Ai cũng có một quê hương để mà thương, mà nhớ. Với những người được sinh ra ở vùng ven biển, hình ảnh hiện ra trong kí ức là những cánh đồng muối rộng thênh thang; còn với những em bé ở đây, ước mơ ấy là những mùa muối bội thu bởi chúng lớn lên trên những cánh đồng muối cùng cha mẹ mình. Tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; những ruộng muối chính là điểm tựa của cuộc sống.
Xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được thành lập từ năm 1966. Vùng đồng muối này từ xa xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi thêm sau nhiều năm, người dân từ khắp nơi chuyển về sinh sống, lập làng, lập xã từ khi còn thực dân Pháp, đến nay đã trở thành vùng đất khá đông đúc trù phú. Không có những cánh đồng lúc như bao làng quê khác, thay vào đó, người dân nơi đây đã duy trì nghề làm muối từ nước biển.
Vào những năm đầu của thế kỷ trước, khi thực dân Pháp còn đô hộ Việt Nam, họ tạo ra muối bằng cách đổ nước biển đã được lọc sạch vào nồi để đun, sau quá trình chưng cất mới tạo ra muối, chính vì vậy mà muối hồi đó rất quý và đắt, có thể so sánh với gạo. Người dân đã tìm ra cách tạo ra muối nhờ thiên nhiên và sức lao động của con người nên muối dần dần rẻ hơn.
Quy trình làm muối
Mùa làm muối của những người nông dân ở đây bắt đầu từ tháng 3 và kết thức vào tháng 8 hàng năm khi mùa mưa đến. Với tổng diện tích cách đồng làm muối trên địa bàn toàn xã là hơn 230 ha, nơi đây từng được biết đến là vựa muối lớn nhất miền Bắc, là niềm tự hào của quê hương Nam Định.
Đồng muối có cấu trúc khác với đồng ruộng bình thường. Ngoài kênh dẫn nước biển vào ruộng để làm muối thì còn có hệ thống sân phơi cát, sân phơi muối, bể và giếng lọc (hay còn gọi “chạt”) và cả lều cỏ để đựng muối thành phẩm nữa. Những thửa ruộng muối ở Bạch Long không chạy dọc khắp mép biển mà lại nằm khá gần khu dân cư.
Quy trình làm muối gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên người diêm dân phải trải đều một lớp cát mỏng ra ruộng, sau đó dẫn nước từ biển vào cho nước biển ngấm vào cát. Nắng sẽ làm nước bốc hơi và những hạt muối nhỏ li ti kết tinh trên cát. Sau đó tất cả cát được đưa vào bể chạt và lọc 2-3 lần bằng nước biển để thu được nước chạt (có độ mặn gấp nhiều lần nước biển, sạch hơn và thu được nhiều muối hơn).
Nước chạt khi đó sẽ được phơi trên sân phơi riêng (ấn phẳng được làm từ vôi và tro bếp, chia thành nhiều ô nhỏ) nhiều giờ liên dưới ánh nắng gắt để kết tinh thành muối. Sau đó muối sẽ được cào và thu gom lại chở vào lều chứa, rồi đợi chở ra thuyền đem bán hoặc chở về nhà kho lớn để chứa.
Một ngày làm muối vất vả của người diêm dân
Người dân nơi đây thường làm muối theo từng ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn là thu hoạch muối. Từ 4 – 5 giờ sáng, họ đã phải dậy sớm ra ruộng của nhà mình. Họ lấy cát trải đều ra ruộng để cho cát được khô và sạch, dẫn nước biển cho ngấm vào cát. Sau đó lấy nước chạt đã được lọc từ hôm trước cho lên sân phơi để làm muối.
Hoàn thành xong công việc họ trở về nhà làm những công việc thường ngày như ăn uống, chăm con cái. Phụ nữ thì chăm sóc vườn cây, cho lợn gà ăn; đàn ông thì đi đánh tôm, cá hoặc những công việc nặng khác để kiếm thêm thu nhập.
Buổi chiều, sau khi ăn cơm trưa xong, cả nhà lại cùng nhau ra đồng muối tiếp tục công việc. Họ vun cát vào thành hàng, sau đó họ dùng cái xe nhỏ được làm bằng gỗ và lạt để chở cát vào chạt và lọc để lấy nước cho ngày hôm sau. Lúc này muối cũng đã bắt đầu được tạo thành, người dân dùng một dụng cụ sắc để cào muối trên sân và gom lại chở vào lều chứa cũng bằng chiếc xe trên.
Sau khi đã cất muối vào kho họ hoàn thành nốt các công việc còn lại như: múc cát ra khỏi “chạt” để chất thành đống cho hôm sau phơi, đổ nước để rửa sạch sân phơi, rửa sạch nông cụ …thế là kết thúc công việc trong 1 ngày của người dân làm muối.
Nỗi niềm của vùng quê nghèo
Buồn thay, vài năm gần đây số lượng người dân bỏ nghề ngày càng nhiều. Những cánh đồng muối vốn nhộn nhịp, tất bật những ngày nắng hay lại chỉ lắc đác bóng người. Nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nút nẻ và xuống cấp trầm trọng. Diện tích sản xuất muối nay chỉ còn 60 ha. Nghề làm muối vất vả nhưng thu nhập của người dân chẳng đáng là bao. Ngày nắng to, diêm dân có thể thu được 2 sào muối, tương ứng 50 nghìn đồng. Còn những ngày nắng mưa thất thường thì công sức coi như “trôi sông, đổ biển”. Vậy nên bao nhiêu năm, người làm muối vẫn quanh quẩn với cái nghèo.
Nghề muối cũng như bao nghề nông khác, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Nếu mùa đông và mùa xuân trời mưa, bão hoặc không nắng thì họ sẽ đi tìm những công việc khác. Số ít người dân còn bám trụ với nghề có lẽ bởi tình yêu, sự thân thuộc hoặc cũng bởi cuộc sống mưu sinh vất vả. Phần lớn lao động nghề muối ở Bạch Long hiện nay là người lớn tuổi, làm nghề lâu năm. Lớp lao động trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của quê hương bởi thu nhập bấp bênh, khó nuôi sống gia đình.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ diêm dân chưa thực sự hiệu quả, chưa ổn định được giá và cân đối cung cầu nên còn tình trạng tiểu thương ép giá.
Hiện nay, để tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân, Uỷ ban Nhân dân xã Bạch Long đã cho quy hoạch lại các vùng sản xuất muối, hỗ trợ diêm dân, đặt ra chỉ tiêu sản xuất 10 nghìn tấn/ năm và hỗ trợ đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch.
Hình ảnh những ruộng muối, xe muối, thuyền muối trắng xóa cùng với hình ảnh những người con mặn mòi của biển cần cù hăng say với thành quả lao động của mình luôn gây ấn tượng với mỗi con người chúng ta khi đến đây. Mong rằng, với sự chung tay góp sức xây dựng từ chính quyền địa phương, các tổ chức, dự án về làng nghề và từ chính người dân sẽ làm sống dậy sức sống của một làng nghề truyền thống.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram