Làng Trống Đọi Tam nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng, núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trước khi Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông về đây xây dựng chùa Long Đọi Sơn (1118), làng trống Đọi Tam dưới chân núi đã có trên hai trăm năm tuổi.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi, sản phẩm trống của làng nghề Đọi Tam là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau như: Trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, nghề làm trống và sản phẩm trống có một giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật nhất định trong lịch sử dân tộc nước nhà.
Tương truyền, năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời. Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản nên sau này nhà vua đã cho phép hai ông lên kinh thành lập phố làm nghề. Cũng từ đây, dân làng đã tôn hai ông là “Trạng Sấm”.
Ngày xưa theo tục lệ lúc bấy giờ, nghề làm trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể, hay người ngoài nên đến thời nay, chỉ có duy nhất người dân thôn Đọi Tam mới có nghề làm trống. Trong những năm gần đây, con gái cũng được truyền dạy nghề kỹ lưỡng. Không chỉ truyền nghề cho nữ giới, Đọi Tam còn có đội trống gái, có một không hai ở Việt Nam hiện nay chuyên phục vụ lễ hội và các ngày trọng đại của tỉnh, của thị xã.
Trước kia , con trai làng Đọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại trống nhỏ. Đến khi 16, 17 tuổi đã có thể theo cha đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho cánh đàn ông khỏe mạnh, có linh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện. Thợ làng Đọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình, chùa, trống chèo, trống trường, trống trung thu,…
Để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em.
Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít- loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, hơn nữa “Gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm”. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu “dăm”, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.
Công cụ sản xuất của làng nghề gồm rất nhiều loại dụng cụ và phân chia rõ ràng, dụng cụ nào dùng để làm tâng trống, dụng cụ nào làm da trống. Các dụng cụ làm tang trống bao gồm: Ván bài, yếm bào, đòn ống, da bào, dao dựa, ca hạt mớp, ca dọc, máy xẻ gỗ, nạo, bào đứng, bào ngang, con sản; dụng cụ làm da trống đơn giản hơn, cụ thể: nghiến, khom, dùi đục.
Ngoài ra, để cho trống thật kín người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Ðinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Dù trống làm bằng gỗ xoang cầu kì hơn thì dùng gỗ gụ, gỗ dổi.
Làm trống phải tính chi ly
Chọn da, chọn gỗ phải đi hàng đầu
Mỗi người một việc chuyên sâu
Để trống làng Đọi dài lâu vững bền.
Sản phẩm trống của Đọi Tam được tiêu thụ trên mọi miền của tổ quốc. Hiện trên địa bàn thôn có 62 cơ sản xuất kinh doanh trống. Nếu tính cả các hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh con số này lên tới hàng trăm hộ. Với bản tính năng động, nhạy bén người thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới.
Nếu như trước đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì hiện nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, thậm chí các các loại trống của các dân tộc ít người như Chăm, Khơme và cả các loại trống là sản phẩm nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.
Trống Ðọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, nhờ bí quyết riêng cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ. Ngay cả những lúc khó khăn thiếu thốn, Ðọi Tam vẫn duy trì được nghề nhờ truyền thống tương trợ nhau, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng. Ngày nay, các nghệ nhân ở Ðọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram