Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tranh làng Sình – nét đẹp văn hóa đặc sắc xứ Huế

Nếu như tranh Đồng Hồ, tranh hàng Trống, là những cái tên nổi tiếng bậc nhất ở Kinh Bắc, thì tranh làng Sình là cái tên làm nên những nét riêng biệt và đặc sắc cho mảnh đất miền Trung nắng gió. Tranh làng Sình không chỉ chất chứa nét đẹp văn hóa làng xã xa xưa mà còn là biểu trưng cho nền văn hóa đặc sắc của cả xứ Huế mộng mơ, góp phần vào sự đa dạng, phong phú của dòng tranh dân gian của dân tộc.

Làng Sình là một làng nằm ven sông Hương được thành lập vào khoảng thế kỷ 15, có tên nôm là làng Lại Ân đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong còn có tên khác là Phố Lở. Bên cạnh đó còn có phố Bao Vinh – một trong những trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất. Đây còn là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô, có chùa Sùng Hoá trong làng đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa.

Tác phẩm Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc vào thế kỷ XVI đã nhiều lần đề cập địa danh Lại Ân như một làng quê trù phú, hưng thịnh về giao thương: “Xóm Lai Ân canh gà xao xác, giục khác thương mua một bán mười” hay “Bát đĩa sứ Thế Lại, Lại Ân bán giá rất đắt” …

Ngày nay, làng Sình được biết đến như văn vật của đất Cố đô, nơi còn lưu giữ nghề làm tranh cổ truyền và một hội vật nổi tiếng, tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng âm lịch hàng năm: “Dù ai đi đó đi đây, đến ngày hội vật nhớ qua về Sình”

vật làng Sình

Tranh làng Sình

Nghề làm tranh ra đời tại làng cho tới hiện nay (2019) là khoảng 450 năm trước, tranh làm ra chủ yếu là để phục vụ cho việc thờ cúng dân gian. Khác với dòng tranh Đông Hồ có chủ đề quán xuyến hầu hết mọi mặt của đời sống và tinh thần của cư dân vùng châu thổ Bắc bộ biểu đạt trào lộng dí dỏm, tranh Sình dường như chỉ tập trung vào hai công năng: thờ và cúng, nghĩa là chỉ chuyện phụng sự đời sống tâm linh của người dân vùng Huế mà thôi. Tuy nhiên sau những năm 1945, tranh làng Sình dần đi vào quên lãng vì việc làm tranh phục vụ thờ cúng bị cho là mê tín, di đoan. Vậy nên truyền thống làm tranh cũng bị mai một đi ít nhiều. Nhưng khuôn bản mộc để in tranh lưu truyền bao năm nay cũng bị thất lạc sau chiến tranh và rất khó để tìm lại được những bản mộc làm tranh ngày xưa.

Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam thuộc thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với mục đích cúng lễ. Tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt hay hóa trong các lễ cầu an, giải hạn. Vì vậy, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước – một nghệ nhân làm tranh lâu năm ở làng Sình. Các bản khắc cũ còn lại với số lượng rất ít, các bản khắc mới đã xa rời với yếu tố gốc và người làm nghề cũng đã dùng chất liệu sơn công nghiệp thay cho các chất liệu màu truyền thống.

Từ năm 1996 cho đến nay, nhờ có những chủ trương xây dựng, phục dựng làng nghề truyền thống của Nhà nước mà tranh làng Sình dần được phục hưng. Nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu về nền văn hóa dân gian.

Cách in ấn, vẽ tranh

Tranh Sình có nhiều loại kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó. Giấy dó cổ truyền có khổ 25x70cm, được xén thành cỡ pha đôi (25×35), pha ba (25×23) hay pha tư (25×17). Tranh khổ lớn khi in thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh khổ nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen phải chờ cho khô rồi mới đem tô màu.

Để làm ra được một bức tranh đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Tranh hoàn toàn được làm thủ công, để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn.

Quy trình này là tập hợp các chuỗi công việc diễn ra trên một địa bàn trải rộng từ núi rừng đến đồng bằng ra vùng duyên hải, với những đóng góp của công sức, trí tuệ và sự khéo léo của ba nhóm nhân lực khác nhau:

Nhóm thứ nhất chuyên nghề cào điệp, với điệp từ đầm phá nước lợ ven biển. Điệp là loài nhuyễn thể có vỏ, thuộc họ trai sò, sống ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, dọc theo bờ biển Thừa Thiên Huế. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy.

Nhóm thứ hai chuyên về khai thác nguyên liệu để làm màu:

Màu đỏ được làm từ nước lá bang hoặc có ý kiến khác cho rằng rễ cây vang lấy từ rừng sâu , mang về sắc trên nồi đất nung lửa đỏ bốn năm ngày

Màu đen từ tro rơm, tro lá cây

Màu tím của hạt cây mồng tơi. Cứ tầm tháng 5, tháng 6 người dân đi hái trái mồng tơi về giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua cho giữ màu.

Màu vàng từ lá đung giã với búp hoa hòe.

Màu tràm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào cô đặc lại.

Màu cam (gạch) làm từ gạch non mài ra trộn thành bột. Còn màu đen là hỗn hợp của tro bếp trộn với lá bàng ngâm, ủ trong một tháng.

Sau này do nhiều nguyên nhân nên màu sắc được tạo nên từ phẩm hóa học.

Nhóm thứ ba ở nhà đảm nhiệm các việc: giã điệp thành bột, rồi trộn bột điệp với bột nếp nấu thành hồ điệp; pha giấy dó thành nhiều kích cỡ khác nhau (tùy theo chủ đề của từng loại tranh); phết hồ điệp lên mặt giấy dó rồi đem phơi; tìm các thớ gỗ mứt để khắc văn in theo những đề tài riêng; in nét bức tranh bằng mực đen; cuối cùng là to màu để hoàn chỉnh bức tranh, bút vẽ làm từ cây dứa mọc hoang ngoài đồng.

nghệ nhân vẽ tranh làng Sình

Nhận định về tranh làng Sình

Mỗi bức tranh Sình được làm ra là sản phẩm của một dây chuyền thủ công của cả một làng nghề, có sự tham gia của nhiều lứa tuổi, giới tính, của nhiều nghề nghiệp: thợ chài, thợ sơn tràng, thợ điêu khắc dân gian, thợ in, thợ tô màu… Vì thế, tuy tranh Sình dân dã, mộc mạc nhưng như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã nhận xét: “… sản phẩm này chỉ là loại tranh mộc bản, tín ngưỡng dân dã, những qua chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh Sình đã tạo nên một nét đặc thủ không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ, mà nội dung tranh còn biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sống sinh hoạt của con người ở đây trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa của mình”.

Khi nghiên cứu về tranh làng Sình, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gam màu sử dụng trên tranh làng Sình gần giống với gam màu được sử dụng trên tranh pháp lam tại các kiến trúc kinh thành Huế: hoà sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hỏa hoàng, phí thuỷ với hổ phách. Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, quyến rũ và quan trọng hơn cả là khi bức tranh đến tay người sử dụng đã ẩn chứa một cái gì đó thiêng liêng của cõi tâm linh.

Đề tài và nội dung tranh

Tranh Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng, có khoảng 50 đề tài tranh. Các đề tài tranh chủ yếu phản ánh tín ngưỡng cổ xưa. Ngoài các đề tài về tín ngưỡng, phục vụ thờ cúng còn có tranh Tố Nữtranh tả cảnh sinh hoạt xã hội…

Tranh phục vụ tín ngưỡng có thể chia làm ba loại chính:

Tranh nhân vật, chủ yếu là tranh tượng bà, thường vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng hầu hai bên. Tượng bà còn chia thành ba loại: tượng đế, tượng chùa, và tượng ngang. Loại tranh này dán trên bàn thờ riêng thờ quanh năm. Tranh con ảnh, gồm hai loại: ảnh xiêm vẽ hình đàn ông đàn bà; ảnh phền vẽ bé trai bé gái. Các loại nhân vật còn lại là tranh ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp (có lẽ là tranh vẽ Táo quân).

Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình.. thường là tranh cỡ nhỏ.

Tranh súc vật (gia súc, voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người chết.

Tất cả các loại tranh này sẽ được đốt sau khi cúng xong.

Làng Trình dần trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đông đảo du khách

Ngày nay, tranh Sình vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân xứ Huế, nhưng cốt cách, hồn xía của tranh làng Sình thì đổi khác. Nhịp điệu tất bật của đời sống đương đại, cùng sự xuất hiện của nhiều thứ tranh tượng, đồ mã thờ cùng cao cấp khiến người dân làng Sình không còn mặn mà với nghề làm tranh. Và thay vì làm tranh giấy dó với bột điệp và màu sắc tự nhiên, hậu duệ của tranh Sình đã in tranh trên giấy bồi không phủ bột điệp và tô màu bằng hóa chất. Hình in trên tranh cũng thay đổi do ván in xưa đã mai một bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong khi thợ khắc ván in hiện đại chạy theo nhu cầu của thị trường nên đã tạo ra những mảnh ván in lớn hơn, nét khắc cũng rối hơn và thô hơn. Buồn thay vì thế mà những bức tranh Sình bày bán trong các cửa hàng đồ mã đã trở nên lòe loẹt và ngô nghê hơn.

Năm 2007, tranh dân gian làng Sình được nhà nước tôn vinh như một di sản văn hóa của dân tộc cần được giữ gìn, bảo tồn. Gần đây, dịch vụ du lịch làng nghề càng ngày càng phát triển tạo điều kiện cho dòng tranh dân gian này  lấy lại được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ngôi làng Sình trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu về một nền văn hóa dân gian của dân tộc.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x