Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghề kim hoàn Kế Môn

Làng Kế Môn – cái nôi của nghề kim hoàn xứ Huế, là nơi sản sinh ra những sản phẩm chứa đựng cái hồn của người thợ.

Kế Môn là một làng có nghề kim hoàn nổi tiếng lâu đời. Làng Kế Môn trước đây thuộc xã Phong Thạnh cũ, nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Làng nằm về hướng Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40 km.

Cái nôi của nghề vàng

Theo sử sách xưa còn ghi lại, làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời Vua Trần Anh Tông, làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.

Tương truyền, vị Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ngài rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ngài làm nghề bịt đồng nhưng đam mê lớn nhất lại muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, dưới thời Vua Lê, ngài giả dạng người Tàu lên đường “tầm sư học đạo” thọ giáo nghề Ngân tượng của một ông thầy người Hoa. 

 Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương nên ông đã cùng vợ con men theo bờ biển vào Nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn. Tại đây, ngài đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục.

Tiếng lành đồn xa, hai cha con ông được Vua triệu kiến giao chức Lãnh binh và Phó Lãnh binh để quản lý Đội Cơ vệ ngân tượng. Sau khi cha mất, Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Quan Thượng thư Bộ Lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về Phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Sự việc đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.

Ngày 28 tháng 2 năm Canh Ngọ, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Nhà vua và Triều đình thương tiếc, truy phong thêm tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư”, được ban đất xây lăng như các quan đại thần và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường Cởi (phường Trường An bây giờ). Sau 11 năm cáo quan dạy nghề,  ngày 8 tháng 2 năm Tân Tỵ, ông Cao Đình Hương qua đời, thọ 48 tuổi, được Vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị Tổ sư”, phần mộ được an táng cạnh mộ phần tổ phụ. Để tưởng nhớ công ơn khai sinh nên nghề bạc, Vua cho cấp đất xây dựng Nhà thờ Tổ nghề kim hoàn tại số 7, đường Chùa Ông bây giờ.

Cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn xứ đàng Trong. Nghề kim hoàn Kế Môn là nghề thủ công cổ truyền chuyên làm đồ trang sức bằng chất liệu vàng bạc có trang trí hoa văn gồm: ngành trơn sản xuất các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều; ngành đậu làm các mặt hàng có hoa văn hình kỉ hà để gắn lên mặt của các sản phẩm; ngành chạm chạm trổ trực tiếp các hình và hoa văn lên các sản phẩm.

Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn Kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.

Thời hậu chiến

Khi hòa bình trở lại vào năm 1975, hầu hết các tiệm vàng nói chung đều bị buộc phải đóng cửa. Một số chủ tiệm của người Kế Môn có điều kiện, liều lĩnh tìm đường ra nước ngoài, với hy vọng sống lại được với nghề cũ. Thực tế là hầu hết các chủ tiệm vàng ở các tỉnh thành trước đây đều có khuynh hướng tập trung về Sài Gòn, xem đây như là một “trạm trung chuyển” trước khi có thể ra đi nếu tình thế bắt buộc.

Trong thời gian này, mặc dầu bị đóng cửa, không thể hoạt động công khai, nhưng những người trong nghề và khách hàng vẫn tìm được nhiều cách để bí mật giao dịch, làm ăn với nhau, hình thành một thị trường vàng không chính thức.Và với những người kinh doanh nghề vàng còn ở lại trong nước, lúc này họ vẫn sống được nhờ vào “thị trường đen” nói trên, đặc biệt là những dịch vụ phát sinh trong thời hậu chiến.

Như vậy, với những giao dịch, mua bán, làm ăn trên “thị trường đen”, những người thợ và hành nghề kinh doanh vàng bạc nói chung – Kế Môn nói riêng – vẫn còn có đất sống, dù chỉ là tạm thời, trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn của thời bao cấp. Một số bi quan trước thực tại bế tắc của nền kinh tế trong nước đã liều lĩnh chọn con đường ra đi và chấp nhận mọi hiểm nguy. Số còn lại thì trông chờ vào một sự đổi thay nào đó với hy vọng “qua cơn bỉ cực ắt phải tới hồi thới lai”. Và điều đó rồi cũng đã đến.

Thời mở cửa

nghề kim hoàn Kế Môn

Kể từ sau năm 1986, mở đầu cho thời kỳ hội nhập với thế giới trong thế bắt buộc, tình hình kinh doanh, mua bán nói chung ở Việt Nam bắt đầu được khôi phục trở lại. Người Kế Môn trong nước lần lượt mở lại các tiệm kim hoàn trên khắp Miền Nam, từ Đông Hà, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, lên các tỉnh thành vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ở ngay tại Sài Gòn.
Điều đặc biệt là ở thời điểm đầu thiên niên kỷ này, giá vàng trong nước luôn biến động và tăng nhanh theo giá vàng thế giới, các tiệm vàng nói chung và của người Kế Môn nói riêng nhộn nhịp hẳn lên, và tất nhiên thu nhập cũng tăng theo.

Lan tỏa tinh hoa làng nghề

Những người Kế Môn ra đi định cư, mang theo cái nghề – là di sản của tổ nghiệp – dùng làm phương tiện sinh sống nơi đất khách quê người, thì phải coi đây chính là một nhánh, một bộ phận, một địa danh lan tỏa của nghề kim hoàn Kế Môn. 
Mặc dầu, những người Kế Môn đã di tản lần lượt từ những năm đầu sau 1975, nhưng mãi đến cuối thập niên này và đầu thập niên 1980 – là những năm mà nền kinh tế bao cấp tại Việt Nam rơi vào trì trệ, khủng hoảng – những người trong nghề vàng mới quyết định ra đi tìm con đường sống mới, đông đảo nhất là tại Hoa Kỳ. Nơi vùng đất mới lạ lẫm này, những người Kế Môn, từng là chủ của các tiệm vàng trước đó tại Việt Nam, đã cố gắng tái khai trương trở lại nghề vàng của mình. Dần dà, nghề vàng có được cơ hội phục hưng, cuộc sống của bà con nơi này ổn định và khấm khá. Có thể nói hai thập niên từ 1980 đến 2000 là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn Kế Môn tại Mỹ.

Tại Huế, các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn. Và hàng năm, vào ngày 27 tháng 2 âm lịch, họ đều tổ chức giỗ tổ và gặp gỡ giao lưu để nâng cao tay nghề.

Ngày nay, ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn thì đến Huế, du khách có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống Kế Môn.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x