Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làng nghề chiếu cói Nga Sơn

Nói đến Thanh Hoá, không ai là không biết chiếu cói Nga Sơn, một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất ven biển này, vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau,… Chiếc chiếu nổi tiếng đã được lưu truyền qua bao đời, bao thế hệ trên khắp mọi miền của đất nước. Nó nổi tiếng đến mức đã đi vào câu ca dao, tục ngữ của người Việt Nam:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn – niềm kiêu hãnh của vùng quê này.

Người dân làng từng kể, ngày trước nghèo một đời phiêu dạt tìm đất sống, thường ra mép sóng đào con cáy, bắt con cua, con ốc sinh nhai. Họ ngả lưng nghỉ tạm trên đám cây êm dịu lành hiền ấy. Rồi họ cắt cây về phơi, đụp lên mái nhà tường đầt chống gió mưa. Cây khô đun bếp, trải ổ ấm, bện võng nằm … Và đến lúc, con người phát hiện ra cách chẻ đôi cây, phơi kỹ, đan dệt với sợi vỏ cây đay để làm thành lá chiếu.

Cây cói trở thành thân thiết, là nguồn sống của những gia đình ly quê, vượt thổ dựng nhà nơi cửa biển, từ khoảng vài trăm năm trước. Và bây giờ là nghề chính của hàng chục ngàn người vùng duyên hải huyện Nga Sơn- nghề trồng cói, dệt chiếu.

làng cói Nga Sơn

Thợ dệt xưa thường phải đóng giàn, một đầu buộc từng sơi đay, đầu kia dùng nêm để chèn căng và đay. Đi đay phải thật nhanh tay, nhanh chân. 4 sợi đay ở hai biên (mép ngoài), mỗi sợi phải to gấp 3-4 lần sợi bình thường (người ta dùng 3-4 sợi đay săn bình thường xâu vào lỗ go rồi xe lại cho săn chắc thành một sợi biên). Và đay được cải tiến bằng cách mắc đay cầu (mỗi cầu đay dệt được hàng chục lá chiếu). Thay cho nêm và néo, chỉ vài vòng néo là giàn đay căng lên theo ý muốn của thợ dệt.

Dệt chiếu bao giờ cũng có hai người trên một và dệt. Người cầm go, dệt và bắt biên (gài ngọn cói vào sợi đay biên, tạo thành biên chiếu). Người thuôn đưa thoi bằng cây văng (còn gọi là cây thoi làm bằng tre luồng hoặc bằng thân cây cau già, có ngàm để giữ sợi cói). Thợ giỏi là thợ dệt nhanh và đều tay, lá chiếu dày, mặt chiếu mịn; mỗi ngày có thể dệt được hai đôi chiếu khổ rộng (chiếu đôi). Lá dệt xong, được xén biên, cắt khỏi dàn đay, ghim 2 đầu, nhặt sạch và đem phơi khô. Do khi làm, cây cói được nhúng nước cho mềm nên Lá chiếu mới rất dễ bị ẩm mốc nếu chưa được phơi kỹ.

chiếu cói Nga Sơn

Dệt chiếu bằng đôi tay thủ công, hiển nhiên là truyền thống của nghề này. Đây cũng là dịp để người thợ thủ công Nga Sơn thể hiện hết tài hoa trên từng tấm cói. Nhưng khi cói đã vượt ra khỏi thị trường tỉnh Thanh Hóa để đến với mọi miền, và để vươn xa hơn nữa, thì thủ công e khó đáp ứng kịp. Hơn nữa, đó cũng là một nghề nặng nhọc. Gần đây hai người thợ Nga Liên, một trong 8 làng nghề truyền thống đã mày mò, sáng chế ra chiếc máy dệt chiếu đầu tiên.

Chiếu dệt mát đẹp, sợi cói đều tăm tắp, lại nhẹ nhàng hơn nhiều và nhanh. Thay vì 3 giờ người dệt thủ công mới dệt được một chiếu, thì chỉ mất 45 phút, máy cho ra một chiếu. Người ta tính, chiếc máy có thể dệt 12-15 chiếu mỗi ngày. Giúp giảm gánh nặng công việc, lại có thể tăng năng suất lao động cũng như thu nhập cho người làm.

Chiếu cói Nga Sơn đã dệt nên tiếng thơm ngàn đời cho vùng đất ven biển Nga Sơn. Mong rằng, trong tương lai không xa, việc phát triển ngành nghề truyền thống sẽ gắn liền với phát triển ngành du lịch sinh thái và các danh lam thắng cảnh huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Nga Sơn, góp phần làm giàu cho vùng cói ngút ngàn này.

VỀ LÀNG
Hotline: 037 38 39 088
Email: admin@velang.vn
Website: https://velang.vn
Social Network: FacebookYoutubeInstagram

1.5 2 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x