cách Hà Nội 20Km. Theo các bậc trưởng lão thì làng được thành lập từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thịnh vượng đến đời Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Khi đó nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách rất lớn, nghệ nhân tài giỏi từ các nơi tập trung về Phù Khê rất đông, dần hình thành nên ngôi làng chạm khắc có tiếng đến ngày nay.
Truyền rằng, Tổ nghề mộc là ông Lỗ Ban và từ xưa đến nay nhân dân vẫn giữ tục thờ Tổ nghề. Hàng năm, trước ngày 7 tháng Giêng, Ban Quan khánh Phường Thợ đã họp bàn để chuẩn bị cho công việc tế lễ. Lễ vật gồm: xôi, gà, rượu, hoa quả, hương đăng. Tất cả các gia đình người thợ trong phường thợ đều phải có trách nhiệm đóng góp. Vào ngày 7, Ban Quan khánh Phường Thợ có trách nhiệm tế lễ Tổ nghề. Tục thờ cúng Tổ nghề của người thợ Phù Khê không những biết ơn người đã dạy nghề, mà còn củng cố mối đoàn kết cộng đồng, động viên nhau giữ vững và phát triển nghề trên con đường mưu sinh. Cách truyền nghề ở Phù Khê là “Cha truyền con nối” từ đời này sang đời khác và đã có nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ lành nghề nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Về quy trình sản xuất mỹ nghệ Phù Khê, trước tiên người thợ Cả phải có ý tưởng về đồ vật mình định sản xuất ra và phải thể hiện bằng bản vẽ (gọi là tạo mẫu sản phẩm), tiếp theo phải chọn loại gỗ cho phù hợp với đồ vật định làm ra, lấy mực, rồi cho thợ xẻ ra thành từng tấm gỗ có độ dày mỏng khác nhau. Công đoạn tiếp theo là giao cho thợ Ngang pha gỗ như ( cưa, cắt, đục, bào) và lắp ghá thành hình dáng sản phẩm: Ví dụ như hình 1 cái tủ, hay 1 cái giường, hay 1 bộ bàn ghế . Nếu trong sản phẩm có bộ phận của chạm khắc hay tiện thì lại giao thợ Chạm khắc hay tiện thực hiện.
Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm cùng phải phối hợp với nhau chính thức lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: bào lau, nạo nhẵn, lu những chỗ cong, đường gấp khúc, gắn cố định bằng (cồn, keo, sơn). Công đoạn cuối cùng giao cho thợ Nguội làm đẹp sản phẩm như: đánh giấy giáp, đánh véc ni hay phun sơn.
Trong cả quy trình sản xuất trên, công đoạn của thợ Ngang tạo ra hình dáng sản phẩm mang tính thực dụng, còn người thợ Chạm khắc lại đòi hỏi tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao. Công đoạn của người thợ Chạm cũng có nhiều bước như: đầu tiên phải có ý tưởng tạo mẫu hoa văn (ví dụ như: chủ đề “tứ linh” tức long ly quy phượng là hình ảnh của Rồng, Phượng, Lân, Rùa ,“tứ quý” là hình hảnh của các cây Tùng, Trúc, Cúc, Mai. Tiếp đến người thợ chạm khắc phải dựng hình tức hoa văn trên phôi sản phẩm, lấy nền tức làm nổi hình ảnh của hoa văn, và bắt đầu thể hiện nghệ thuật chạm khắc như:
chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong , chạm lộng, chạm chìm bằng cách đục phá, gọt, tỉa chi tiết, nạo… Nét chạm khắc có tinh xảo nghệ thuật hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của người thợ chạm khắc. Dưới bàn tay chạm của người thợ Phù Khê người ta từng được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc với cảnh “rồng bay, phượng múa” của thế giới thần tiên, cho đến những cảnh sinh hoạt bình dị yên ả của dân gian.
Nghề mộc Phù Khê không những có từ lâu đời mà còn đa dạng phong phú đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật: Từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, làm đồ gia dụng, làm đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như: Tượng, tranh với nhiều thể loại và đề tài. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) nghề mộc chạm khắc của Phù Khê phát triển mạnh mẽ và còn để lại những công trình nổi tiếng như: đình Đình Bảng, đình Diềm, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Vĩnh Nghiêm…Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và thời kỳ “hợp tác hoá” của thế kỷ trước, nghề mộc chạm khắc của Phù Khê có bị trùng xuống. Song bước vào thời kỳ đất nước đổi mới từ những năm 1990 đến nay, thì nghề mộc chạm khắc Phù Khê đã phát triển rực rỡ. Sản phẩm không những được khách hàng cả nước ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu nhiều sang các nước bạn bè quốc tế.
Qua ngàn năm lưu truyền, giữ gìn và phát triển, tác phẩm chạm khắc của người làng Phù Khê không chỉ hiện diện trong những công trình kiến trúc Việt Nam, trên bàn thờ tổ tiên người Việt mà đồ gỗ Phù Khê còn rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng nhất là hình tượng con rồng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân còn chiếm được cảm tình của những khách khó tính.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram