Làng Tiên Nộn (xã Phú Mậu – huyện Phú Vang) cách Huế 10km, nơi đây từng là nơi có nghề sơn mài truyền thống và ngày nay còn nổi tiếng với tên gọi “làng hoa tết Cố đô” bởi nghề truyền thống trồng hoa lâu đời của người dân.
Chùa Tiên Phước và dấu ấn của Thượng thư Lê Quang Định
Chùa Tiên Phước, dân gian thường gọi là Niệm Phật đường Tiên Nộn, hiện tọa lạc ở làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Không rõ ngôi chùa này hình thành từ bao giờ, duy theo văn chuông hiện đang đặt bên phải Chánh điện của chùa do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định biên soạn năm 1809 thì nằm trong khoảng từ thời Chúa Nguyễn trở về trước.
Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định (1759-1813) là một trong những vị tuấn kiệt của đất Thần kinh. Ông là người quê gốc ở làng Tiên Nộn, có nhiều đóng góp cho vương triều Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc, với những dấu ấn nổi bật.
Trong khoảng thời gian loạn lạc Tây Sơn, chuông chùa bị mất, Lê Quang Định lúc bấy giờ trở về từ Gia Định đã bắt đầu gom góp tiền bổng lộc, mua đồng để đúc chuông, thiết đặt vào chùa năm 1809. Chuông cao 2 thước, đường kính miệng chuông là 1 thước 1 tấc, nặng 140 cân. Văn chuông có 4 mặt chữ, nội dung mặc dù ngắn gọn, song cũng đủ chứng tỏ Thượng thư Lê Quang Định khá thấm nhuần tri thức Phật học, và tấm lòng hướng Phật vẹn toàn, như lời bài minh chuông súc tích ở đây: “… Nay chuông đúc xong, quả phước vẹn toàn. Sớm hôm vang vọng, ý thiện tỏa lan. Nhất thiết hữu tình, như mộng mà giác. Cùng nghe tiếng chuông, đều về cực lạc”.
Tóm lại, với cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang, thượng thư Lê Quang Định xứng đáng là một danh nhân xứ Huế tiêu biểu, được sử sách nêu gương, nhân dân truyền tụng. Với chùa Phật quê hương và Phật giáo Huế, ông cũng để lại một số dấu ấn quan trọng, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa và lịch sử Phật giáo của địa phương.
Nguồn gốc của sơn mài truyền thống Huế
Sơn mài Tiên Nộn là một trong những làng nghề ở Huế thu hút được sự tò mò của du khách nhất. Bởi, cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa đều được sơn thếp vàng son lộng lẫy. Các vật dụng từ trong dân dã cho đến các gia đình quyền quý, các nhà thờ họ như: Hoành phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tủ đều được sơn mài tô điểm trang trọng.
Nguồn gốc của sơn mài Huế là ở các làng Triều Sơn, Địa Linh, Tiên Nộn. Vua Khải Định từng giao trách nhiệm cho gia đình cụ Nguyễn Đức Bùi phục chế sơn son thếp vàng ở Đại Nội Huế.
Kỹ thuật làm sơn mài truyền thống
Trong kỹ thuật làm sơn ta, chất liệu chính là sơn sống được lấy từ cây sơn của vùng Phú Thọ. Để chế ra các màu, người thợ phải đánh sơn rất vất vả, nếu ai không quen sẽ bị phù mặt. Người ta lấy nhựa trắng từ cây sơn về, để vài ba tháng trong thùng gỗ hoặc tre, lúc này sơn chia thành 3 lớp: lớp 1 gọi là “dọi nhất” (không bao giờ khô) dùng để tăng độ của sơn; lớp 2 gọi là “dọi nhì” dùng để đánh sơn cánh dán, sơn then; lớp 3 gọi là “sơn thịt” dùng để vốc, để bó, để hom và dùng để trát thuyền.
Để tạo sơn cánh dán, dùng chậu gỗ và mỏ vầy đánh sơn trong 48 giờ sau đó chế với nhựa thông tươi với tỷ lệ vừa phải; để tạo ra màu sơn đen (còn gọi là sơn then) người ta đánh trong chậu gang và mỏ vầy bằng sắt.
Sơn mài truyền thống Huế có thể chia thành ba loại: sơn quang, sơn son thếp vàng và sơn mài đắp nổi. Gam màu cổ truyền và căn bản của những tác phẩm sơn mài là cánh dán, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Về sau, hệ màu này được bổ sung thêm sắc độ xanh, xám, màu trắng vỏ trứng, màu hồng vỏ cua, vỏ trai, vỏ ốc…
Ngày nay, làng Tiên Nộn không còn người làm nghề sơn mài nhưng sức sống của nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Huế. Do vật liệu bằng vàng thật rất đắt nên những người làm nghề không còn sơn son thếp vàng các vật dụng hoành phi, câu đối, đồ thờ tự theo đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống. Tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, để giữ gìn kỹ thuật làm sơn mài truyền thống Huế, nhà trường đã thành lập bộ môn trang trí truyền thống nhằm dạy cho sinh viên về kỹ thuật sơn mài của Huế. Để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật thì phải sơn và mài 5 đến 7 lần. Sau khi vẽ chồng hoặc tráng lên các lớp sơn, người ta tiến hành mài xuống và bức tranh sẽ hoàn thành ở tầng sâu cho hiệu quả tốt nhất.
Sức sống của sơn mài truyền thống Huế được thể hiện mạnh mẽ ở những cách tân về đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng… Các họa sĩ đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm sơn mài mang ý tưởng mới, phục vụ cho đời sống hiện đại, sơn mài còn xuất hiện trong đồ dùng làm trang sức, dây đeo cổ, đeo tay, đồ mỹ nghệ …
Tiên Nộn – làng hoa Tết nổi tiếng Cố đô
Vào những ngày cuối năm, mặc dù thời tiết giá lạnh cùng với những cơn mưa phùn kéo dài, nhưng vẫn không ngăn nổi sự sinh sôi, nảy nở của cây hoa cúc ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế.
Khác xa so với cách đây gần 1 tháng, thôn Tiên Nộn trong những ngày gần đây ngập tràng sắc xuân với đầy màu sắc của các loại hoa cúc đang đua nhau nở. Không ít chủ nhà vườn đã rất buồn bã vì hoa cúc phát triển chậm, nhiều khả năng bị chết và không kịp ra hoa do thời tiết giá lạnh và mưa phùn kéo dài. Tuy nhiên, trời đã không phụ lòng người, cúc đã kịp nở để dân làng kịp vớt vát được chút lãi lo cho ngày tết sắp đến.
Hoa cúc ở thôn Tiên Nộn rất đa dạng, có đến mười mấy loại với nhiều màu sắc khác nhau. Nào là cúc tím, cúc xanh, cúc pha lê, cúc đỏ, cúc trắng… nhưng nhiều nhất vẫn là cúc vàng.
Hoa cúc ở đây chủ yếu là để phục vụ cho việc thờ cúng, tín ngưỡng nên cứ vào mỗi dịp rằm hàng tháng, các ngày lễ lớn như lễ Vu Lan, lễ Phật Đảng, ngày đưa Ông Công, Ông Táo về trời, đặc biệt là cuối năm thì nhu cầu hoa cúc tăng rất cao. Ngoài bán cho thương lái, người dân ở làng còn cắt hoa đi bán trên chợ hoa Xuân ở Huế, Hàng trăm chậu hoa cúc Tiên Nộn theo các xe tải về các điểm bán hoa tại Trung tâm văn hóa tỉnh, Phu Văn Lâu.
Người dân ở đây nhờ trồng hoa mà cải thiện được đời sống, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân nơi đây, lưu giữ được nét đẹp trồng hoa từ bao đời nay của xứ Huế.
VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: Facebook – Youtube – Instagram